ÐI VÀO KINH ÐIỂN
NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam có nhiều dịp làm việc và gắn bó với Văn Ký nhận xét: “Dù là "chính ca" hay tình ca, tác phẩm của Văn Ký đều lãng mạn, trữ tình, chứ không kịch tính. Ông tạo ra trong người nghe những cảm xúc dâng trào, lôi cuốn. Phong cách sáng tác của ông có vẻ rất nhẹ nhàng nhưng lại đặt ra vấn đề lớn. Tình ca thôi nhưng trong sâu xa bộc lộ những khát vọng rất lớn của con người, nhiều người, nhiều thế hệ”.
Sáng tác của Văn Ký có độ hấp dẫn, tạo nhiều đất cho ca sĩ thể hiện, vì thế được rất nhiều người hát. Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi vẫn ấn tượng với Mùa xuân Hà Nội thường vang lên qua giọng hát ca sĩ Thanh Lan vào đầu những năm 1990. Anh nhận thấy mặc dù người hát và người viết có lẽ chưa gặp nhau nhưng trong đó có sự thấu hiểu bằng âm nhạc. Phạm Ngọc Khôi nhận định tác phẩm Văn Ký cả thanh nhạc và khí nhạc mang giá trị lâu dài cả về biểu diễn và nghiên cứu, đào tạo.
“Hiếm có nhạc sĩ nào viết qua 4 giai đoạn: chống Pháp, chống Mỹ, thời bình và thiên niên kỷ mới (từ 2000) như Văn Ký. Giai đoạn nào cũng có những tác phẩm thành công”.
Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi
NSND Phạm Ngọc Khôi có duyên với Văn Ký qua nhiều lần trình diễn tác phẩm của nhạc sĩ trong những chương trình lớn của nhà nước hay của Hội nhạc sĩ. Lúc thì anh chơi piano, lúc lại phối khí hay chỉ huy. Anh từng đệm Bài ca hy vọng cho các giọng nữ từ Lê Dung, Thúy Lan, Ngọc Lan, đến Vi Hoa, Hà Thủy, Lan Anh, Đào Tố Loan… Năm 1997, Thanh Thúy (nay là Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM) thi bài hát này với phần đệm piano Phạm Ngọc Khôi đã giành giải Nhất Sao Mai. Phạm Ngọc Khôi chia sẻ khi dựng bài Việt Nam bay lên của Văn Ký cho hòa nhạc Điều Còn Mãi theo kiểu hợp ca We are the world khiến cho các ca sĩ trẻ như Tùng Dương, Mai Trang… cảm thấy thú vị khi tham gia biểu diễn.
Phạm Ngọc Khôi nhận xét trong đời thường Văn Ký rất giản dị, cực kỳ nho nhã: “Bác đã đến chỗ bay bổng vô thường, coi mọi thứ nhẹ nhàng. Hoàn toàn Tây học nhưng tâm hồn rất Việt Nam. Khi nói chuyện ông luôn chủ động xóa khoảng cách tuổi tác. Ông thanh xuân kinh khủng”. Anh dẫn chứng lần đi Tây Bắc nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong suốt hành trình, Văn Ký nói chuyện, tâm tình với bộ đội, cựu chiến binh và các nhạc sĩ. “Phông văn hóa rộng, kiến thức nhiều, ông nói gì cũng thuyết phục, chuyện gì cũng có thể can dự”, Phạm Ngọc Khôi nhận xét. Ngay trên đường đi, Văn Ký đã viết xong Em ca Sơn La và đến nơi tự mình hát luôn trong đêm giao lưu hôm đó. “Ông luyện yoga nên trông trẻ như thanh niên, đi dẻo dai hơn mình luôn”, Ngọc Khôi kể. “Mới đầu mọi người ái ngại lo nhạc sỹ tuổi cao nhưng ông bảo: không, các cậu không thể nhanh bằng tớ được. Quả thực về sau ông leo đồi A1 còn nhanh hơn mình”.
