Thu hút đồng bào tới tham quan
Gần 9 giờ sáng, ánh nắng mặt trời yếu ớt mới rải đều trên những ngôi nhà lợp bằng lá tro (lá cây cọ) ở bản Ra Mai. Bản này nằm lọt thỏm trong một thung lũng núi Cô Pi, một phía là núi Giăng Màn, giáp với nước bạn Lào. Khí hậu ở Quốc lộ 12 A - tuyến hành lang Đông Tây đang khô ráo, nhưng khi đến Ra Mai thì không khí lạnh tràn ngập, mây bay trên đỉnh núi, những cơn mưa lộp bộp trên tán rừng cọ. Sống dưới chân núi Cô Pi, đồng bào dân tộc Khùa thường nhìn về phía Đồn Biên phòng Ra Mai và học theo những mô hình mà lính quân hàm xanh vừa hướng dẫn, vừa làm trước.
Buổi sáng, binh nhất Đinh Quốc Nghĩa ra chân núi cắt lá cây về bỏ vào chuồng nuôi đà điểu nằm bên hông nhà chỉ huy. Trung úy Trần Ngọc Tám dẫn các chiến sĩ đi khiêng vài cây chuối về dự trữ chất đống ở khu chăn nuôi. Bản Ra Mai nằm trên một vách núi hình vầng trăng khuyết, còn Đồn biên phòng nằm ở góc cao nhất, nên lính biên phòng vác chuối, gánh cỏ về đồn thì dân đều nhìn thấy.
Đồng bào ở bản Ra Mai thỉnh thoảng vào thăm đơn vị, không ngớt trầm trồ khi ngắm khu chuồng trại nằm dưới giàn trồng mướp. Bên cạnh đó là vườn rau xanh mát mắt, ngoài núi là chuồng dê, bò. Thiếu tá Trần Anh Tú cho biết: “Cả đơn vị ăn không hết rau xanh. Mùa nắng kiệt nước quá thì mới để cho đất nghỉ. Anh em phải tăng cường tăng gia sản xuất, vì nếu đi chợ thì quãng đường cả đi lẫn về là 100 km”.
Vườn rau, chuồng gà, lợn được nuôi phía sau khu nhà ở. Nhưng tại sao khu chuồng đà điểu ghép với chuồng vịt xiêm lại được đặt ở bên hông nhà của chỉ huy? Thì ra, mô hình này không đơn thuần chỉ để tăng gia, thu lấy thịt, mà còn là điểm trình diễn, thu hút đồng bào dân tộc Khùa tới tham quan. Sau khi đã xem con đà điểu có bàn chân 2 ngón, bước đi phát ra âm thanh sàn sạt như tiếng chân người, bà con lại ghé sang thăm các mô hình khác ở Đồn Biên phòng. Khu chuồng nuôi gà ri vàng tại đây có số lượng lên đến 500 con.
Đà điểu là loại động vật chuyên sống ở vùng nhiệt đới, chân chạy trên cát nóng, suốt ngày phơi bộ lông dưới ánh nắng mặt trời chói chang. Khi mang bầy đà điểu về xứ lạnh, sương mù; mùa nắng thì gió Lào cháy khát, nhiệt độ giữa hai mùa chênh lệch khá lớn, những người lính ở đây phải chăm sóc những chú đà điểu như “binh sĩ” cưng. Binh nhất Đinh Quốc Nghĩa kể câu chuyện vui về bầy đà điểu những lúc không “giữ nghiêm kỷ luật”, trời mưa vẫn cứ lảng vảng bên ngoài, không vào “doanh trại”, khiến chúng bị ướt lông nên dễ mắc bệnh.
Bộ đội làm được, bà con sẽ làm theo
Sau gần 1 năm nuôi đà điểu ở vùng cao, những “người lính chân dài” này đã thích nghi với thời tiết và sinh trưởng tốt. Thỉnh thoảng bầy đà điểu làm cho cả đơn vị một phen tròn mắt khi được thả đi dạo, chú đà điểu lớn nhất đàn đã cao bằng đầu người. Bà con ở bản ngạc nhiên lắm!
Công tác vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Ra Mai, hàng tuần hàng tháng đều có nội dung “vận động đồng bào phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng lúa nước, làm vườn rau, kinh tế trang trại để góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững…”. Trong các cuộc họp thường xuyên, các buổi gặp gỡ trong sinh hoạt hàng ngày, lính biên phòng ở Đồn Ra Mai đều nói “nuôi dê rất có lãi, nuôi lợn để tăng nguồn thức ăn tại chỗ, trồng thêm rau xanh quanh nhà…”. Nhưng từ khi đơn vị này có thêm “binh sĩ chân dài” thì việc tuyên truyền, vận động đồng bào trở nên thuận lợi hơn. Vì đối với đồng bào, cứ bộ đội biên phòng làm được thì bà con sẽ làm theo thôi...
Già làng Ra Mai Hồ Niên không giấu được vẻ khâm phục. Già luôn nói với bà con cứ làm theo hướng dẫn của Bộ đội biên phòng, vì “con chim lạ ấy mà biên phòng còn mang về nuôi được thì con trâu, con bò đâu có khó khăn gì”.
Thượng tá Lê Công Bảy, Chủ nhiệm hậu cần, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình cho biết, các đồn biên phòng đang triển khai nhiều mô hình, nuôi gần 600 con lợn, 132 con trâu, dê, bò, hàng chục ngàn con gà và vật nuôi khác. Mô hình nuôi gà ri do Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình hỗ trợ. Việc nuôi đà điểu ngoài lợi ích kinh tế cũng tạo ra sự tò mò, thu hút đồng bào đến xem, sau đó sẽ tham gia thực hiện các mô hình chăn nuôi khác.