Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu hôm 15/6 tại hội nghị. Ảnh: Reuters |
Phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh hoà bình toàn cầu, ông Zelensky nói: “Chúng ta phải cùng nhau quyết định xem nền hòa bình công bằng có ý nghĩa như thế nào đối với thế giới và làm thế nào để đạt được nó một cách thực sự lâu dài. Hiến chương Liên Hợp Quốc là cơ sở cho chúng tôi”.
“Và sau đó, khi kế hoạch hành động được đặt lên bàn, được tất cả các quốc gia nhất trí, nó sẽ được thông báo tới các đại diện của Nga để chúng ta có thể thực sự chấm dứt xung đột tại hội nghị lần hai”.
Tổng thống Zelensky lưu ý rằng 101 quốc gia và tổ chức quốc tế đã tham dự hội nghị ở Thuỵ Sĩ. “Chúng ta đã tránh được một trong những điều khủng khiếp nhất - sự chia cắt thế giới thành các khối đối lập. Có các đại diện đến từ châu Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông, châu Á, Thái Bình Dương và Bắc Mỹ, cùng các nhà lãnh đạo tôn giáo. 101 người tham dự. Không ai có đặc quyền quyết định thay người khác. Đây thực sự là một thế giới đa cực”, ông nói.
Tổng thống Ukraine nhấn mạnh rằng những quốc gia không cử đại diện đến hội nghị lần này “nhưng có chung giá trị trong hành động và lời nói, sẽ có thể tham gia công việc của chúng tôi trong các giai đoạn tiếp theo của công thức hòa bình”.
Ông Zelensky trò chuyện với các lãnh đạo quốc tế tại hội nghị. Ảnh: Reuters |
Các lãnh đạo thế giới đã tập trung tại Thụy Sĩ vào ngày 15/6 để dự hội nghị thượng đỉnh nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng sự vắng mặt của một số quốc gia có tầm ảnh hưởng như Trung Quốc được cho là sẽ làm giảm tác động của sự kiện.
Thiếu Bắc Kinh, hy vọng cô lập Mátxcơva của Kiev đã tan biến, trong khi những thành công gần đây của quân đội Nga lại đẩy Ukraine vào thế khó. Cuộc xung đột ở Dải Gaza giữa Israel và Hamas cũng làm phân tán sự quan tâm dành cho Ukraine.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Ảnh: Reuters |
Các cuộc thảo luận tại hội nghị tập trung vào những mối quan ngại rộng lớn hơn do xung đột gây ra, chẳng hạn như an ninh lương thực và hạt nhân. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út nhấn mạnh tiến trình hoà bình cần có sự tham gia của Nga.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết: “Tôi cũng phải lưu ý rằng hội nghị thượng đỉnh này có thể hướng tới kết quả tốt hơn nếu bên còn lại trong cuộc xung đột là Nga góp mặt”.
Reuters cho biết dự thảo tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh kêu gọi để Ukraine giành lại quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và quyền tiếp cận các cảng biển của nước này.