NSND Phạm Ngọc Khôi có lần đệm cho nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa hát Bài ca hy vọng và một bài nữa từng được bà và đồng đội hát trong nhà tù Côn Đảo. Sự kiện diễn ra tại Cung Thiếu nhi Hà Nội nhân cuộc gặp gỡ của các cán bộ lão thành Cách mạng miền Nam. Sau đó cả đoàn cùng ra Côn Đảo để tổ chức buổi kết nạp hội viên Hội Nhạc sĩ cho hàng chục ca sĩ tại TPHCM trong đó có Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng. Bà Trương Mỹ Hoa cùng hai đồng đội một lần nữa hát bài này ngay trước xà lim đã giam giữ họ tại nhà tù Côn Đảo. Đây cũng là nơi giam cầm bà Võ Thị Thắng. Phạm Ngọc Khôi thuật lại lời bà Trương Mỹ Hoa, cho hay Bài ca hy vọng chính là động lực sống của mọi người trong giai đoạn đấu tranh trong nhà tù.
“Văn Ký và các nhạc sĩ tiêu biểu thời kỳ đó viết nhạc để thưởng thức, đề cao ngôn ngữ nghệ thuật, giai điệu lời ca trau chuốt từng tí. Người ta nhớ mấy chục năm nay là có lý do. Khi âm nhạc tồn tại qua 2 thế kỷ, nó đi vào kinh điển rồi”, Phạm Ngọc Khôi kết luận.
NGƯỜI HÀ NỘI THANH LỊCH
Khi bài Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi nổi tiếng qua giọng hát của Tường Vi, Thanh Huyền hay Tuyết Thanh, NSND Thanh Hoa mới bắt đầu bước vào trường nhạc. Sau này chị có dịp hát một số bài của Văn Ký như Trời Hà Nội xanh, Mùa xuân Hà Nội… “Tác phẩm của Văn Ký rất riêng, rất thanh lịch, rất Hà Nội”, Thanh Hoa nói. “Bài ca hy vọng là đỉnh cao của ca khúc Việt Nam, hoàn chỉnh về sắc thái, giai điệu hay, phát triển âm nhạc rõ ràng, chỉn chu và đặc biệt là phơi phới niềm tin”.
Thanh Hoa cho hay có những nhạc sĩ chị ít gặp nhưng đã gặp thì không thể quên đó là Văn Ký, Hoàng Vân và Phạm Tuyên. “Ba anh ấy cùng một tuýp để bất kỳ ai tiếp xúc đều phải trân trọng”, Thanh Hoa nói. “Bởi độ trí thức, gần như mẫu mực trong ứng xử. Ba ông có thể nói là biểu tượng cho vẻ đẹp sang trọng của Hà Nội”.
NSND Thanh Hoa có vài dịp “hộ tống” Văn Ký đến các trường ĐH Xây dựng, ĐH Tổng hợp trước đây... để nói chuyện. “Bản thân tôi cũng bị cuốn hút khi anh Văn Ký nói chuyện về âm nhạc, về đời sống, vì anh ấy phân tích rất hay, đầy đủ kiến thức để người nghe tâm phục khẩu phục”, chị nhớ lại. Trong một lần nói chuyện như thế, Thanh Hoa đã hát Mùa xuân Hà Nội. Còn Trời Hà Nội xanh chị một lần hát trên sóng Truyền hình Hà Nội cũng đủ để “mê đắm” và nhớ mãi. “Âm nhạc của anh có nét riêng không giống ai, luôn làm cho người ta tràn đầy hy vọng sống”, Thanh Hoa nói. “Nếu có một thông điệp dành riêng cho nhạc của anh Văn Ký thì đó là: Trao cho người niềm tin yêu cuộc sống”.
Thanh Hoa cho hay Văn Ký rất trân trọng và yêu quý ca sĩ. Chị kể một kỷ niệm cùng nhạc sĩ vào Nông Cống, Thanh Hóa. Trong chương trình, mọi người yêu cầu Văn Ký hát Bài ca hy vọng. Ông cầu viện ca sĩ: “Hoa ơi hát hộ anh với”. Thanh Hoa giãi bày: “Anh ơi em hát sẽ không bao giờ hay được bằng Lê Dung, dù em thuộc vì hồi học năm 3 trung cấp em đã thi bài này. Chỉ sợ chất đồng quê của em sẽ làm hỏng bài của anh đấy”. Nhạc sĩ cười, nói: “Không sao, em cứ hát bằng tình cảm, suy nghĩ của em. Anh không bắt lỗi, không chấm điểm”. Kết quả là Thanh Hoa được vỗ tay rất lâu.