Ước vọng về một làng du lịch trên rừng thông Nậm Khắt

Chiều Nậm Khắt
Chiều Nậm Khắt
Những ngôi nhà sàn cũ rích, những đứa trẻ nghèo ánh mắt ngơ ngác, và cô gái người Mông lầm lũi gùi đồ cuốc bộ dọc cung đường sơn cước – bức tranh một góc núi rừng Tây Bắc khát vọng đổi thay diện mạo từng ngày ở Nậm Khắt (Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Bản nghèo trên núi Mù Cang đang hướng tới xây dựng thành một địa chỉ du lịch cộng đồng khi có rừng thông tuyệt đẹp và thời tiết như một Sa Pa thứ hai.

Con đường bê tông dẫn vào xã lượn qua mấy cánh rừng thông mấy mươi năm tuổi, những triền ruộng bậc thang trải rộng tầm mắt. Mát mẻ, cảnh đẹp như vẽ. Nhưng Nậm Khắt lại chính là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái nằm trên núi cao gần 2.000m, 94% đồng bào là người Mông, tỷ lệ hộ nghèo hơn 50%. Cách thị trấn Mù Cang Chải gần 30km, cách thị xã Nghĩa Lộ hơn 100km.

Ước vọng về một làng du lịch trên rừng thông Nậm Khắt ảnh 1

Còn nhớ cách đây hơn hai năm, hôm đó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường (nay đã mất) dẫn đầu đoàn cán bộ tỉnh về làm việc với xã Nậm Khắt, Bí thư, Chủ tịch xã không thấy ra đón tiếp. Hóa ra hai cán bộ này vắng vì đi dự Đại hội trù bị Đảng bộ huyện. Ông Cường nói với họ từ hôm trước “các đồng chí cứ đi lên huyện họp đi, tôi sẽ làm việc với Bí thư xã Đoàn”... Dường như ông rất muốn trực tiếp nói lên một khát vọng gì đó với tuổi trẻ vùng sơn cước này vì chỉ họ mới có thể thực hiện được.

Một vài cán bộ xã và cán bộ Đoàn thanh niên đã có mặt đông đủ, ông tươi cười vỗ vai nói với Bí thư Đoàn xã Thào A Giống: “Thanh niên, trai gái trẻ người Mông sẽ là nhân lực chính cho Làng du lịch cộng đồng. Nậm Khắt thoát nghèo hay không là chính nhờ các bạn. Người Pháp từng tìm lên tận đây khai thác thế mạnh mảnh đất này, giờ sao ta làm chủ nó mà nghèo được”. Bản đồ quy hoạch được trải ra, Bí thư Đoàn được ngồi ngay cạnh đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. “Giống nè, đoạn đường này nên sớm huy động chi đoàn đi khơi rãnh, đoạn này gạt bớt đá rồi vệ sinh bản sạch sẽ nhé. Thanh niên không ở bẩn được chứ!”.

Ước vọng về một làng du lịch trên rừng thông Nậm Khắt ảnh 2

Những cánh đồi chè Yên Bái cũng là điểm đến du lịch mà Tuổi trẻ Đoàn quan tâm

Cái lạnh choàng xuống không gian núi rừng lúc giữa chiều hè. Những nhà báo đi cùng đoàn chợt hiểu ra vì sao đồng chí Bí thư Tỉnh ủy dẫn họ lên ngọn núi này. Chưa bao giờ Nậm Khắt có nhiệt độ trong năm quá 27 độ, một vùng rừng núi cảnh quan đẹp kỳ lạ có tiết trời chẳng khác nào một Sa Pa thứ hai. Người Pháp từng đặt chân đến Nậm Khắt xây cả sân bay, đồn trú cai trị một vùng rộng lớn.

Cuộc làm việc trang trọng mà giản đơn. Bí thư Đoàn xã, anh Thào A Giống đọc bản báo cáo nhanh về kinh tế - xã hội mà giọng nói còn như chưa tròn tiếng Việt. Bí thư Tỉnh ủy lắng nghe chăm chú, ghi chép lại cẩn và gạch ra những ý chỉ đạo chính. Ông cười vui, hỏi anh Thào đêm qua đi ngủ thì mặc áo may ô quần đùi hay phải đắp chăn bông. Anh Thào đáp lời rằng cả bản quanh năm đắp chăn vì ở đây lạnh bốn mùa...

