Uống rượu với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Uống rượu với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm
TP - Tôi với nhà thơ Nguyễn Hoa phải vào Huế gấp để dự tang lễ thân phụ nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Nhận tin khẩn, lại vào ngày thứ bảy, lái xe cơ quan có việc về quê, phương án tối ưu là đi tàu tốc hành Thống Nhất. Chúng tôi quyết định ra ga Hàng Cỏ, 19 giờ 30 lên tàu.
Uống rượu với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm ảnh 1

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm uống rượu với khách văn tại vườn nhà  (Từ trái quay vòng : Mai Văn Hoan, Nguyễn Khoa Điềm, Ngô Minh, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Hoa, Nguyễn Quang Hà, Trần Vàng Sao). Ảnh: Diệu An

Theo dự tính, chúng tôi sẽ ở Huế dăm ngày, viếng tang lễ, rồi đi thăm một vài nhà văn cao tuổi, đi vãng cảnh, đi thâm nhập thực tế vài nơi...

Trù tính mọi chuyện rồi, mãi gần sáng, khi tàu sắp đến Đồng Hới, tôi mới ngủ thiếp đi một lúc .

Bỗng nhà thơ Nguyễn Hoa ngồi bật dậy, đập chân tôi:

- Tôi nghĩ lại rồi, bác ạ… - Ông Hoa hơn tôi một tuổi, nhưng hay gọi tôi bằng bác. Nói chung ông gọi tất tật mọi người bằng bác (không viết hoa), để tỏ sự kính trọng như bản tính vốn có ở ông.

- Chắc đêm qua bác vừa sáng tác được bài thơ mới? -  Tôi như kẻ sẵn sàng chịu chuyện để khích lệ nhà thơ. Công tác với Nguyễn Hoa không ít năm, nhưng mãi gần đây tôi mới biết tên cúng cơm của ông là Nguyễn Hoa Kỳ.

Cái tên làm ông khổ một thời. Địa phương không cho ông đi đại học. Thân Mỹ, sùng bái Mỹ đến mức lộ liễu thế kia đấy. Ở nhà làm ruộng, chăn dê, hoặc cùng lắm là đi chiến trường, mấy ông cán bộ xã quyết thế. Nguyễn Hoa Kỳ xung phong đi bộ đội.

Khoác áo lính, nhưng vẫn sợ tổ chức dị nghị, không tin dùng, bèn vứt béng chữ Kỳ đi, từ đó tên mềm như con gái. Vậy mà khối người cứ  kháo nhau rằng ông nhà thơ phụ trách công tác tổ chức này khô như ngói, chỉ làm được thơ chính trị chứ không viết được thơ tình.

Sai bét. Qua đợt đi với ông lên Sa Pa vừa rồi, thấy nhận xét của thiên hạ sai bét. Thơ tình của Nguyễn Hoa khối anh còn chạy theo mệt. Ví như  câu thơ này, tôi dám chắc ... đến Xuân Diệu sống lại cũng phải ngả mũ: “Em là muối ướp nỗi đau tươi mãi”.

- Kể ở chơi Huế vài ba ngày cũng thích thật – Nguyễn Hoa vào thẳng câu chuyện - Nhưng tôi với bác, hai anh già, mỗi anh lếch thếch một cái cặp, như những tên hành khất, xe cộ chẳng có, đi taxi thì tốn tiền, ai thanh toán? Đi xe ôm thì bệ rạc. Rồi ăn nghỉ khách sạn thì tốn kém. Đến nhà bạn bè thì phiền hà...

Tôi vừa hỏi đồng chí trưởng tàu, con tàu sang trọng này mới khánh thành mùa hè vừa rồi để chở khách đi du lịch Huế. Đây là một đôi tàu chỉ chạy tuyến Hà Nội- Huế và ngược lại. Hôm nay ta đi ít khách, hai anh em làm chủ cả một toa thênh thang thế này là vì đã hết mùa du lịch. Tàu sẽ dừng ở Huế hơn bốn tiếng rồi lại quay đầu ra Hà Nội bác ạ.

- Tức là ta cũng quay đầu?- Tôi sững người vì cái quyết định đột ngột của ông trưởng đoàn. Thôi rồi, còn gì vui thú trên cõi đời  này ? Tôi chán chường lắc đầu – Bác nghĩ cũng phải. Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách.

