Ươm mầm chữ nơi vùng đất khát

Ươm mầm chữ nơi vùng đất khát
Mường Khương (Lào Cai) có địa hình đi lại hiểm trở. Nơi đây cũng được ví như sa mạc trên đỉnh núi bởi tình trạng thiếu nước trầm trọng. Để sinh sống và dạy học trên miền đất khát, từ nhiều năm nay, hàng trăm thầy cô giáo đang hàng ngày phải khắc phục và vượt lên mọi điều kiện sinh hoạt khó khăn.

Ươm mầm chữ nơi vùng đất khát

Mường Khương (Lào Cai) có địa hình đi lại hiểm trở. Nơi đây cũng được ví như sa mạc trên đỉnh núi bởi tình trạng thiếu nước trầm trọng. Để sinh sống và dạy học trên miền đất khát, từ nhiều năm nay, hàng trăm thầy cô giáo đang hàng ngày phải khắc phục và vượt lên mọi điều kiện sinh hoạt khó khăn.

Xếp hàng hứng nước trên Tả Gia Khâu
Xếp hàng hứng nước trên Tả Gia Khâu.
 

Trên đỉnh Mường Khương

Đường lên Mường Khương quanh co với những con đường núi đá nhiều khúc cua ngoặt và sóc dựng người. Với địa chất đặc thù núi đá nhiều hơn đất nên tình trạng thiếu nước trầm trọng đã diễn ra nhiều năm nay tại huyện Mường Khương. Đặc biệt, thiếu nước nhất phải kể tới bốn xã Tả Gia Khâu, Dìn Chin, Tả Ngải Chồ, Pha Trong.

Các thầy cô giáo trên Mường Khương cho biết, thiếu nước nặng nhất vẫn là Tả Gia Khâu và Dìn Chin. Cả hai xã chỉ có khoảng vài nguồn nước nhưng chảy nhanh cũng chỉ như vòi ấm tích và nằm sâu dưới bể nguồn được Nhà nước xây dựng từ lâu.

Vì tình trạng thiếu nước diễn ra trầm trọng, lượng mưa lại không đáng kể, gieo trồng không có nước tưới... nên xuất hiện hiện tượng sa mạc hóa. Cũng vì thiếu đất và nước cho cuộc sống sinh hoạt sản xuất của bà con nên trong những năm qua, huyện Mường Khương đã phải di chuyển nhiều hộ gia đình từ hai xã Tả Gia Khâu và Dìn Chin sang xã khác để ổn định cuộc sống và bảo vệ biên cương.

Phó bí thư xã Tả Gia Khâu cho biết: Ở Mường Khương, mùa mưa chỉ diễn ra từ tháng 6 tới tháng 9 thì kết thúc, thời gian còn lại là mùa khô. Mùa mưa, bà con dân tộc thường tập trung hết vào việc gieo trồng sản xuất. Từ người già, trẻ em... đều được huy động ra đồng làm việc. Tất cả đều trông vào nước mưa nên mọi sinh hoạt, hay gieo trồng đều bị động. Vào mùa khô, để có được can nước sinh hoạt 20 lít thì người dân phải xếp hàng cả ngày trời, phải đi địu nước 5 - 7km, và thậm chí để hứng nước từ vách đá chảy từng giọt người dân phải xếp hàng từ tờ mờ sáng.

Còn việc tắm rửa, người dân chẳng cách nào khác là hoặc đi bộ, hoặc đi xe máy xuống sông Xanh nằm dưới chân thung lũng. Nhiều đồng bào dân tộc tận dụng cả nước đọng ở cống để giặt quần áo.

Tình trạng thiếu nước đã và đang diễn ra tại Mường Khương nhiều năm nay gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, lao động sản xuất người dân Mường Khương. Những công trình do Nhà nước, các dự án tài trợ... vô cùng hữu ích song cũng chỉ khắc phục phần nào. Những cơn khát của người dân Mường Khương vẫn cần sự đầu tư hữu hiệu và nhiều hơn thế.

Vượt khó trồng người

Thầy giáo Phùng Thế Tùng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu tâm sự gan ruột với chúng tôi rằng: Tình trạng thiếu nước trên Mường Khương đã diễn ra trong nhiều năm. Tại địa bàn Tả Gia Khâu, hầu hết các thầy cô giáo, cán bộ... đều 100% dùng nước mưa để cho sinh hoạt, nấu ăn. Thời điểm thiếu nước nhiều nhất rơi vào từ tháng 12 dương sang tháng 2 năm sau bởi đây là mùa heo may, chỉ có sương mù, không có mưa. Thầy cô giáo hứng được bao nhiêu nước sương thì dùng bấy nhiêu chứ chẳng trông chờ gì vào nước mưa.

Bể tích nước tại trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu. Ảnh: Lê Văn
Bể tích nước tại trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu. Ảnh: Lê Văn.
 

