Ứng xử với "sốt" vàng

Ứng xử với "sốt" vàng
Lý do chính đẩy giá vàng trong nước cao hơn một năm trước từ 4 - 5 triệu đồng/lượng và cao hơn giá thế giới hiện tại 3 triệu đồng/lượng là do “sốt” thanh khoản vàng từ các ngân hàng thương mại trót để trạng thái vàng âm quá sâu. Đã thu lãi khủng khi “đánh xuống” thì phải chấp nhận luật chơi, không thể dùng ngoại tệ đất nước bù lỗ cho họ.

Đó không còn là “ý tứ” mà là sự lựa chọn ứng xử của Ngân hàng Nhà nước, nếu quan sát sự trầm ngâm của cơ quan này trước cơn sốt vàng kéo dài hơn một tháng qua.

Sốt vàng vì “đánh xuống”

Một cán bộ Ngân hàng Nhà nước cho biết, không phải từ bây giờ mà ngay từ cuối 2010, khi nhận thấy vàng miếng trở thành một trong những nguyên nhân lớn gây bất ổn tỷ giá và là giải pháp để nhiều ngân hàng thương mại chữa sốt thanh khoản VND và/hoặc “cày xới trên lưng nhau” qua buôn vốn trên thị trường liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 22/2010/TT-NHNN (29/10/2010).

Theo đó, tổ chức tín dụng chỉ được huy động vốn bằng vàng dưới hình thức giấy tờ có giá: không được cho vay để sản xuất và kinh doanh vàng miếng; không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành VND và các hình thức bằng tiền khác; với số vốn bằng vàng đã chuyển thành tiền trước 29/10/2010 phải tất toán chậm nhất vào 30/6/2011; không được huy động và cho vay bằng VND bảo đảm giá trị theo vàng...

Văn bản này được coi là bước dọn đường cho sự ra đời của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Thông tư số 11/2011/TT-NHNN ngày 29/4/2011 (hướng dẫn thực hiện Nghị định 24), có nội dung tương tự như Thông tư 22 nhưng chi tiết và mở rộng hơn rất nhiều (như cấm hẳn tổ chức tín dụng huy động cho vay vàng); đồng thời, mốc thời gian thực hiện được xác định là 1/5/2012.

Cũng từ đó trở đi, Ngân hàng Nhà nước liên tục hối thúc các ngân hàng thương mại đang lún quá sâu vào thị trường vàng về lộ trình tất toán số vàng đã huy động cho dân, đồng thời đưa trạng thái vàng trở về số không, đúng với ngày hiệu lực 1/5/2012 nhưng, họ đã phớt lờ.

Chẳng hạn, ngày 15/10/2011, giá vàng SJC mua - bán lần lượt là 44,05 triệu đồng - 44,25 triệu đồng/lượng. Thời điểm đó, một ngân hàng đưa ra đợt khuyến mãi “cộng thêm lãi suất cho khách hàng gửi bằng chứng chỉ huy động vàng”: nếu khách gửi 50 lượng, trong vòng 3 tháng, có thể được ngân hàng cộng thêm 0,2% lãi suất và như thế, lãi suất các kỳ hạn này lên 1,05 - 1,15%/năm.

Với lãi suất tiền gửi VND thời điểm đó thì sao? Ngày 28/9/2011, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 30/2011/TT-NHNN, quy định lãi suất VND tối đa với không kỳ hạn và dưới 1 tháng là 6%/năm, trên 1 tháng là 14%/năm; trong khi lãi suất liên ngân hàng thời điểm này vọt lên trên 30%/năm!

Thậm chí, trong ngày 7/11/2011, Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận lãi suất liên ngân hàng lên tới 36,58%/năm, tăng 16,18% so với 3/11/2011.

Thử hình dung, với mức chênh lệch lãi suất giữa vàng và VND lớn như vậy, trong khi những người giữ vàng không dám bán 1 lượng vàng lấy 44,05 triệu đồng gửi ngân hàng để lấy lãi (như các mức trên) nhưng với ngân hàng thì có thể.