Vậy là anh em ta có bốn giờ ở Huế. Cũng xênh xang chán. Thế thì phải điện thoại ngay cho các bác Nguyễn Khắc Phê và Nguyễn Quang Hà, nhờ hai bác mua sẵn hương hoa...

- Tôi điện cho cả hai anh rồi- Cái bướu quả ổi trên trán Nguyễn Hoa gồ lên, đầy quyết đoán - Nhờ Nguyễn Quang Hà đặt vòng hoa rồi. Anh Hà đợi chúng ta ở nhà, rồi cùng đi luôn.

* * *

Quả nhiên, nhà văn Nguyễn Quang Hà đã đợi sẵn chúng tôi trước con phố thông ra bờ sông An Cựu. Vừa gặp nhau, anh Hà đã khoát tay, bảo taxi đi ngay.

- Tớ vừa gọi điện cho Nguyễn Khoa Điềm, nói các cậu vào, Điềm mừng lắm. Hắn hẹn đợi cánh ta ở cổng nhà để cùng đi. Vòng hoa tớ đã đặt sẵn ở  Đập Đá, xe đến đó là có liền.

Tôi nhìn Hà rồi liếc sang anh taxi.

- Bác nói thế mà không sợ phạm thượng à? Chẳng gì nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng từng là Ủy viên Bộ Chính trị, quyền uy dưới vài người nhưng trên hàng triệu người.

- Chúng tớ vẫn gọi nhau là mày tao mà - Ông Hà cười lớn và nói oang oang, như vừa tu rượu Làng Vân quê ông - Mình còn hơn tuổi Điềm. Từ hồi trên chiến khu A Lưới, những năm 1968, 1970 cho đến sau giải phóng, hai thằng vẫn hoạt động cùng nhau.

Mà cả mấy thằng Trần Vàng Sao, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đắc Xuân nữa. Mày tao suốt, quen rồi. Lên chức cao thì tránh gọi nhau ở chỗ công sở, chỗ đông người, còn gặp nhau bên quán rượu, ngoài đường phố là mi tau tuốt.

Chúng tớ còn cưới vợ cho Điềm cơ mà. Anh em văn nghệ ở Huế gọi nhau không khách sáo như ngoài Bắc... Kia rồi, Điềm đang đứng chờ bọn mình.

Tôi nhận ra tác giả “Mặt đường khát vọng”, nhà thơ xứ Huế, áo trắng bỏ trong quần tím than, trông trẻ trung thư thái, chẳng có vẻ gì quan dạng, đang đứng đợi bên đường cùng với mấy anh em văn sỹ: Ngô Minh, Trần Vàng Sao, Mai Văn Hoan...

Hoá ra nhà ông chỉ cách nhà Võ Thị Xuân Hà chừng ba chục số nhà, cũng bên số chẵn, đường Thuận An cũ, nay là phố Nguyễn Sinh Cung.

Gia đình nhà văn Võ Thị Xuân Hà và mọi người xúc động thực sự khi thấy đoàn của Hội nhà văn Việt Nam, đông tới chục người, có cả nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Khoa Điềm đi sau vòng hoa viếng.

Chúng tôi thắp hương tưởng nhớ người đã khuất, thân phụ nhà văn Võ Thị Xuân Hà, cựu thiếu tá Võ Công Đẩu, hơn 60 tuổi Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thông tin Đoàn 559, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Vỹ Dạ những ngày đầu giải phóng...

Tôi đã hơn một lần nghe Hà kể về người cha thân yêu và gia tộc họ Võ của mình. Ông nội Hà, cụ Võ Công Đồng, từng là chủ tiệm vàng giàu nhất nhì Huế.

Những người Huế từ thời vua Bảo Đại đến thời chính quyền Sài Gòn, ít ai không biết đến các tiệm vàng Đức Nguyên, Tài Nguyên ở khu chợ Đông Ba, ở đường Thuận An, ở dốc  An Cựu.

Ngay ở khu nhà cổ đường Thuận An này, nơi đặt xưởng kim hoàn, có thời kỳ người ta đua nhau đến mua đất vườn nhà cụ, mua từng xe cải tiến, chở từng thúng đất mang ra sông đãi lấy vàng cám và hạt xoàn, rồi chở đất khác về lấp lại...

Giàu có đến mức ấy, vậy mà sau Cách mạng tháng Tám,  anh con trai cả Võ Công Đẩu của cụ, chưa đầy hai mươi tuổi, đã dứt bỏ giàu sang, tình nguyện đi kháng chiến.

