Vác dùi đục đi hỏi vợ
TPO-Dân làng Can Vũ (Việt Hùng, Quế Võ, Bắc Ninh) nổi tiếng với cách nói chuyện khiến người nghe phải tức “bầm gan tím ruột”. Chính bởi cái tài này mà không ít trai làng phải lận đận khi tán tỉnh con gái làng khác.
Cụ Dân luôn nhắc nhở con cháu cẩn thận lời ăn tiếng nói kẻo bị tai vạ. |
“Chớ có cầm dùi đi… tán”
Đó là câu tâm huyết hàng ngày ông Nguyễn Nhân Dân, 60 tuổi, vẫn nhắc nhở trai làng khi họ đến tuổi dựng vợ gả chồng. Nói ra những lời này bởi ông hiểu rằng dùng lời ngon ngọt lấy lòng người khác có khi còn chẳng ăn ai, huống hồ dân Can Vũ hễ cất lời là nói tức. Dù các anh có ý tốt nói tức để mua vui nhưng không phải ai cũng hiểu được điều này. Chính vì thế, các chàng trai Can Vũ luôn dặn mình thật cẩn trọng mỗi khi phát ngôn.
Dù cẩn thận là vậy nhưng các anh vẫn không “thoát” khỏi tiếng oan… nói phét. Nhiều người ở xa không hiểu rõ bản chất của nghệ thuật nói tức của ngôi làng độc đáo này mà đánh đồng Can Vũ với những nơi “nổi đình nổi đám” về tài bốc phét như làng Văn Lang (Phú Thọ), Dương Sơn (Bắc Giang)… Thành thử nhiều lúc trai Can Vũ gặp trắc trở khi trót yêu gái làng người.
Anh Dũng, 20 tuổi, từng gặp cảnh “dở khóc dở cười” như vậy. Anh hào hứng kể cho tôi nghe chuyện tình cảm của anh với một cô gái làng khác. Khi mới quen nhau, hai người trò chuyện rất “ăn ý”, vậy mà từ khi cô gái biết anh chàng mang danh Can Vũ thì tỏ ra hoài nghi những gì anh nói. Anh phải giải thích tường tận lắm cô mới hiểu và không còn… nghi ngờ lời nói của người yêu.
Dù có lúc bị gán “tội” nói phét hay vu oan nói kháy, nói đểu nhưng bản chất trong sáng của lời ăn tiếng nói Can Vũ đã chinh phục bao trái tim thôn nữ. Chị Hường (21 tuổi, thôn Đình, Việt Hùng, Quế Võ) có người yêu Can Vũ chia sẻ: “Đi ra ngoài, họ thường không nói tức. Nếu có, họ cũng chỉ nói nhẹ nhàng để khuấy động không khí. Mình không những yêu anh ấy mà còn có tình cảm gắn bó với con người quê anh”.
Nghệ thuật nhắc khéo con dâu
Nói tức không chỉ đắc dụng trong việc mang lại niềm vui cho mọi người. Nhiều bà mẹ chồng làng Can Vũ còn sử dụng lối nói độc đáo này để nhắc nhở dâu mới đầy tế nhị.
Trong lần về Can Vũ tìm hiểu truyền thống độc đáo này, tôi có dịp trò chuyện với chị chủ quán tên Thơm. Tình cờ chị cũng là dâu thiên hạ về làng Can Vũ. Nhắc tới đề tài làm dâu Can Vũ, chị vui vẻ kể chuyện lần đầu được “tiếp chiêu” tài ăn nói của mẹ chồng.
Cách đây hơn 20 năm, ngày chị mới về làm dâu được mẹ chồng giao đi cắt cỏ cho bò. Chưa quen đường đi lối lại ở đồng làng cộng thêm sự rụt rè của dâu mới, chị chỉ cắt được ít cỏ mang về. Mẹ chồng thấy vậy mặt lạnh tanh bảo: “Ít thì nấu canh, nhiều thì ta luộc ta xào”. Ban đầu chị không hiểu gì cả, mãi sau rồi mới biết hóa ra là mẹ chồng chê con dâu cắt được ít cỏ. Thế là chị chạnh lòng, chồng gặng hỏi chị kể lại đầu đuôi câu chuyện. Lúc đó, chồng chị mới phá lên cười bảo: “Mẹ nói tức đấy chứ có ác ý gì đâu”.
Anh Đạt, 28 tuổi cũng kết hôn với người làng khác. Dù đã có với nhau hai mặt con nhưng anh vẫn không quên lần vợ mình được mẹ chồng lên tiếng giáo huấn. Lần đó, vợ anh lỡ tay cho hơi nhiều muối vào nồi canh cua. Khi cả nhà ăn được chừng một lát, mẹ anh thủng thẳng dặn dò con dâu: “Ngày mai, con đi ra chợ mua thêm vài cân muối nữa nhé”. Chị không hiểu ý nên thật thà hỏi lại: “Muối dưới bếp vẫn còn nhiều lắm mẹ ạ, mua thêm có việc gì hả mẹ?”. Anh Đạt ngồi cạnh phải cố lắm mới không bật cười. Sau bữa ấy, anh nhắc khéo vợ về chuyện bếp núc. Cũng may vợ anh Đạt là người biết nghĩ, chị không cho là mẹ chồng “ngoa ngoắt” mà còn biết ơn cách mẹ chồng tế nhị nhắc nhở con dâu. Khi biết và quen dần với thói quen ăn nói của vùng quê này thì chị bị “nhiễm” từ lúc nào không hay.
Cùng sống, cùng trải nghiệm mới hiểu hết được nghệ thuật nói tức rất độc đáo và khôn khéo.
Nguyễn Thị Sự