'Uống đi cho khỏe': Gợi cảnh phòng the, coi thường người dân tộc thiểu số?

'Uống đi cho khỏe': Gợi cảnh phòng the, coi thường người dân tộc thiểu số?
TP - Quảng cáo về một loại nước tăng lực được phát trên sóng truyền hình quốc gia đang bị chỉ trích phản cảm dù không có một cảnh hớ hênh. 

Vấn đề nằm ở mấy lời thoại của hai nhân vật, một nam, một nữ: “Mình đi đâu đấy?”; “Lên núi”; “Mình uống đi cho khỏe”… Kết quảng cáo, nhân vật nữ lặp lại câu hỏi, nhân vật nam trả lời: “Lên giường”. Nhân vật nữ lại cất điệp khúc: “Uống đi cho khỏe”. 

Quảng cáo gợi liên tưởng “phòng the” bị nhiều người “ném đá” cũng không có gì ngạc nhiên. Lại nhớ đến quảng cáo của Coca Cola “Mở lon Việt Nam” ầm ĩ một dạo. Quảng cáo bấu víu yếu tố tục dù hết lần này đến lần kia gặp “nạn” nhưng xem ra chẳng khiến ai muốn rút kinh nghiệm?

Trong lúc quảng cáo về loại nước tăng lực nọ dính lùm xùm thì một gameshow trên VTV3 cũng bị dư luận phản ứng gay gắt vì hình ảnh một cô gái dùng miệng và tay giữ củ cải trắng. Khi hình ảnh nằm trong chuỗi hình ảnh chuyển động của trò chơi truyền hình ấy thì không vấn đề nhưng khi cắt riêng ra lại dung tục một cách tối đa.

Riêng quảng cáo về nước tăng lực đang gây ồn ào, ngoài “tội” phản cảm, thô tục còn dính “tội” không tôn trọng người dân tộc thiểu số. Hai nhân vật nam và nữ xuất hiện trong quảng cáo, diện trang phục dân tộc thiểu số, người nam cố nói giọng lơ lớ, kiểu không sõi tiếng phổ thông.

Mượn hình ảnh của người dân tộc thiểu số trong quảng cáo gợi hướng chiếu chăn bị quy kết coi thường, “bôi nhọ” đồng bào dân tộc thiểu số cũng không oan. Có lẽ, người “sáng tác” video “uống đi cho khỏe”này đã học hỏi từ phim hài tết “Bản nhiều vợ” từng gây bão vì thô tục của Quang Tèo, Chiến Thắng… chăng?

Liệu tới đây còn ai coi gameshow đã để lọt hình ảnh cô gái và củ cải trắng phản cảm, hay tỉ lệ người xem gameshow từng dính ồn ào lại tăng đột biến? Bởi chưa chắc “ném đá” đã đi kèm “tẩy chay”.

Tương tự, có khi sau quảng cáo phản cảm trên, sản phẩm nước tăng lực nọ lại có cơ hội được nhiều người truy lùng để thỏa trí tò mò. Sau khi bị truyền hình quốc gia “chiêu đãi” nhiều “món” phản cảm, có khán giả đặt câu hỏi: “Kiểm duyệt ở đâu?”. Hay kiểm duyệt được trao tay “thượng đế? 

Hình ảnh phản cảm của gameshow hay quảng cáo phản cảm một loại nước tăng lực, đều do các “thượng đế” soi ra và kêu lên. Làm “thượng đế” cũng vất vả thật.

MỚI - NÓNG