Thầy Tùng cũng cho biết, xung quanh địa bàn Tả Gia Khâu và cách địa bàn tới 3km không có nguồn nước nào để có thể lấy về phục vụ cho hoạt động sinh hoạt của học sinh và giáo viên nhà trường. Vì vậy, nhà trường, thầy cô giáo và học sinh phải khắc phục bằng cách đào hố chứa nước, hoặc tận dụng nước trong bể ngầm cũ của đồn biên phòng, chứa nước vào những téc nước lớn để sử dụng cho cả năm học.

Mặc dù tình trạng thiếu nước diễn ra khá khốc liệt tại Mường Khương trong nhiều năm nay song để không bị động và ảnh hưởng quá lớn tới đời sống sinh hoạt của học sinh và giáo viên trường bán trú, các trường học trên Tả Gia Khâu và các cấp ủy chính quyền địa phương đều chủ động, cố gắng khắc phục và chuẩn bị kỹ càng. Vào thời điểm giáp hạt, hết nước, nhà trường lại nhờ sự can thiệp của các đồn biên phòng, các cơ quan chính quyền địa phương trong việc huy động trở nước tới trường.

Một số thầy cô giáo cũng cho biết, trừ những sinh hoạt hàng ngày phải dùng tới nước thì để tiết kiệm và khắc phục tình trạng thiếu nước, vào những ngày cuối tuần khi trở về gia đình dưới xuôi, các thầy cô lại mang quần áo, chăm màn về giặt. Chiều chủ nhật quay trở về trường dạy học, hành trang của họ là những bộ quần áo đã phơi giặt thơm tho mặc trong cả tuần và sau xe không quên chở theo một hai can nước sạch để ăn uống.

Dường như những khó khăn trên vùng đất khát Mường Khương đã được các thầy cô giáo đón nhận như một thực tế, một thách thức của nghiệp trồng người. Chính vì vậy, họ sẵn sàng chia sẻ cùng nhau từng ca nước đánh răng, rửa mặt buổi sáng, từng chậu nước mưa để nấu ăn hàng ngày. Khi thiếu nước, họ cũng lặn lội 3 - 5km xuống khe để xếp hàng hứng và trở nước.

Đặt câu hỏi với nhiều giáo viên trên Mường Khương: “Quanh năm ăn uống, sinh hoạt bằng nước mưa, nước khe suối... có ảnh hưởng tới sức khỏe không?” – Các thầy cô như quên đi nỗi nhọc nhằn mà vui vẻ trả lời: Có đủ nước sinh hoạt là chúng tôi mừng rồi. Ảnh hưởng thì chắc có, nhưng các thầy cô và người dân nơi đây bao năm đều sống như vậy. Điều chúng tôi ngại nhất là tình trạng thiếu nước khiến học sinh đôi khi phải bỏ học để xếp hàng lấy nước, gùi nước sinh hoạt cho gia đình... Việc học hành cũng ảnh hưởng.

Tại Trường Mầm non Dìn Chin – Phó hiệu trưởng trẻ Nguyễn Thị Thu cho biết, mặc dù trường chỉ có 14 giáo viên, 1 nhân viên, 3 cán bộ quản lý song luôn đảm bảo tốt cho hoạt động dạy học, sinh hoạt bán trú của 157 học sinh toàn trường. Thậm chí, trường có tới 4 điểm lẻ. Có điểm lẻ cách trường chính 5 - 7km, chỉ có 10 – hơn 20 học sinh nhưng mọi hoạt động vẫn diễn ra ổn định.

Đời sống người giáo viên mầm non trên vùng cao, đặc biệt ở địa bàn Dìn Chin, nơi thiếu nước trầm trọng, người giáo viên mầm non vốn vất vả thì điều kiện sinh hoạt thiếu thốn càng trở nên vất vả hơn. Song các cô giáo trẻ đều yêu nghề, yên tâm bám trường bám lớp, biết khắc phục khó khăn. Xác định là những người mẹ thứ hai của học sinh tại trường, nên các cô tận tụy và hết lòng với học sinh như chính con em mình. Luôn cố gắng để học sinh khi ở trường luôn được đảm bảo trong điều kiện trường lớp sạch sẽ, vệ sinh từng bữa ăn, ngụm nước uống...

Nhìn vào điều kiện sống tối thiểu là điện, nước, là trường lớp, đường sá... mới thấy hết những khó khăn của người giáo viên vùng cao Mường Khương đang hàng ngày phải đối diện và vượt qua. Tuy nhiên, trong khó khăn ấy, sự hy sinh thầm lặng của họ càng tỏa sáng. Và cũng như biết bao thầy cô giáo vùng khó trên mọi miền tổ quốc, các thầy cô trên vùng đất khát Mường Khương đã và đang đóng góp công sức không nhỏ vào công cuộc trồng người cho Lào Cai nói riêng và đất nước nói chung.

Theo Sông La
Giáo dục thời đại

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.