Bờ kè quanh Hồ Gươm có một số đoạn xuống cấp, UBND TP Hà Nội giao quận Hoàn Kiếm nghiên cứu phương án chỉnh trang. Các chuyên gia phân tích hiện tượng sụt lún ở bờ Hồ khá nguy hiểm cho khách bộ hành. Giới chuyên môn nhắc lại việc sụt lún do quá trình xây dựng tòa nhà Intimex gây ra, việc làm móng công trình và hút đất làm thay đổi địa tầng, mực nước ngầm cũng như địa chất quanh hồ. Từ năm ngoái Hà Nội phải có biển cảnh báo người dân không đi lại ở khu vực xảy ra sụt lún.
Hà Nội đang lấy ý kiến phương án sử dụng kè bê tông công nghệ mới. Đó là kè vát có gân tăng cường, mỗi cấu kiện bê tông dài chừng 1m, cao 2,5m và nặng 2,5 tấn. Những tấm bê tông này được cắm thẳng xuống lòng hồ, được cho là công nghệ mới của Việt Nam và có độ bền cao.
Cho rằng nếu phần kè hỏng cần chỉnh trang, KTS Hoàng Thúc Hào băn khoăn liệu Hà Nội có thực hiện được như phương án đưa ra hay không: Đơn vị thi công hứa không dùng đê bao, không thay đổi mực nước đảm bảo giữ nguyên hiện trạng nền tự nhiên đáy hồ, cũng như giữ nguyên hiện trạng cây xanh xung quanh hồ. Làm bờ kè này phải đảm bảo sao cho không bị cứng, cây cỏ mọc nhanh trả lại màu rêu phong phù hợp cảnh quan.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nêu ý kiến, đối với việc kè Hồ Gươm cần đảm bảo hai yêu cầu: Làm sao cho bền vững, không sụt lở và yêu cầu về thẩm mỹ. “Đó là hai yêu cầu mà ở bất cứ cảnh quan nào cũng đặt ra, trước đây người ta từng bàn nhiều về chuyện kè bờ sông Hương. Tôi cho rằng đối với Hồ Gươm phải tìm giải pháp tối ưu để giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên của hồ, gia cố bằng một số giải pháp kỹ thuật, trong đó ưu tiên hàng đầu là giữ được vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan”, ông nói.
Nguyên tắc thận trọng được nhà sử học Dương Trung Quốc nhắc đi nhắc lại, bởi Hồ Gươm là di sản quốc gia đặc biệt. Nhiều ý tưởng quanh Hồ Gươm luôn nhận được sự phản hồi rất mạnh từ dư luận và các chuyên gia, chẳng hạn việc đặt tượng rùa vàng bị phản đối gay gắt. “Yêu cầu cao nhất của công tác bảo tồn- càng giữ được vẻ đẹp tự nhiên bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu”, ông Dương Trung Quốc nói.
KHÔNG NÊN HOANG PHÍ
KTS Lại Thành Tín (giải Nhất cuộc thi Đánh thức không gian của Hội đồng Anh) đặt ra nhiều vấn đề băn khoăn, hồ nghi: Trước hết là việc đánh giá tác động tới hệ sinh thái có sẵn của Hồ Gươm, trong quá trình thi công và tác động của bê tông đến chất lượng môi trường nước và bùn. Đơn vị thi công đưa số liệu tấm bê tông dài 1m nhưng sâu đến 2,5m và đã thử nghiệm ở Hồ Tây, KTS Lại Thành Tín đặt câu hỏi có cơ quan nào kiểm nghiệm một cách khoa học không hay làm cho có?
KTS Lại Thành Tín phân tích, hệ thống cống thoát nước và các hệ thống phụ trợ có được làm đồng bộ với hệ thống kè không? “Vì nếu không đồng bộ, lại giống như đường nhựa, vừa làm đã cắt nát ra để chạy cống và đường điện ngầm”, anh nói. Anh cũng đặt nghi vấn quá trình thi công, có “ứng xử văn minh và khoa học với hàng cây ven bờ hay không?”. Nhà kiến trúc này cũng đặt dấu hỏi về chất lượng, cách thi công đối với công nghệ đặc trưng của Việt Nam này.
Một vấn đề được các nhà chuyên môn quan tâm là mực nước Hồ Gươm sẽ thay đổi ra sao. “Lưu ý mực nước Hồ Gươm ăn thông ra sông Hồng, chứ không phải chỉ là nước mưa. Nếu làm bê tông liệu có chuyện ngăn mạch nước, có thể xảy ra hệ lụy chưa lường trước được hay không”, nhà sử học Dương Trung Quốc nêu câu hỏi.
Đồng quan điểm, KTS Đoàn Kỳ Thanh lưu ý về cốt nước Hồ Gươm. Anh cảnh báo hãy nhìn bài học hồ Thiền Quang, hồ Ngọc Khánh giờ trông chẳng khác nào chậu bê tông, trở thành “thảm họa cảnh quan”. “Kè bê tông không khéo trông không khác gì đặt chậu bê tông vào hồ, hạ cốt nước xuống khiến hồ như cái hủm. Vẻ đẹp của mặt nước hồ phải theo phương nằm ngang, nếu đặt bê tông vào dễ thành hủm khiến thị giác bị chúi xuống. Đối với Hồ Gươm làm gì thì làm phải giảm áp lực cho hồ, càng giảm càng tốt chứ đừng tăng áp lực và đưa thêm nhiều thứ vào”, Đoàn Kỳ Thanh nói.
Coi việc kè lại bờ Hồ là việc làm thường xuyên, cần thiết để đảm bảo an toàn cho du khách và người dân, nhưng KTS Trần Huy Ánh không đồng tình với phát biểu rằng công nghệ bê tông mới đưa vào “trường tồn trong môi trường”. “Hà Nội hãy làm điều gì đó bình thường thôi, hỏng đâu sửa đấy chứ đừng ngoa ngôn. Đất nước mình còn nghèo, thành phố còn nhiều việc phải làm, cho nên làm gì thì làm đừng để như việc lát đá vừa rồi vừa hoang phí lại tàn phá môi trường và tạo bài học xấu”, KTS Trần Huy Ánh nói.
Với tư cách một kiến trúc sư Hà Nội, KTS Ánh mong muốn kè Hồ Gươm phải an toàn, khoa học, tiết kiệm và theo đúng quy trình quy chuẩn nhà nước “chứ đừng khoác lác để đẩy giá thành lên cao mà sản phẩm lại không như mong đợi”. Hà Nội cần hướng tới thành phố thông minh cho nên mỗi việc làm cần thể hiện trí tuệ, không thể tùy tiện”, ông Ánh nói.
Hà Nội cần xin ý kiến Bộ VHTT&DL
Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) cho biết, đối với di tích quốc gia đặc biệt Hồ Gươm, Hà Nội cần lập dự án gửi Bộ VHTT&DL xin ý kiến thỏa thuận trước khi triển khai. Lãnh đạo Cục chưa nhận được thông tin về dự án này, nên chưa thể có ý kiến cụ thể. Tuy nhiên Cục Di sản cho rằng Hà Nội từ trước tới nay quá quen với việc tuân thủ các quy trình mỗi khi cần duy tu, chỉnh trang các di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt hay di sản thế giới, cho nên có lẽ Hà Nội vẫn đang trong bước lấy ý kiến để hoàn thiện dự án trình xin ý kiến Bộ VHTT&DL.
Kè Hồ Gươm nên theo hướng “mềm, xanh”