Ủng hộ phương án cầu vượt qua Đàn Xã Tắc lệch về phía Nam

Ủng hộ phương án cầu vượt qua Đàn Xã Tắc lệch về phía Nam
TP - Chiều qua, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Bộ GTVT, Xây dựng, VHTT&DL và hàng chục chuyên gia đầu ngành về quy hoạch, khảo cổ, lịch sử, văn hoá, giao thông đã tham gia góp ý vào phương án thiết kế cầu vượt đi qua khu vực dấu tích của Đàn Xã Tắc...

> Đồng thuận phương án cầu vượt tránh Đàn Xã Tắc
> Bảo tồn đàn Xã tắc: Tranh luận nảy lửa, không giải pháp cụ thể

Phương án thiết kế cầu vượt tránh khu vực Đàn Xã Tắc về phía Nam nhận được sự đồng tình cao. ảnh: Tuấn minh
Phương án thiết kế cầu vượt tránh khu vực Đàn Xã Tắc về phía Nam nhận được sự đồng tình cao. ảnh: Tuấn minh.

Sau khi nghe ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội và đại diện cho đơn vị tư vấn trình bày về quá trình nghiên cứu lập 6 phương án quy hoạch kiến trúc cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa, đã có tới 18 ý kiến của đại diện lãnh đạo bộ, ngành và chuyên gia góp ý kiến.

Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ đồng tình cao với phương án 3 và 4. Cụ thể, phương án 3 thiết kế cầu vượt trục thông theo hướng đường vành đai 1 đi lệch về phía Nam (phía đường Nguyễn Lương Bằng).

Theo Sở GTVT Hà Nội, phương án 3 phù hợp với quy hoạch, cầu đi lệch về phía Nam, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu lưu thông; khoảng cách với nhà dân nằm trong giới hạn tối thiểu. Phương án này giải quyết được yêu cầu về ưu tiên bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc.

Phương án 4: Cầu vượt trục thông theo hướng đường vành đai 1, đi lệch về phía Nam (phía đường Nguyễn Lương Bằng) có thiết kế bổ sung cầu nhánh đi 1 chiều từ Khâm Thiên đi qua nút Ô Chợ Dừa, nhập vào cầu chính trên đường vành đai 1. Phương án này được xây dựng trên cơ sở phương án 3 để giải quyết cơ bản vấn đề giao thông và không gian kiến trúc. Phương án 4 kế thừa các ưu điểm của phương án 3, không ảnh hưởng đến phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích, cải thiện được không gian kiến trúc.

Góp ý vào 2 phương án nêu trên, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho rằng, bản thân ông ủng hộ nhiều hơn với phương án 3, vì nếu theo phương án 4 khi mở thêm nhánh cầu trên cao về phía Khâm Thiên thì sẽ thêm nguy cơ ảnh hưởng xấu đến di tích. Ông Nghiêm cũng cho biết thêm, quy hoạch nút giao thông Ô Chợ Dừa đã có từ hàng chục năm trước và đã nhận được góp ý của nhiều nhà khoa học.

 Bên cạnh xây cầu vượt, Hà Nội cũng cần tính đến giải pháp căn cơ hơn.

Ông Dương Trung Quốc

KTS Trần Ngọc Chính, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị khi thiết kế cầu vượt cần lựa chọn kỹ phương án kiến trúc làm sao cho đẹp vì đây là cầu vượt trong lõi đô thị và lại đi qua vùng di tích quan trọng. Đi liền với xây cầu vượt cũng cần sớm nghiên cứu xây dựng lại nơi dấu tích của Đàn Xã Tắc đẹp hơn thay vì chỉ đặt một khối đá như hiện nay cho tương xứng với cảnh quan chung.

GS Phan Huy Lê và nhiều nhà sử học đã đưa ra bằng chứng khẳng định khu vực xây dựng cầu vượt là nơi tập trung nhiều di tích và chứng tích quan trọng về lịch sử nên cần phải tuân thủ nghiêm quy định của Luật Di sản. “Khi khai quật đã xác định nơi đây là một bộ phận của Đàn Xã Tắc”-GS Phan Huy Lê nói. GS Phan Huy Lê cũng bày tỏ ủng hộ đối với phương án 4 là xây cầu tránh về phía Nam.

Qua những cuộc tranh luận về sự kiện này, nhà sử học Dương Trung Quốc góp ý với các cơ quan của Hà Nội cần có nhiều hơn những cuộc trao đổi, minh bạch thông tin với các nhà nghiên cứu, các hội nghề nghiệp để có phương án tốt hơn. “Bên cạnh xây cầu vượt, Hà Nội cũng cần tính đến giải pháp căn cơ hơn”- ông Dương Trung Quốc
đề nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tiếp thu các ý kiến góp ý và sự ủng hộ của nhiều bộ, ngành và chuyên gia đối với phương án 3 và 4. Ông Thảo khẳng định, ngay sau buổi làm việc này sẽ yêu cầu cơ quan chuyên môn tập trung nghiên cứu thêm để có giải pháp kiến trúc phù hợp nhất, vừa đảm bảo yêu cầu về bảo tồn...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG