Văn hóa xếp hàng có đang tuyệt chủng trong teen?

 Câu chuyện chen lấn mua sushi năm ngoái vẫn còn là vết ố khó phai trong giới trẻ. Ảnh: VnExpress.
Câu chuyện chen lấn mua sushi năm ngoái vẫn còn là vết ố khó phai trong giới trẻ. Ảnh: VnExpress.
Chỉ cần có cơ hội, không ít teen sẵn sàng rũ bỏ vẻ lịch sự để chen lấn vào dòng người đang xếp hàng và gân cổ biện minh: 'Tớ đang vội'.

Kỳ nghỉ Tết đã hết, những dòng người lần lượt đổ về TP HCM ngày càng đông, nhu cầu mua sắm trong những ngày đầu năm tăng lên trở lại. Tại một số siêu thị, nhiều bạn trẻ ở trọ cũng tranh thủ đi chợ, những giờ cao điểm lượng khách hàng trở nên đông đúc hơn bao giờ hết. Do đó, tình trạng chen lấn, xô xát là điều khó tránh khỏi.

Theo lẽ tự nhiên, ai đến trước thì được tính trước. Ấy vậy mà nhiều bạn vô tư chen lấn, thậm chí tỏ thái độ khó chịu nếu có ai đó được thu ngân mời thanh toán trước dù chính bạn ấy là người đến sau. Nếu không bị thu ngân nhắc nhở, nhiều bạn còn vô tư đặt món hàng mình mua lên tấm chặn trên băng chuyền để “xí” chỗ. Các bạn đều ăn mặc rất lịch sự, gương mặt đầy vẻ học thức chứ không phải là dân anh chị hay hàng tôm cá bên đường.

Còn nhớ, câu chuyện của cậu bé 10 tuổi sẵn sàng xếp hàng và nhường thức ăn của mình cho những người đến trước trong vụ sóng thần tại Nhật Bản cách đây 3 năm, tôi không khỏi chạnh lòng trước lối hành xử thiếu văn minh của bộ phận teen Việt. Chẳng lẽ lối hành xử của các bạn ấy lại thua cả một em bé 10 tuổi?

Dẫu biết rằng không phải tất cả nhưng chính những thiểu số ấy đã khiến cho xã hội có cái nhìn không mấy thiện cảm về lứa tuổi mới lớn. Họ gọi bạn là một lũ trẻ trâu, choai choai, loi nhoi mỗi khi bạn xuất hiện ở nơi công cộng. Liệu chăng bạn đang tự hào với biệt danh đó?

Có thể các bạn sẽ biện minh rằng “Tớ đang rất vội!”, “Bạn của tớ đang chờ ở ngoài” hay “Tớ mua có một chút thôi mà” nhưng việc chen lấn để được tính tiền trước có phải là một giải pháp ? Thay vì chen lấn để mọi người nhắc nhở, sao không thử mở lời: “Xin lỗi, cháu mua có một ít thôi, cô/chú có thể cho cháu tính tiền trước được không vì bạn cháu đang đợi ở ngoài ạ?”.

Có thể bạn còn ngờ ngợ và cảm thấy lạ lẫm khi lần đầu tiên mở lời như vậy, nhưng nếu xem đây là thói quen thì điều đó hết sức bình thường. Khi bạn lễ độ với mọi người, chẳng lẽ các cô/chú ấy lại không mở lòng với bạn hay sao?

Một cô bạn của tôi từng kể lại kỷ niệm đau thương trong một lần phỏng vấn. Không ngờ rằng người phỏng vấn hôm đó chính là vị khách bị bạn ấy “giành” tính tiền trong siêu thị. Thế là bạn ấy rớt ngay từ vòng gửi xe, không phải vì người phỏng vấn ghét bạn mà chính cô bạn ấy đã tạo cho họ cái nhìn không được thiện cảm.

Trước khi ra về, đại diện công ty đã gặp và chia sẻ đôi điều khiến cô bạn nhớ mãi: “Em rất giỏi, có năng lực nhưng công ty không thể nhận em. Chắc em còn nhớ chị - người đã bị em chen ngang khi đi mua hàng ở siêu thị cách đây không lâu. Điều đó thể hiện phần nào tính cách của em. Ngoài xã hội, chỉ là việc mua hàng thôi mà em không ngại chen ngang để được đến trước, không biết chừng trong công việc em có dùng những “mánh khoé” nào để thăng tiến hay không?”.

Dĩ nhiên, tôi hiểu cô bạn của mình không phải là người như đại diện công ty đã nói. Nhưng rõ ràng, chúng ta cũng cần nhìn nhận một điều, nếu ngày hôm ấy, cô bạn của tôi chịu khó xếp hàng hoặc nhã nhặn hơn thì chắc chắn sẽ không để lại ấn tượng xấu đối với nhà tuyển dụng. Học tập lối sống văn minh không ở đâu xa, chính là từ những điều nhỏ nhất như thế.

Theo Ione
MỚI - NÓNG