Ước vọng về một làng du lịch trên rừng thông Nậm Khắt ảnh 3

 Quyết tâm từ đại hội Đoàn – Tuổi trẻ Yên Bái sẽ vào cuộc với kinh tế du lịch

Bản quy hoạch “đặc biệt” được cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện trải ra ngay tại cuộc họp. Đây là khu rừng thông và rừng nguyên sinh cần bảo tồn, chăm sóc kỹ càng. Bí thư Tỉnh ủy nói với Thào A Giống là thanh niên bản phải cố gắng giữ lấy rừng thông, vì cả đời người mới trồng được nó. Đây là bản Hua Khắt sẽ được đầu tư dài hơi để sớm trở thành bàn du lịch cộng đồng mà xóa cái nghèo. Kia là vùng diện tích rộng hàng trăm héc ta sẽ dành cho nhà đầu tư nào rót tiền lên núi xây khu nghỉ dưỡng. 

Rồi quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn diện, mở mới con đường dẫn vào xã cho khách du lịch, xây khu tắm suối nước nóng, làm đường an toàn lên hang động trên núi... Rồi kế hoạch đào tào, tập huấn cho các cô gái bản Mông hiểu hơn về văn hóa, kỹ năng đón tiếp khách, xây dựng mạng lưới chỉ huy vùng du lịch cộng đồng.

Trên núi cao nhưng Nậm Khắt có diện tích mặt bằng khá lớn. Những thuận lợi tự nhiên được lãnh đạo Yên Bái phát hiện từ Nậm Khắt và quyết tạo dựng thế trận thoát nghèo cho địa phương mà thí điểm phát triển du lịch là bước đi khá mạnh dạn. Bây giờ con đường hai làn ô tô chạy mới mở thênh thang nối từ Sơn La sang, hệ thống điện lưới đã phủ về từng bản, trường trạm kiên cố đầy đủ, đầu tư của Nhà nước cho Nậm Khắt dường như tốt nhất trong 24 xã của huyện Mù Cang Chải. Thảo quả và sơn tra (táo mèo) ở Nậm Khắt bạt ngàn dưới tán rừng thông (loại cây tương sinh, sơn tra mọc với thông thì quả to và ngon hơn) đã nhiều năm làm chủ lực xóa nghèo mà vẫn chưa thể vực dậy cho kinh tế người Mông trên núi. Giờ thì đã có hy vọng mới. Thủ lĩnh Đoàn thanh niên Giàng A Giống vui lắm, tối đó đã chỉ đạo tất cả chi đoàn cơ sở họp lại phổ biến nội dung làm việc với Bí thư Tỉnh ủy. Nậm Khắt đang đứng trước cơ hội mới.

Ruộng bậc thang xanh rì lấp loáng trổ đòng dọc con đường mà Thào A Giống dẫn nhà báo đi thăm hang đá Háng La ở bản Pú Cang. Nhũ đá kỳ ảo, sống động. Giống nói là đi cả ngày trong hang mà không biết đâu là cuối, tựa khác nào một Phong Nha ở Tây Bắc. Một bộ bàn ghế bằng đá mà già bản nói là nơi làm việc của cán bộ hoạt động cách mạng ngày xưa. Hẳn là Nậm Khắt sẽ gây tò mò thích thú cho bất cứ ai đến tham quan, khám phá.

Ghé thăm nhà ông Thào Nhà Của ở bản Hua Khắt, nơi được chọn thí điểm để xây dựng Làng du lịch cộng đồng, mà thấy người Mông sâu xa ý tứ, thân thiện. Ngôi nhà gỗ rộng chắc chắn, mang nét đặc trưng truyền thống của người Mông. Các con ông đều đã trưởng thành, có người đỗ đại học, nhà nuôi trâu trên núi, trồng thảo quả, sơn tra mỗi năm thu đến 40 triệu đồng. Biết bản sẽ sớm trở thành điểm du lịch ông vui lắm, nói rằng sẽ xây thêm nhà gỗ to đón khách lưu trú về bản.

Tuổi trẻ vào cuộc

Đề án “Tuổi trẻ Yên Bái tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2017 – 2022” đã được Tỉnh đoàn Yên Bái soạn thảo xong, chuẩn bị trình lên UBND tỉnh đầu năm 2018.

