“Hoan hô đội bóng tỉnh ta/Đi làm kinh tế ở xa mới về”. Đây là câu vè các CĐV SLNA trước đây thường mang ra để tự trào về đội bóng tỉnh nhà. Trên thực tế, không chỉ SLNA trước đây bị chỉ trích về chuyện “làm kinh tế” mỗi khi đã trụ hạng. Việc các đội bóng đã ở vị trí an toàn buông xuôi các lượt đấu cuối là thực tế rất rõ ràng.
Nhưng chắc chắn nó không phải vấn đề của riêng V-League hay riêng mùa giải năm nay với thể thức chia 2 nhóm A, B. Việc chia nhóm chỉ làm rõ hơn thực tế trên. Không thể đòi hỏi 1 đội bóng, 1 cầu thủ khi ra sân lại chơi với 100% khả năng khi đã không còn mục tiêu để phấn đấu. Khi nào sự chênh lệch mỗi vị trí tạo nên sự khác biệt về tài chính, V-League mới có thể nghĩ tới điều đó.
Nhiều đội bóng ở V-League chung khẩu hiệu “đá vì người hâm mộ”, hay như với SLNA là “đá để dân thương”. Nhưng ảnh hưởng của người hâm mộ lên “túi tiền” các CLB bóng đá Việt Nam là rất nhỏ. CLB Hà Nội phải hơn 2 năm gần đây mới hút được CĐV nhờ hiệu ứng U23 Việt Nam, nhưng từ 10 năm qua vẫn luôn ổn định nhờ nguồn tài chính từ bầu Hiển. Chính vì vậy, nhiều đội bóng sẵn sàng đưa ra những quyết định bị đánh giá “phản cảm”, không cần quan tâm đến phản ứng của CĐV.
Con người luôn có tâm lý thả phanh khi đã xong xuôi 1 công việc. Cầu thủ sẽ tự bỏ những tình huống 50-50 có khả năng gây chấn thương với đối thủ, để giữ chân, giữ sức cho mùa sau. Các CLB có thể tranh thủ tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ cọ xát. Trọng tài thậm chí sẽ hiểu rằng một tình huống 50-50 thì nên thổi có lợi cho đội nào, bắt đội nào thì ít bị phản ứng.
Thể thức V-League năm nay sẽ khiến cho: Mỗi trong 8 đội nhóm A sẽ giảm đi 6 trận (với 6 đội nhóm B). Mỗi trong 6 đội nhóm B sẽ mất 8 trận với các đội nhóm A. Nhiều trận hơn tức là có nhiều hơn cơ hội cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm. Đây là một yêu cầu quan trọng để phát triển chuyên môn cầu thủ. Nhiều trận hơn cũng tức là cơ hội sửa sai sẽ tăng lên, “sảy chân” 1 chút có thể không còn cơ hội sửa chữa. Trận nào cũng rất căng thẳng đối với những đội thực sự có tham vọng (hoặc trước nguy cơ).
HLV Phan Thanh Hùng của Quảng Ninh cho rằng, mỗi đội bóng trong mùa giải đều có những thời điểm phong độ không ổn định, lên xuống thất thường. Một chặng đua dài có thể giúp các đội điều chỉnh. Nhìn ở khía cạnh này, có thể hiểu vì sao CLB Hà Nội muốn quay lại thể thức cũ, bởi khi đó, một đội bóng ổn định sẽ giành lợi thế.
Nhưng chia nhóm khiến các đội muốn liên minh vất vả hơn. Không thể xin cho như trước và ở giai đoạn 1, mỗi đội bóng đều sẽ phải tự lo cho mình thay vì nghĩ tới chuyện “giúp” đội khác. Thể thức hiện tại với một số người, có thể hạn chế quan hệ giữa các đội bóng của bầu Hiển, như thực tế năm nay. Tuy nhiên đấy là chưa xảy ra trường hợp: cả 4 đội bóng liên quan đều ở nhóm trên. Khi đó cuộc đua tranh ở nhóm A có thể khó có thể hấp dẫn như những gì vừa diễn ra. Nói cách khác, không thể ngồi nghĩ ra 1 thể thức tạm thời chỉ để ngăn chặn một vấn đề mang tính bản chất.
Nếu V-League mùa giải tới áp dụng thể thức hiện tại, vấn đề khó khăn nhất là bằng cách nào đảm bảo số trận cho các đội bóng, tức là mang tính kỹ thuật và chuyên môn. Đã có quan điểm các giải VĐQG trên thế giới đều đá 2 lượt đi-về, nhưng thể thức hiện nay của V-League vốn là “biến thể” mô hình tổ chức của giải bóng đá VĐQG Hàn Quốc (K-League). Không có thể thức nào hoàn hảo, chọn phương thức nào có thể chỉ là lựa chọn ở mỗi thời điểm của một nền bóng đá phù hợp với thực tiễn.