Ông Ihor Zhovkva - Phó Chánh văn phòng tổng thống Ukraine, nhấn mạnh rằng Đan Mạch là quốc gia đầu tiên không thuộc nhóm G7 ký kết thỏa thuận an ninh với Ukraine.
Thỏa thuận xác định số tiền hỗ trợ cụ thể mà Ukraine sẽ nhận được từ Đan Mạch. Viện trợ quân sự của Đan Mạch sẽ đạt ít nhất 1,8 tỷ euro trong năm 2024. Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ Ukraine của Đan Mạch đã phân bổ 8,5 tỷ euro trong giai đoạn 2023 - 2028.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen (giữa) cùng phu quân và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Lviv ngày 23/2. Ảnh: Reuters |
Ảnh: Reuters |
Thỏa thuận bao gồm các điều khoản về sự ủng hộ rõ ràng đối với tư cách thành viên tương lai của Ukraine trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), con đường cải cách của Ukraine, hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng, tình báo, an ninh mạng, tái thiết Ukraine, cũng như các vấn đề về lệnh trừng phạt Nga.
Trong thỏa thuận có nội dung quy định việc hỗ trợ cho sự phát triển của hải quân Ukraine, nỗ lực rà phá bom mìn, hỗ trợ quân sự công nghệ cao (máy bay không người lái, thiết bị liên lạc, radar).
Đan Mạch sẽ hỗ trợ Ukraine trong thời hạn 10 năm của thỏa thuận, và để ngỏ khả năng gia hạn.
Thỏa thuận cũng đặt ra cơ chế tham vấn trong vòng 24 giờ theo yêu cầu của bất kỳ bên nào trong trường hợp có nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công vũ trang của Nga.
Một ngày trước đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố nước này sẽ ký kết một thỏa thuận song phương với Ukraine nhằm đảm bảo hỗ trợ an ninh cho Kiev trong 10 năm tới.
Ukraine đã ký thỏa thuận tương tự với Anh, Pháp và Đức theo Tuyên bố chung G7 tháng 7/2023. Khi đó, lãnh đạo các nước phương Tây không đặt ra thời gian cụ thể để Ukraine gia nhập khối nhưng các nước G7 cam kết sẽ hỗ trợ an ninh lâu dài cho Ukraine.