Một loạt quyết định và đề án đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh này đến năm 2020 đã được thông qua. Và “Đoàn thanh niên tất nhiên không thể đứng ngoài” – Bí thư Tỉnh đoàn Đoàn Thị Thanh Tâm nói với Tiền phong. Yên Bái là một tỉnh miền núi phía Bắc nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc bộ Việt Nam, tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là gần 6.900 km2. Với vị trí địa lý là cửa ngõ miền Tây Bắc, nằm trên trung điểm của một trong những tuyến hành lang kinh tế chủ lực Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, có hệ thống giao thông tương đối đa dạng đặc biệt là có tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua địa phận của tỉnh, là điều kiện và cơ hội thuận lợi để Yên Bái tăng cường hội nhập và giao lưu kinh tế thương mại, phát triển văn hóa xã hội…

Yên Bái có phong cảnh thiên nhiên đa dạng, môi trường sinh thái trong lành với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng là tiềm năng cho việc đầu tư xây dựng các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nghiên cứu khoa học. Nổi bật như: Khu du lịch danh thắng hồ Thác Bà có diện tích trên 19.000 ha, với trên 1.300 hòn đảo lớn, nhỏ được gọi là “Vịnh Hạ Long trên núi” có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với quy mô lớn. Khu vực miền tây (huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ) có cánh đồng Mường Lò - vựa lúa lớn thứ hai vùng Tây Bắc và danh lam thắng cảnh và điểm du lịch độc đáo như Suối Giàng nằm trên độ cao gần 1.400m - nơi có chè San Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, suối nước nóng Bản Bon - nguồn nước nóng thiên nhiên với độ nóng 35c - 45c. Vùng ruộng bậc thang Mù Cang Chải với 2.300 ha đã được xếp trong danh mục khu di tích - danh thắng cấp Quốc gia được ca ngợi là có vẻ đẹp ngoạn mục, tinh tế nhất trên thế giới; khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu huyện Văn Yên; hồ Đầm Vân Hội thuộc huyện Trấn Yên; khu bảo tồn loài và sinh cảnh xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải... rất thích hợp với việc phát triển các khu nghỉ sinh thái, du lịch cộng đồng, hệ thống các nhà nghỉ đơn lập kiến trúc vùng cao, các khu sinh cảnh... 

Bên cạnh đó, Yên Bái còn có nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời phục vụ cho du lịch văn hóa - tâm linh, như Đền Đông Cuông, Đền Nhược Sơn, Khu chùa - Đền Hắc Y - Đại Cại, Đền Thác Bà, Động Hương Thảo, Chùa Ngọc Am... cùng với văn hóa ẩm thực của các dân tộc và kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú như múa xòe, múa khèn, hát giao duyên... là yếu tố thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Từ lợi thế trên trong những năm gần đây, công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá liên kết vùng, liên kết tua, tuyến, đặc biệt là sự liên kết giữa ba tỉnh Yên Bái - Lào Cai - Phú Thọ và việc mở rộng liên kết 8 tỉnh Tây Bắc đã đưa du lịch Yên Bái lên một bước phát triển mới, với đa dạng các hình thức du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng được hình thành và ngày càng phát triển rõ nét.

Trong những năm qua, Tuổi trẻ Yên Bái đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong công tác tuyên truyền, quảng bá những hình ảnh, sản vật những giá trị văn hóa và con người Yên Bái với những nét đặc trưng, hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Thành lập và phát huy hiệu quả các đội thanh niên tình nguyện tập trung và tại chỗ tham gia bảo tồn, tổ chức các hoạt động lễ hội. Trong triển khai chương trình công tác Đoàn – Hội - Đội hàng năm tổ chức tốt các hoạt động tình nguyện vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tại các điểm du lịch; giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Tổ chức đảm bảo an ninh trật tự tại các sự kiện, điểm du lịch. Hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, câu lạc bộ thanh niên tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và duy trì mô hình chi đoàn Bốn không” (không có đoàn viên, thanh niên tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không sinh con thứ ba và không thách cưới cao) trong thanh niên dân tộc Mông được duy trì tốt. Và chí Đoàn đã tham mưu, phối hợp tổ chức các hoạt động lễ hội các trò chơi dân gian tịa các địa phương trên địa bàn tỉnh vào dịp Tết nguyên đán, các ngày Lễ, kỷ niệm của đất nước của tỉnh đã tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho đoàn viên thanh niên, qua đó góp phần tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Thanh niên giúp nhau làm kinh tế”, đề án khởi nghiệp cho Tuổi trẻ gắn với tham gia xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các địa phương, và Nậm Khắt sẽ là điểm sáng đầu tiên, qua đó đã hình thành các mô hình làm du lịch cộng đồng của thanh niên người dân.

Từ hình thức tự phát, đến nay việc khai thác các danh thắng, văn hóa bản sắc dân tộc trở thành những sản phẩm độc đáo phục vụ du khách. Nổi bật như tại Nghĩa Lộ và Mù Cang Chải, đã có hàng chục hộ gia đình làm du lịch cộng đồng, từng bước chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang làm dịch vụ du lịch một cách bền vững trong đó lực lượng thanh niên là nòng cốt. Thông qua các hoạt động, đã khẳng định rõ vai trò trách nhiệm của tuổi trẻ trong tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.