Nhà báo Nguyễn Lưu:

'Văn hóa cổ vũ bóng đá đang lệch lạc'

Cổ động viên xuống đường, đốt pháo sáng ăn mừng chiến thắng đội nhà. Ảnh: P.V
Cổ động viên xuống đường, đốt pháo sáng ăn mừng chiến thắng đội nhà. Ảnh: P.V
TP - “Dân trí và văn hóa đã có vấn đề, chúng ta lại quá ít sân chơi cho tuổi trẻ, ít lựa chọn nên hơi tí là xúm đen xúm đỏ, ồn ào đi bão. Phấn khích cuồng nộ một cách không đáng”- nhà báo, chuyên gia thể thao Nguyễn Lưu nhận định.

Lệch lạc bởi đâu

Ông nói văn hóa cổ vũ bóng đá của người Việt “rất vấn đề”. Cụ thể thế nào?

 Văn hóa cổ vũ của chúng ta đang lệch lạc vô cùng, xuất phát từ dân trí thấp. Không chỉ cổ vũ bóng đá đâu mà cả ngành khác nữa.

Freud và Le Bon - những ông tổ, “đại ca” triết học chỉ ra tâm lý đám đông, hội chứng bầy đàn như sau: khi đám đông bộc lộ chính kiến của mình thì hầu hết trường hợp đều bị dẫn dắt, can thiệp bởi vô thức. Đám đông xử sự như thể không có khả năng suy nghĩ, rất kém suy luận mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng. Họ không kiên định, rất thất thường và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn đến ngây dại ngớ ngẩn nhất.

'Văn hóa cổ vũ bóng đá đang lệch lạc' ảnh 1 Nhà báo Nguyễn Lưu từng thường xuyên “chào sân” bóng đá khắp trong ngoài nước, nhưng vài năm nay thì sợ rồi. Ảnh: NVCC

Cộng đồng nào dân trí càng thấp thì tâm lý đám đông càng dẫn đến hệ lụy nguy hại. Năm ngoái, chờ đón một ngôi sao K-Pop ở sân bay Tân Sơn Nhất, có fan nữ đập đầu vào ô tô chết ngất. Được phóng viên hỏi vì sao hâm mộ, cô ấy tỏ ra không hiểu gì về “thần tượng”, không biết tiếng Anh nên chẳng hiểu ca sĩ kia hát gì. Tiếc rằng hiện tượng này không hề đơn lẻ. AFF Cup này, có cô gái lột hết quần áo giữa đường ăn mừng đội tuyển vào sâu. Những người đứng quanh hò reo và dùng điện thoại quay, phát trực tiếp, rõ mồn một.

“Nhiều người không mê bóng đá nhưng thấy người ta cuồng nhiệt thì cuốn theo và khi lao ra đường hoặc đến sân vận động thì là dịp để lộ cách ăn mặc lạc hậu, nói năng tục tĩu, trộm cắp ma trơi, rượu say đánh nhau. Thắng có Philippines mà mấy trăm người nhập viện ở Hà Nội và Sài Gòn, có cả người chết. Năm 2003 khi chúng ta thua chung kết Sea Games 22, hàng tấn rác để lại trên sân, cờ quạt vứt chỏng trơ thậm chí giẫm đạp”.

Nhà báo NGUYỄN LƯU

Về trí khôn đám đông. Cảm nhận và lập luận hoặc các quyết định của đám đông thường có vẻ chính xác hơn mỗi quyết định của một thành viên nào đó. Điều này luôn đúng với những cộng đồng có sự hiểu biết khá đồng đều, nói cách  khác là tỷ lệ thuận với dân trí. Tiếc là nhận định ấy xem ra khó ứng dụng ở Việt Nam, khi văn hóa tranh luận xuất hiện muộn. Đã xuất hiện muộn lại không được kiểm soát. Sự phát triển của internet thay đổi cuộc sống, trong đó mạng xã hội - nhất là Facebook vừa là công thần vừa là tội đồ. Không hiểu gì cả, chưa rõ đâu vào đâu nhưng cứ phải nói văng mạng đã, phán xét mọi chuyện. Trước đây chưa có FB thì văn hóa, dân trí đã rất vấn đề, bây giờ thêm diễn đàn thì càng bộc lộ cái tôi cực đoan. Anh hùng bàn phím càng nhiều thì ra đường, độ hung hãn, mất kiểm soát càng lớn.

Dân trí thấp, văn hóa kém, đã thế lại quá ít sân chơi cho tuổi trẻ, ít lựa chọn nên có gì lạ một tí là xúm đen xúm đỏ. Thắng một đội như Campuchia đã xuống đường, trong khi kể cả nhất cái giải này thì cũng chỉ là giải ao làng, có gì ghê gớm lắm đâu.

Bóng đá là môn thể thao vua- ai cũng biết. Nhưng tại sao với các nước ngay trong khu vực, họ cũng chỉ cuồng nhiệt có mức độ. Đằng này đập cửa văn phòng liên đoàn bóng đá để đòi suất vé, rồi xe thương binh kéo đến thị uy… Nói chung rất đáng báo động!

Thỉnh thoảng xem thời sự bóng đá quốc tế hoặc nhớ lại truyện“Tội đồ bất đắc dĩ”  của Azit Nexin thì thấy bệnh cuồng bóng bánh không chỉ là đặc sản Việt Nam ta, thưa ông? 

