Uống nước 'giếng thần' sinh con trai?!

Nhiều người dân tin rằng uống nước giếng Thùng có thể đẻ con trai dù chẳng có cơ sở khoa học nào chứng minh. Ảnh: H.H (Giadinh.net)
Nhiều người dân tin rằng uống nước giếng Thùng có thể đẻ con trai dù chẳng có cơ sở khoa học nào chứng minh. Ảnh: H.H (Giadinh.net)
Tin đồn "10 nhà dùng thì cả 10 sinh con trai" ở xóm 11 (xã Hưng Thông, Hưng Nguyên, Nghệ An) khiến xôn xao dư luận.

Vừa giải khát, vừa sinh con trai?

Trên đường dẫn chúng tôi về xóm 11 (có tên gọi khác là xóm Giếng Thùng) để tìm hiểu thực hư câu chuyện, chị Châu Thị Phượng - Cán bộ chuyên trách dân số xã Hưng Thông - cho biết, có nhiều cặp vợ chồng ở tận thành phố Vinh cũng lặn lội tìm về đây để... chở nước giếng về ăn với hy vọng sinh được con trai.

Ông Nguyễn Văn Mai - 66 tuổi, ở xóm Giếng Thùng - nói: Cả làng này chủ yếu sinh con trai, muốn có "cái hĩm để chấy rận" cũng chả được... Không biết là do di truyền hay tại nước giếng Thùng.

Ông Mai giới thiệu chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Liên, nhà ở ngay sát giếng "nổi tiếng" này. Không hề tỏ vẻ bất ngờ, bà Liên hỉ hả kể: "Cả làng này, cứ nhà nào sinh con trai là nhờ uống nước giếng Thùng hết đấy"...

Để dẫn chứng thêm điều mình nói, bà Nguyễn Thị Liên vừa nhẩm đầu ngón tay vừa kể: Nhà nhiều nhất là năm con trai, còn nhà ít cũng hai người. Những gia đình một, hai con trai thì nhiều lắm.

Bà Liên cho biết thêm, nước ở giếng Thùng rất trong, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát rượi. Đặc biệt, vào những năm tiết trời khô hạn, dân các vùng lân cận đều đến đây để lấy nước. Giếng cạn hôm nay, sau một đêm lại đầy như thường.

Theo chân bà Liên, chúng tôi ra thăm giếng Thùng. Rất nhiều người dân ở xóm tụ tập xung quanh giếng, chuyện trò rôm rả. Bà Liên bảo: Những ngày lễ, Tết cũng như những khi làm mùa mệt nhọc, giếng Thùng là địa điểm sinh hoạt văn hoá khá rôm rả của cả làng.

Sự thật về giếng nước "kỳ bí"

Xóm 11 gồm hai làng, làng ngoài gọi là xóm Bãi, còn làng trong gọi là xóm Giếng Thùng. Sở dĩ có tên gọi dân dã như vậy là vì đầu làng có một cái giếng làm nguồn nước sinh hoạt chính của người dân từ bao đời nay.

Về gốc tích của giếng Thùng, ông Lê Văn Mai cho biết: Từ khi ông sinh ra đã có giếng Thùng rồi. Hồi nhỏ, có lần ông thắc mắc hỏi cha mình giếng Thùng làm từ nguyên liệu gì, cha ông trả lời: Nó được xây chủ yếu từ vỏ hến, mật ong, vôi trộn. Thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp đã dùng xi măng để cải tạo lại. Họ chắp thêm khuôn cống, thành giếng và tường rào xung quanh.

Ông Phan Văn Tý - Xóm trưởng - cho hay: "Người dân làng này đẻ nhiều con trai là chuyện của mấy chục năm về trước. Chứ bây giờ, tỷ lệ sinh con trai và con gái ổn định rồi. Bà con đã nghiêm chỉnh chấp hành Pháp lệnh Dân số. Còn việc bà con thích dùng nước giếng chỉ là chuyện tâm lý. Chuyện uống nước giếng Thùng sinh con trai chưa có căn cứ khoa học chứng minh".

Chúng tôi cũng đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Kim Bảng - Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa huyện Hưng Nguyên. Ông Bảng thẳng thắn: Muốn đánh giá chính xác, khách quan tỷ lệ giới tính nam - nữ của địa phương nào thì phải điều tra, xem xét tổng thể chứ không thể chỉ dựa vào một số hộ gia đình mà kết luận.

Việc đưa ra những tin đồn trên dẫn đến tác động không tốt, kích thích tâm lý "khát con trai" của một bộ phận nhỏ dân cư trong cộng đồng. Nguy hại hơn, nó làm cho các gia đình đang mong muốn có con trai sẽ "thần thánh hóa" việc uống nước tại giếng Thùng, phao thêm những tin đồn nhảm nhí, gây mất ổn định trật tự trị an tại địa phương...

Theo số liệu điều tra thống kê chính xác của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình huyện Hưng Nguyên, số trẻ nam - nữ được sinh từ năm 1990 đến năm 2010 tại xóm Giếng Thùng không chênh lệch nhau nhiều như tin đồn. Cụ thể, trong vòng gần 10 năm trở lại đây, xóm 11 có tổng số trẻ sinh ra là 59 thì chỉ có 29 bé trai, chiếm 45,76%.

Theo Gia đình & xã hội

MỚI - NÓNG