Là đảng viên từ năm 1946, rồi cả gia đình, vợ và ba con gái đều là đảng viên, từng giữ trọng trách Phó chủ nhiệm Thông tin đoàn 559, nhưng cho tới trước khi nghỉ hưu, năm 1980, ông Võ Công Đẩu mới đạt đến hàm thiếu tá.

Cái lý lịch con tư sản chủ tiệm vàng chợ Đông Ba neo giữ ông suốt hai mươi năm không lên nổi một bậc hàm quân đội. Ấy là chưa kể một lần, thời chống Pháp, do bị tố giác là con tư sản  chui vào hàng ngũ ta, ông đã bị bắt giam.

Người cứu anh lính vệ quốc Võ Công Đẩu khỏi bị hành xử, chính là đồng chí Nguyễn Duy Trinh, thủ trưởng cũ của anh, khi ấy đã là một cán bộ cao cấp của Chính phủ.

Gia đình ông Võ Công Đẩu, cũng như hàng vạn gia đình phía nam vĩ tuyến 17, từng bị chia đôi như Đất nước. Vợ chồng anh trai cả đi ra Bắc. Bố mẹ, anh chị em ở lại với Huế.

Ông em Võ Công Luân cùng các em nối nghiệp cha gìn giữ và phát triển tiệm vàng Tài Nguyên, Đức Nguyên, sinh sôi phát đạt ... Mậu Thân năm 1968, nghe tin cộng sản từ A Sầu, A Lưới về giải phóng Huế, cả nhà sơ tán khỏi thành phố, nhiều người chạy miết vào Đà Nẵng,  riêng ông chủ Võ Công Đồng quyết ở lại Huế chờ con trai Võ Công Đẩu.

Thế rồi một viên đạn lạc đã giết ông chủ tiệm vàng nổi tiếng khi đang ngóng đợi người con sau bao nhiêu năm xa cách trên đoạn đường trước nhà...

* * *

Uống rượu với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm ảnh 2
Các nhà văn xứ Huế đón khách văn Hà Nội bên bờ sông Hương. Ảnh: Ngô Minh

Chương trình đến thăm tệ xá nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm hoàn toàn nằm ngoài dự kiến của chúng tôi.

Chúng tôi tản bộ cùng với nhà thơ xứ Huế về ngôi nhà cũ của ông, nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử từng có bài thơ nổi tiếng “ Đây thôn Vỹ Dạ”, nơi bây giờ Nguyễn Khoa Điềm cáo quan về ẩn dật. Bỗng đâu, mấy câu vè cánh văn nghệ Hà thành thường kháo nhau, chợt lởn vởn trong đầu: “Bộ Chính trị không  ban Sáng tác/ Mất chức rồi quan bác về đâu?...”

Qua chiếc cổng lớn, chúng tôi lọt giữa một khuôn viên nhiều chuối và na xen dưới bóng tre ngà và cây cổ thụ. Thì ra, hơn tất cả những quan chức cỡ lớn đương thời về hưu, riêng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm vẫn có một chốn xưa để vui thú điền viên, hoành tráng và thơ mộng đáng kinh ngạc.

Đó là một ngôi nhà của tổ phụ rộng hơn ngàn mét vuông, nằm ngay thôn Vỹ Dạ xưa, gần dinh thất của Tuy Lý Vương và nhiều đại quan, vương tôn công tử  triều Nguyễn.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm xăm xăm dẫn khách vào gian nhà chính. Đó là một ngôi nhà cổ được cải tạo lại, mái ngói thâm nâu. Giữa nhà, là một ban thờ lớn, với đầy đủ đồ tế tự của một ngôi nhà rường truyền thống xứ Huế.

Trên ban thờ, giữa khói hương nghi ngút, tôi kinh ngạc nhận ra mấy hàng bài vị với những ảnh thờ được phóng to, xếp theo thứ bậc. Chà chà, quả là liệt tổ liệt tông một dòng họ nhiều đời, từ triều đại phong kiến đến giờ  đều giữ những cương vị đáng nể.

Tôi không thể nhận biết giữa nghi ngút khói hương kia có ảnh quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng, ảnh cụ nghị viên dân biểu Nguyễn Khoa Tùng không, nhưng đoán chắc bức ảnh người phụ nữ khuê các ở hàng trên kia là nữ sỹ Đạm Phương, bà nội nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Riêng ảnh và bài vị cụ Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, nhà báo, nhà lý luận Macxit hàng đầu Việt Nam, người từng gây cuộc tranh luận nổi tiếng “Nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh” với Hoài Thanh, Thiếu Sơn, Lưu Trọng Lư những năm 1935-1939, thì tôi không thể lẫn được.

