Vận dụng văn hóa địa phương để dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
Là tỉnh có đến 53,25% dân số là cộng đồng dân tộc thiểu số, trẻ em KonTum đối mặt với những rào cản nhất định về ngôn ngữ khi đến trường.

Sự bối rối của cô trò khi…bất đồng ngôn ngữ

Với trẻ em dân tộc thiểu số vốn đã quen với tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt được xem là ngoại ngữ. Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên mầm non ở huyện Đăk Hà, Kon Tum cho biết: "Trong thời gian đầu, bản thân tôi cũng gặp khó khăn khi nhớ tên từng trẻ, trẻ thì không hiểu được ý cô giáo và khó hòa nhập, nhất là với những bé lần đầu tiên đến trường".

Vận dụng văn hóa địa phương để dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số ảnh 1

Khác biệt về cả ngôn ngữ và văn hóa khiến việc giảng dạy trẻ mầm non ở những vùng dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn

Một khó khăn khác của giáo viên trong việc dạy trẻ ở miền núi như Kon Tum là nét văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số chưa được đề cập nhiều trong tài liệu giảng dạy và học tập. Những câu chuyện không gần gũi với đời sống hàng ngày và những điều trẻ đã biết, dẫn đến các em không gắn kết được tiếng Việt với ngôn ngữ mẹ đẻ. Cô Nguyễn Tuyết Nhung, giáo viên trường mầm non Vành Khuyên, tỉnh Kon Tum dẫn chứng: "Ví dụ khi học về ngày Tết, sách giáo khoa sẽ nhắc đến truyền thống gói bánh chưng. Tuy nhiên, có nhiều trẻ là người dân tộc Mơ Nâm và họ sẽ có phong tục riêng để đón chào năm mới. Khi đó, khái niệm Tết tưởng chừng như thân thuộc nhưng lại xa rời trải nghiệm thực tế của các bé. Vì vậy, trẻ sẽ không tự tin để chia sẻ hiểu biết của bản thân về Tết với mọi người nữa". Những điều lạ lẫm về bối cảnh văn hóa sẽ dẫn đến cản trở trong học ngôn ngữ mới, khiến các em không thoải mái để chia sẻ mong muốn, hình thành tâm lý tự tin và không hào hứng đến trường.

Phương pháp để đưa tiếng Việt đến gần các em

Thấu hiểu được những khó khăn đó, Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật Vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (VVOB) đã thiết kế chương trình Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống (BAMI), triển khai ở 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum từ năm 2017 đến nay.

Vận dụng văn hóa địa phương để dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số ảnh 2

Bộ tài liệu do VVOB soạn thảo gồm 4 phần, hướng dẫn “những tương tác giàu ngôn ngữ trong trường mầm non”

Để giải quyết rào cản về ngôn ngữ, VVOB đã soạn thảo bộ tài liệu “những tương tác giàu ngôn ngữ trong trường mầm non” giúp giáo viên tạo môi trường giàu ngôn ngữ và môi trường giàu tương tác trong lớp học. Trong buổi tập huấn cùng chuyên gia của VVOB vào ngày 31/5 - 1/6 vừa qua, hơn 20 cô giáo mầm non, cán bộ quản lý, cán bộ Sở, Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã có cơ hội học tập và thực hành cùng nhau về phương pháp mang văn hóa địa phương vào trong chương trình học. Với sự hướng dẫn của VVOB, các cô đã thu thập tài liệu về văn hóa địa phương như bài hát, truyện dân gian, hoạt động truyền thống, để thiết kế các hoạt động học thông qua chơi, giàu ngôn ngữ và tính tương tác như kể chuyện, diễn kịch, trả lời câu hỏi... Trong quá trình kể chuyện và tổ chức các hoạt động học mở rộng, cô giáo đã dạy trẻ nhiều từ vựng quen thuộc với trẻ trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, cô cũng hỏi trẻ bằng nhiều câu hỏi mở khác nhau nhằm kích thích tương tác ngôn ngữ giữa cô và trẻ cũng như kích thích tư duy của trẻ.

Cô Nguyễn Thị Thủy đã sáng tạo ra câu chuyện "Món quà của Y Nữ" để giới thiệu với các em về nghề đan lát - một nghề truyền thống phổ biến ở Kon Tum. "Mình đưa người thật việc thật đến với các em. Qua mẩu chuyện về ông A Chong tặng nia cho em Y Nữ, các bé sẽ hiểu hơn về cách làm ra những chiếc thúng, rổ, nia... mà ông bà, bố mẹ vẫn hay dùng. Đây đều là những vật dụng rất gần gũi với đời sống thường ngày nên các bé rất hứng thú. Từ đó, các em ứng dụng những từ mới trong tiếng Việt để gia tăng vốn từ cho bản thân", cô cho biết.

Vận dụng văn hóa địa phương để dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số ảnh 3

HÌnh ảnh minh hoạ cho câu chuyện về nghề đan lát được giáo viên tự vẽ

Ngoài ra, các cô cũng tích cực trò chuyện với trẻ về cuộc sống hàng ngày. "Yếu tố quan trọng để mang lại sự tiến bộ trong ngôn ngữ là thực hành. Trong lớp mình có bé trước đây khá nhút nhát và không chịu giao tiếp. Nhờ sự đổi mới trong cách học và tâm sự với trẻ, em đã gần gũi với cô giáo hơn cảm thấy được quan tâm và có tiến bộ rõ rệt", cô Thủy bộc bạch.

Nhờ phương pháp mới cùng sự động viên, sát cánh từ cô giáo, các bé đã hiểu phần lớn những gì cô giáo nói, có khả năng sử dụng tiếng Việt linh hoạt hơn và cũng chủ động tham gia các hoạt động trong lớp. Những thành quả trên cho thấy việc lồng ghép văn hóa địa phương đã thực sự phát huy tính hiệu quả trong công tác phổ cập tiếng Việt đến trẻ mầm non dân tộc thiểu số.

(*: tên nhân vật và tên trường đã được thay đổi trong bài báo để đảm bảo danh tính.)

VVOB là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1982, tập trung vào lĩnh vực Giáo dục và bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992. Mục tiêu chính của VVOB là cải thiện chất lượng, hiệu suất và hiệu quả của giáo dục một cách bền vững tại các nước đang phát triển. Trong thời gian gần đây, VVOB triển khai 3 dự án và chương trình trong lĩnh vực giáo dục tại Việtnam:

· Dự án giáo dục mầm non quan tâm đến giới (GENTLE) được triển khai bởi VVOB và CGFED tại 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi (Chương trình vừa kết thúc vào ngày 31/5/2021).

· Chương trình “Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống (BAMI)” tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kontum.

· Chương trình Lồng ghép các hoạt động học thông qua chơi cho học sinh Việt Nam (iPLAY) tại các tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hồ Chí Minh, Lai Châu, Hà Giang và Thanh Hóa.

MỚI - NÓNG
Trấn Thành, Thu Minh đều bị chê
Trấn Thành, Thu Minh đều bị chê
TPO - Nhận xét về ca sĩ Phạm Anh Duy, cả Thu Minh và Trấn Thành bị khán giả chỉ trích miệt thị ngoại hình đàn em. Trong tập 12 "Bài hát của chúng ta", bốn gương mặt nghệ sĩ phải nói lời chia tay với chương trình.