Nhưng Việt Nam cấp độ cao hơn. Thế giới bóng đá nhiều bí ẩn, hay ho nhưng cũng nhiều cái xấu lắm. Bao vây thế giới bóng đá - đó là một bầy cừu không đủ trí khôn lại ít kiểm soát được hành vi, ít hiểu được bản chất thật của vấn đề, mà chỉ hùa theo đám đông. Một đám đông cuồng nộ. Ở đâu cũng thế nhưng Việt Nam mình có phần quá hơn.

Văn hóa bình luận bóng đá của ta mà không đáng cảnh báo ư. Xem mấy trận gần đây tôi thấy Văn Quyết rất buồn trên băng ghế dự bị. Tôi tự hỏi phải chăng vì anh đọc được những bình luận quá đà. Chẳng là trên một số trang mạng bóng đá, nhiều thành viên đưa những hình ảnh chế mô tả anh như một “tù trưởng” tộc người nào đó, ám chỉ anh đá “tù”, và những bình luận kiểu như “người hùng của hai trận bán kết chính là Văn Quyết vì đã được yên vị trên ghế dự bị”. Nói chung nghe kiểu bình phẩm như vậy thì có lẽ người nhà của cầu thủ đã đủ sốc chứ chưa nói người trong cuộc.

Quyết nó buồn lắm. Mà không chỉ nó đâu, một số cậu khác nữa. Họ thích ai thì tâng quá mức, còn hơi phật lòng tí là chan tương đổ mẻ mà có hiểu biết gì đâu. Có những cầu thủ được huấn luyện viên người ta cất đi như một lá bài để dùng lúc khác đấy chứ. Hơn nữa phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi. Một số kênh truyền hình cũng loạc choạc lắm trong văn hóa bình luận bóng đá.

Lâu lắm không dám ra sân

Ông so sánh thế nào về thế hệ hiện nay so với thế hệ vô địch AFF Cup 2008 và xa hơn nữa là thế hệ vàng của Hồng Sơn, Huỳnh Đức...? Ông từng nhận định rằng thế hệ trước không ai đá phạt được như Quang Hải (tiền vệ người Đông Anh, số 19)?

Tôi nếu có khen Hải đá phạt tốt hơn lứa trước thì là cuộc ở Thường Châu thôi. Thế hệ hiện nay tiến bộ nhiều về thể lực, sức bền. Họ rất đồng đều nhưng vẫn chưa có ngôi sao nào thật nổi trội. Và phòng ngự tốt hơn tấn công.

Nhắc Sea Games 23, tôi lại nhớ Phạm Văn Quyến. Lịch sử bóng đá Việt Nam sau 1975 kể cả hai miền, tôi không thấy ai bằng được cầu thủ này. Tôi viết nhiều về Quyến, có nhận định là: Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Văn Sĩ Hùng cộng lại cũng không bằng Quyến!

Quyến bẩm sinh nhà nghèo đi chăn trâu. 15 tuổi được phát hiện, 16 tuổi là cầu thủ xuất sắc nhất giải trẻ châu Á. Đá ở Đà Nẵng sút phạt thần sầu vào lưới Trung Quốc và được khen là cầu thủ hay nhất. Từ khi vào Sông Lam Nghệ An thì làm rung chuyển tất cả. Thời đó, bộ ba người Thái gồm Kiatisuk, Dusit và Chukiat đầu quân cho Hoàng Anh Gia Lai, vô địch mấy mùa liền. Nhiều lần các đội khác lên Playku đều không làm sao phá được lưới của thủ môn Văn Cường, cho đến khi Sông Lam của Quyến lên đó.

Khi đội Yokohama của Nhật sang đá ở sân Hàng Đẫy, Quyến là cầu thủ duy nhất làm họ vào lưới nhặt bóng, trận đấu có tỷ số hòa 1-1. Đặc biệt ở các kỳ Sea Games, các cú đá của Quyến thật kinh khủng, nhất là cứ đá với Thái thì cậu ta ghi bàn! Mới tháng trước, danh thủ Kiatisuk phát biểu: “Ở Việt Nam chỉ Phạm Văn Quyến là khiến người Thái chúng tôi phải sợ mà thôi!”.

Hẳn mọi người chưa quên, vòng loại World Cup, Quyến cũng là cầu thủ đá vào lưới Hàn Quốc, kết cục Việt Nam thắng Hàn 1-0. Trò game của Liên đoàn bóng đá thế giới chọn nhân vật tiêu biểu các châu lục, thì châu Á người được chọn là Quyến. Chuyện Quyến béo còn nhiều lắm.

Nhớ hồi Tiger Cup 1998 ngồi sát đường pít với ông ở sân Hàng Đẫy, một kỷ niệm bóng bánh ngọt ngào- trận bán kết hoàn hảo khi đội nhà thắng Thái Lan 3-0. Sau đó là trận chung kết kỳ cục, và hiểu thế nào là sự chết lặng trên sân bóng khi Sasi Kumar ghi bàn bằng lưng vào lưới Việt Nam. Một sân vận động hai vạn người mà lặng phắc như tờ! Dạo này ông có hay ra sân xem thi đấu trực tiếp? 

Tôi mấy năm nay không dám ra sân vì khi dấn thân vào chốn như vậy, mình có thể không còn là mình, dễ bị nóng máy theo mùa, dễ bị tác động. Tương tác tốt thì không sao nhưng nói chung không lường hết rủi ro. Chỉ một câu nói là có thể ăn thua đủ với nhau. Tan trận lại bao phiền phức - đua xe bạt mạng, hàng quán mở thâu đêm dẫn đến rượu vào lời ra, kể cả ma túy...

Cảm ơn nhà báo Nguyễn Lưu.

MỚI - NÓNG