- Ba mình đó - Ông Điềm thân chinh đưa hương cho chúng tôi thắp, kính cẩn đứng đáp lễ, chỉ bức ảnh, nói với chúng tôi. Rồi ông quay ngang, chỉ một bức ảnh khác, không đặt trên ban thờ mà treo trên chiếc cột giáp gian bên -

Còn đây, cũng ảnh ba mình, chụp trước tấm ảnh thờ kia nhiều năm, trông ông cụ rất trẻ. Ba người trong ảnh, mình nhận được hai, còn vị bên trái ba mình, cho tới giờ vẫn chưa tìm ra.

Bức ảnh bốn người, chụp từ thời mười tám đôi mươi, nhưng người ở phía bên trái Hải Triều, sáu mươi năm sau, vẫn là một ẩn số. Làm tới chức vụ như ông Nguyễn Khoa Điềm mà tới giờ vẫn chưa tìm ra người bạn chụp chung ảnh với ba mình, cũng lạ.

Tôi nháy Nguyễn Hoa, thắp hương xong rồi, mời bác Điềm đi ăn trưa. Nhưng ông Điềm lại dẫn chúng tôi ra chiếc bàn đá đầu hồi nhà thờ, dưới bóng cây râm mát và bảo :

- Mấy khi khách quý đến chơi, ta uống một chút gì chứ hỉ?

Nụ cười của nhà thơ có sức lưu giữ khách. Nhiều người bảo rằng ông Nguyễn Khoa Điềm rất ít khi cười. Trong các hội nghị, trên Tivi, ông thường trực một gương mặt ít biểu cảm. Nhưng hôm nay, tại căn nhà nơi cố hương, ông hoàn toàn khác. Từ ngày về hưu tôi thấy ông trẻ và khoẻ ra nhiều. Hình như trút bỏ được mũ mãng cân đai, ông đang thực sống là mình.

- Có rượu ngon thì mang đãi khách quí Hà Nội đi – Cả Ngô Minh và Nguyễn Quang Hà đều gợi ý.

- Có chớ. Rượu thượng hạng đây.

Nhà thơ đi xuống dãy nhà lầu phía sau, nơi có không khí cỗ bàn, rồi mang ra một chai Chivas regal 12 vừa bóc tem. Đích thân nhà thơ rót rượu ra những chiếc ly thủy tinh cao chân.

- Rượu ngon phải có cái chi nhắm chứ hề – Tôi bỗng xúc động với chất giọng Huế và động tác của nhà thơ ngoái nhìn vào dãy nhà ngang, nơi thấp thoáng  bóng xiêm áo phụ nữ.

Kia rồi, mấy người phụ nữ cùng tíu tít chạy ra. Chúng tôi nhận ra chị Lợi, phu nhân nhà thơ, trẻ trung chẳng kém gì  hai cô con gái . Họ mang ra ba bốn loại giò, giò lụa, giò bò, giò quế...

- Vợ tôi với các cháu chắc cũng cùng đi chuyến tàu với ông Hoa ông Tường đó. Đây là đặc sản Hà Nội, mẹ con vừa mang vào...

Không khí bỗng vui hẳn lên khi nhà thơ Trần Vàng Sao dắt xe đạp lạch xạch đến. Tôi không ngờ ông già cổ kính chừng bẩy chục tuổi này lại là tác giả thi phẩm nổi tiếng “ Bài thơ của một người yêu nước mình” viết cách đây hơn bốn mươi năm.

- Rượu thằng Điềm ngon quá hè - Trần Vàng Sao đưa ly rượu vàng màu hổ phách lên ngắm nghía một cách thèm khát, như tiếc rẻ không nỡ uống, rồi nhấp môi khà một tiếng sung sướng. Đúng như Nguyễn Quang Hà nói, đám bạn bè văn chương chiến khu A Lưới một thuở, cứ ngồi với nhau là mi tau như không thể nào khác.

Có lẽ trong những ngày về hưu cô đơn dằng dặc mấy năm qua, Trần Vàng Sao là người láng giềng gần gũi và lui tới thăm nom Nguyễn Khoa Điềm vô tư nhất. Với ông, không có ranh giới chức tước, càng không có sang hèn...

