Ước thề đôi lứa ngày tòng quân

Thiếu nữ Ngân Sơn (Bắc Kạn) động viên bạn trước giờ lên đường nhập ngũ.
Thiếu nữ Ngân Sơn (Bắc Kạn) động viên bạn trước giờ lên đường nhập ngũ.
TP - Gác lại ước mơ giảng đường đại học, quyết chí nối nghiệp cha anh, chấp nhận xa người thân, vợ con để rèn thân trong môi trường quân ngũ hay ước thề đôi lứa thuỷ chung là những câu chuyện lay động chúng tôi trong buổi tiễn chân hàng vạn thanh niên, trong đó có cả những bóng hồng lên đường nhập ngũ vào đúng Ngày lễ tình nhân 14/2.

Ước thề đôi lứa

Xen lẫn không khí rộn ràng, sôi nổi của lễ giao quân là những giọt nước mắt của nhiều bậc cha mẹ và những cô gái đang tuổi đôi mươi tiễn người yêu lên đường
nhập ngũ.

Cùng mẹ bạn trai đến tiễn tân binh Trần Đức ở quận Ba Đình, Hà Nội, khuôn mặt đượm buồn, Trần Hồng Anh chia sẻ hai bạn yêu nhau được 6 tháng và đã chính thức ra mắt hai bên gia đình. Biết Đức cương quyết vào bộ đội, cô gái 17 tuổi này cảm thấy buồn và hụt hẫng. Khi giây phút tạm biệt người yêu đã cận kề, Hồng Anh không giấu nổi cảm xúc: “Anh ấy lên đường đúng vào ngày lễ tình nhân nên chúng em đã dành thời gian cả ngày hôm qua cho nhau, chỉ ngồi tâm sự rồi ôm nhau khóc. Anh ấy dặn đi dặn lại là phải gắng chờ anh, ngày anh ra quân cũng là ngày anh về hỏi cưới em”.

Để khẳng định lại một lần nữa tình yêu của hai người, Hồng Anh giơ ngón tay đeo nhẫn lên khoe: Đây chính là vật đính ước, là niềm tin mà chúng em trao gửi cho nhau, em sẽ thăm mẹ anh ấy mỗi ngày và hàng tháng cùng mẹ lên thăm anh.

Cùng là tiễn người yêu, nhưng cô sinh viên Đại học Thương mại Phan Khánh Huyền (SN 1995, quê Nam Định) lại luôn dõi về phía hàng quân có bóng dáng bạn trai với gương mặt và đôi mắt
cương nghị.

Ngay từ ngày đầu biết đến đợt tuyển quân, Huyền đã khuyến khích bạn trai đăng tuyển bởi cô cho rằng người đàn ông cần phải đươc rèn luyện trong những khó khăn, khắc nghiệt của thao trường, sẽ giúp người yêu mình rắn rỏi hơn. “Tình yêu cần có thử thách mà bây giờ hai đứa còn quá trẻ, mình tin rằng thời gian sẽ là những minh chứng mãnh liệt nhất cho tình yêu. Mình sẽ đợi, đợi ngày anh ấy trở về thành một con người mới hoàn toàn, cứng cáp và thực sự bản lĩnh”, Huyền nói.

Không bỏ nghĩa vụ, quyết chí rèn thân

Trước giờ lên đường nhập ngũ, Đào Văn Tịnh (SN 1997) ở xã Trung Hòa, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn bâng khuâng giữa hai trạng thái cảm xúc. Một bên là vợ trẻ, con thơ mới hai tuổi, gia cảnh khó khăn vì hai vợ chồng làm ruộng, một bên là ước muốn hoàn thành hai năm nghĩa vụ với đất nước. Thế nên chàng trai người dân tộc Mông này phải gắng vững tư tưởng, bởi trước những giọt nước mắt của vợ khiến anh có lúc xao lòng. Ngày Tịnh chính thức nhập ngũ, chỉ có bố mẹ và bạn bè ra tiễn, vợ anh không đến vì lo không cầm được nước mắt.

“Gắng thuyết phục vợ lắm, vợ thương vợ khóc suốt nhưng giờ thì ổn rồi. Trước khi đi, hai vợ chồng có tặng quà cho nhau, thực ra vừa là quà chia tay vừa là kỷ niệm lễ tình nhân và tôi thấy vợ tôi cười nên tôi yên tâm hơn rất nhiều”, Tịnh nói. Chàng trai dân tộc Nùng Hoàng Trung Đức (SN 1992), ở huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn vừa có quyết định dũng cảm khi thôi học hệ cử tuyển của trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, nộp đơn xin đi nghĩa vụ quân sự. Đức nói: “Từ nhỏ nhìn các chú bộ đội hành quân, tôi đã khát khao được vào quân ngũ, tôi muốn được rèn luyện, học tập để trở thành người lính thật sự. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi thấy quyết định rẽ ngang của mình là hoàn toàn đúng đắn”.

Là nữ công dân duy nhất của huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn nhập ngũ năm nay, Nguyễn Thị Thảo (SN 1994, ở thị trấn Nà Phặc) vừa tốt nghiệp Cao đẳng Y tế Thái Nguyên. Thảo chia sẻ: “Tôi yêu màu áo lính qua những câu chuyện kể của bố về tình đồng đội cũng như những vất vả, hy sinh của người lính trong những năm tháng ác liệt ở chiến trường và cả thời bình. Từ đó thôi thúc tôi viết đơn tình nguyện vào quân đội. Với chuyên ngành đã được đào tạo, tôi mong muốn được cống hiến và gắn bó lâu dài trong lực lượng quân y”. Bố Thảo là thượng tá Nguyễn Văn Chính, Chủ nhiệm Hậu cần Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn.
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.