Nhờ chủ tịch tỉnh để không bị xử phạt
Sáng 30/1, Tòa án Quân sự Quân khu 7 tiến hành xét hỏi bị cáo Đinh Ngọc Hệ (SN 1971, ở Yên Khánh, Ninh Bình, tên khác là “Út trọc”) - nguyên thượng tá, Phó TGĐ Tổng Cty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng và các đồng phạm liên quan hành vi lập khống hợp đồng gửi xăng kém chất lượng để tránh bị xử phạt.
Theo cáo trạng, tháng 6/2014, đội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương xác định cửa hàng của Thái Sơn thiếu giấy chứng nhận đo lường, hợp đồng bán lẻ… Cửa hàng này cũng tồn hơn 20.000 lít xăng kém chất lượng nên bị niêm phong cột bơm.
Thấy vậy, Đinh Ngọc Hệ đã liên hệ, làm giả văn bản cửa hàng xăng dầu Thái Sơn chủ yếu phục vụ quốc phòng gửi cho ông Lê Thanh Cung - lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương để xin không bị xử phạt.
“Út trọc” cũng liên hệ với Bùi Văn Tiệp - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367 để gửi xăng kém chất lượng; kèm hợp đồng giả thể hiện số xăng dầu kém chất lượng nói trên của Sư đoàn 367 gửi. Từ tài liệu này và bút phê của ông Lê Thanh Cung, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã không xử phạt gần 1,5 tỷ đồng với cửa hàng xăng Thái Sơn.
Tại tòa, bị cáo Trần Văn Lâm (SN 1977, ở Hải Dương) - nguyên TGĐ điều hành Cty CP phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P (Thái Sơn BQP) khai, dù bản thân là TGĐ nhưng việc quyết định đăng ký rồi cho thuê, thế chấp xe biển quân sự, biển 80A đều do bị cáo Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo.
Tiếp đến, chi nhánh Bình Dương của Thái Sơn BQP được lập ra chủ yếu để bán xăng dầu. Năm 2014, ông Lâm được bị cáo Trần Xuân Sơn (SN 1986, ở Nghệ An) - GĐ chi nhánh Bình Dương báo cáo việc Quản lý thị trường (QLTT) Bình Dương có kiểm tra, niêm phong cây xăng và mời lên làm việc.
“Sơn báo về, nhờ Cty lên hỗ trợ. Buổi trưa thì anh Hệ biết và chỉ đạo bị cáo lên kết hợp với Sơn làm việc. Hôm sau, anh Hệ nói đi cùng lên gặp anh Cung - Chủ tịch Bình Dương… Khoảng 12h30 anh Cung họp xong, anh Hệ trình bày khoảng 5 - 10 phút thì anh Cung bảo làm công văn gửi lên” - bị cáo Lâm nói.
Bị cáo tiếp tục khai đã làm công văn theo chỉ đạo của bị cáo Đinh Ngọc Hệ. Nội dung công văn thể hiện lý do xăng kém chất lượng không phải do nhập lậu mà do sử dụng thiết bị cũ của một lữ đoàn nên nước mưa thấm vào khiến xăng kém chất lượng. Bị cáo Lâm đã đưa công văn cho ông Lê Thanh Cung và được ông Cung phê vào bìa thư, nói sẽ giúp đỡ.
Sau đó, các bị cáo Lâm, Sơn lên trình bày với QLTT và được hướng dẫn về làm thêm hợp đồng gửi xăng dầu của công an, quân đội. Vì vậy, bị cáo Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo soạn sẵn hợp đồng rồi nhờ bị cáo Bùi Văn Tiệp ký dù sư đoàn 367 không gửi xăng tại cửa hàng của Thái Sơn.
Bị vu khống?
Các bị cáo Trần Xuân Sơn và Bùi Văn Tiệp khẳng định lời khai của bị cáo Lâm là đúng. Bị cáo Tiệp cũng khẳng định ký vào hợp đồng gửi xăng khống vì được Đinh Ngọc Hệ gọi điện nhờ. Ngược lại, bị cáo Đinh Ngọc Hệ bác bỏ, nói các bị cáo khai không đúng.
“Út trọc” khẳng định: “Lời khai của các bị cáo với sự việc là hoàn toàn không chứng cứ, vu khống vì thời điểm xảy ra vi phạm, tôi có biết nhưng không chỉ đạo việc gì…. Bị cáo ở kỹ thuật, không biết kinh doanh chỉ biết quan hệ ngoại giao”.
Nhân chứng tên Tuấn - Tổ trưởng tổ kiểm tra liên ngành thực hiện việc kiểm tra cửa hàng xăng của Thái Sơn khai, tháng 6/2014, tổ kiểm tra và phát hiện cửa hàng thiếu nhiều thủ tục, thử nghiệm xăng A92 thấy không phù hợp quy chuẩn quốc gia nên đoàn có mời đại diện cửa hàng tới làm việc.
“Qua đây, phía cửa hàng có xuất trình giải trình và hợp đồng ký gửi số xăng đó nên đoàn kiểm tra thống nhất chỉ xử phạt hành vi không có hợp đồng đại lý. Xăng kém chất lượng không đưa ra thị trường nên không xử phạt…. Do chúng tôi sơ xuất, luôn ưu ái, tin tưởng đây là doanh nghiệp quân đội nên không kiểm tra kỹ nguồn gốc. Chúng tôi thấy còn thiếu sót” - ông Tuấn nói.
Về việc sử dụng bằng giả, Đinh Ngọc Hệ khai từng học tại Đại học Mở TP.HCM nhưng có mua bằng của Đại học Kinh tế quốc dân. “Bị cáo có mua bằng của trường Kinh tế Quốc dân để khai ở Cty Hải Âu và Cty ADCC (cùng thuộc quân chủng Phòng không - Không quân) nhưng ADCC xác định là bằng giả nên tôi không dám nộp nữa” - ông Hệ nói.
Bị cáo này cho rằng mình dân trí thấp, được anh em xã hội nói mình không phải đi học, sẽ có người đi học và bằng tên mình nên đồng ý mua. Lúc đó, bị cáo nhận thức việc mua bằng là đúng và đã dừng sử dụng bằng giả từ năm 2005. “Út trọc” cho rằng: “Cáo trạng truy tố quá khắc nghiệt với bị cáo. Bị cáo dù không học vẫn có thể lên quân hàm như hôm nay”.
HĐXX dẫn chứng nhiều văn bản do quận Tân Bình (TP.HCM) sao y bản chính bằng giả nói trên trong thời gian gần đây đồng thời đặt câu hỏi tại sao bị cáo nói 2005 đã không dùng nhưng lại có các văn bản công chứng này?
Đáp lại, Đinh Ngọc Hệ khẳng định đã nộp hồ sơ cho ban quân lực của Cty ADCC và bị niêm phong. Bị cáo không biết, không thực hiện công chứng bằng giả của Đại học Kinh tế quốc dân.