Trong không khí anh em thân tình, lại có Diệu An, con gái nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, phóng viên báo Nhân Dân, chụp cho cuộc rượu một kiểu ảnh kỷ niệm, tôi nảy sinh ý định muốn làm một phép thử đối với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Năm ngoái, cũng thời gian này, khi cuốn tiểu thuyết “Thời của Thánh Thần” của tôi vừa in xong đã gặp cơn sóng gió, một buổi trưa tôi bỗng nhận được điện thoại của nhà thơ Dương Thuấn:

 “Làm gì có chuyện thu hồi, cấm phát hành sách của anh. Anh Nguyễn Khoa Điềm vừa gọi điện cho em. Anh Điềm đã mua đọc và thấy không có gì phải cấm kị. Anh Điềm bảo đã gọi điện hỏi ông Bộ trưởng. Có ai xử lý gì đâu?”.

Nhà thơ dân tộc Tày Dương Thuấn vốn là em út, rất thân với ông Nguyễn Khoa Điềm. Chẳng lẽ Dương Thuấn chỉ muốn kiếm câu chuyện làm quà? Có thế chứ. Tầm cỡ như ông Điềm là phải thế.

Nhưng rồi tôi lại thoáng nghi ngờ, khi nhớ lại mấy vụ sách của Nguyễn Khắc Phục, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Khải... dưới thời ông Điềm “trị vì”. Nếu như ông Điềm tiếp tục giữ cương vị cũ một khoá nữa, ông có dám nói như thế không?

Tôi mang câu chuyện nói lại với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Ông im lặng giây lâu. Tôi chợt ân hận vì đã đẩy ông vào tình thế khó xử. Người xưa nói “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Nghỉ hưu rồi, ra khỏi bầu rồi, nhưng chắc ông vẫn còn chưa đủ thời gian để kịp dài với ống ?

- Có, mình đã đọc. Và có điện cho Dương Thuấn...

Câu nói của nhà thơ, khiến tôi kính trọng ông và thấy cuộc rượu này có ý nghĩa. Tôi hiểu, vì sao mới đây ông lại viết: “Nói với nhà văn quá cố”, một bài thơ đầy tâm trạng:

“... Tôi nói thầm/ Giá như các anh sống lại/ Ngồi vào bàn viết bên tôi/ Chắc các anh sẽ nheo mắt cười/ Tha thứ cho chúng tôi đã sống dai đến vậy/ Xả rác ở các nhà xuất bản nhiều đến vậy/ Mà được gì cho cuộc sống hôm nay.../ Còn tôi/ Trong cơn mưa lạnh cuối năm như vãi cát vào mặt/ Nhớ đến những thợ cày lực lưỡng đã đi xa/ Cúi xuống tờ giấy trắng trơ như cánh đồng sau vụ gặt/ Lòng quặn đau rằng đất không thể ở không/ Giấy phải làm ra chữ...”.

Nhà văn quá cố mà Nguyễn Khoa Điềm muốn nói chuyện là ai? Chắc không phải là nhà thơ em út mà ông từng có thơ đề tặng “Bạn giờ đóng gạch nơi đâu?”. Chí ít cũng phải tầm cỡ như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, hay xa nữa là Nam Cao, Vũ Trọng Phụng..., những thợ cày lực lưỡng?

* * *

Tôi nhìn đồng hồ. Chỉ còn hai tiếng nữa chuyến tàu Huế - Hà Nội sẽ khởi hành.

Nguyễn Hoa hiểu ý, đứng dậy, vò mãi hai bàn tay.

- Báo cáo anh Điềm, chúng tôi đã mua vé tàu...Trước khi chia tay, hai anh em có nhã ý gặp gỡ các nhà văn xứ Huế trưa nay. Xin mời anh tới nhà nổi Sông Hương ...

- Tiếc quá hề. Được ăn cơm với các anh thì vui quá hề. Nhưng trưa nay nhà mình có khách. Các anh thấy đó. Vợ con mình đang chuẩn bị...

Tôi giật mình. Quả là chúng tôi quá vô tâm. Lúc  lên thắp hương nhà thờ, tôi đã ngờ ngợ. Hình như hôm nay là ngày giỗ thân sinh nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Cụ Hải Triều Nguyễn Khoa Đăng ốm và mất ở Thanh Hóa cũng vào tháng tám này, năm 1954.

MỚI - NÓNG