Ngân hàng tính rằng, giá vàng sẽ còn giảm mạnh, nếu sử dụng vàng huy động bán với giá 44,05 triệu đồng/lượng, lấy VND kinh doanh liên ngân hàng với lãi suất cao hoặc giải quyết bế tắc thanh khoản VND.

Sau đó, giá vàng sẽ đi xuống và ngân hàng mua vào để trả lại cho dân. Nhưng do nhiều nguyên nhân, thị trường đã không diễn biến như vậy, sau một năm, giá vàng bốc hơi 5 triệu đồng/lượng tùy thời điểm.

Giải quyết như thế nào?

Những ngày này, khá nhiều ngân hàng lâm vào thế kẹt như trên, mỗi ngân hàng một lý do nhưng tựu trung lại: họ đã trót bán vàng quá sâu so với trạng thái âm 20% như quy định.

Thậm chí, tỷ lệ này ở một số ngân hàng lên tới âm 30% - âm 35%. Điều khó chấp nhận ở đây là hạn của Nghị định 24 đã được lùi đến 25/11, thay vì 1/5 như trước nhưng sự cân bằng trạng thái vàng ở nhiều ngân hàng vẫn tệ hại.

Vì thế, ngày 23/8/2012, trước cơn sốt vàng, Ngân hàng Nhà nước phải ban hành thêm 2 văn bản với nội dung: “Để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, quyết định việc thực hiện vay và cho vay bằng vàng giữa một số tổ chức tín dụng với nhau” nhằm giải tỏa căng thanh khoản vàng ở một số ngân hàng thương mại.

Nhưng bấy nhiêu động thái đó đã không làm cho giá vàng miếng bớt căng thẳng vì họ đang cần nhiều vàng hơn để trả cho bên gửi trong khi đến 25/11/2012, các tổ chức tín dụng phải chấm dứt “duyên nợ” với vàng miếng như đúng tinh thần nghị định 24.

Hiện tại, có hai áp lực với Ngân hàng Nhà nước, có cho phép nhập khẩu vàng không và có tiếp tục lùi “mốc 25/11” thêm, nhằm tránh giá vàng căng thăng thẳng kéo dài.

Trao đổi với cán bộ nói trên của Ngân hàng Nhà nước, ông nói: “Vàng không phải xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc chữa bệnh thì đừng hy vọng lấy một đồng ngoại tệ nhập khẩu vàng bù lỗ cho ngân hàng. Họ đã chấp nhận đánh xuống, thì phải chấp nhận luật chơi khi giá lên!”.

Tuy nhiên, ông này cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể bỏ ngỏ khả năng lùi “mốc 25/11” nhưng nếu vậy thì phải ép và không cho các ngân hàng thương mại chây ỳ. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát những đơn vị (hiện còn khoảng dăm ngân hàng thương mại) còn căng thanh khoản vàng; một mặt cho họ huy động ngắn hạn, một mặt buộc họ phải mua để bù đủ số đã trót bán của bên gửi.

Ví dụ, đến 25/11/2012, ngân hàng phải trả nợ 5 lượng vàng nhưng chỉ còn 2 lượng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho huy động ngắn hạn 3 lượng, sau đó, buộc ngân hàng thương mại mua tiếp, mua được 2 lượng thì phải huy động tiếp 1 lượng hoặc đòi nợ về để bù vào số đã bán, đến khi nào trả hết nợ mới thôi.

“Tôi cho rằng, chỉ một thời gian ngắn nữa, các đơn vị sẽ cân đối đủ, giá vàng sẽ xuống. Cách tốt nhất là những người nắm giữ vàng hiện nay nên cân nhắc giá cả để tránh thiệt hại sau này. Vì lẽ, sau khi Ngân hàng Nhà nước giải quyết xong câu chuyện “huy động - cho vay vàng”, thị trường vàng miếng thuộc về độc quyền nhà nước thì giá vàng sẽ không còn bất kham như hiện nay”, ông này chốt lại.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG