'U50' đi học xóa mù chữ

'U50' đi học xóa mù chữ
Tối tối, khi mặt trời vừa khuất sau đỉnh núi nơi biên cương thì cũng là lúc lớp học xóa mù chữ cho đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) bắt đầu.

Lớp có 20 học viên, trong đó số người từ độ tuổi 35 đến 50 chiếm gần một nửa. Đa số họ đã có gia đình, có người đã trở thành bà ngoại, bà nội. Một điều đặc biệt nữa là lớp học này do những người lính Đồn Biên phòng Cà Xèng (Đồn 585) đứng lớp.

Lớp học xóa mù chữ của các chiến sỹ Đồn Biên phòng Cà Xèng cho đồng bào Rục.
Lớp học xóa mù chữ của các chiến sỹ Đồn Biên phòng Cà Xèng cho đồng bào Rục..

Lớp học xóa mù nơi biên cương

Đầu năm 2012, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình chỉ đạo mở lớp dạy chữ xóa mù cho bà con đồng bào Rục. Quyết định ban đầu đưa ra đã gặp rất nhiều khó khăn, bởi ngày trước vận động họ rời hang đá ra ngoài định cư còn gian nan thì bây giờ chuyện dạy con chữ cho bà con cũng khó khăn hơn gấp bội phần.

Hơn nữa, người Rục quan niệm rằng “con chữ không làm no cái bụng” nên họ không chịu đi học.

Không những thế, họ còn cấm luôn cả con em mình đến lớp. Nhưng với niềm tin, các cán bộ chiến sỹ Đồn 585 đã tích cực bám dân, vận động, thuyết phục họ đến lớp.

Qua khảo sát, Đồn Biên phòng Cà Xèng thấy ở bản Ón và bản Mò O Ồ Ồ vẫn còn nhiều người mù chữ và có nguy cơ tái mù. Trên cơ sở đó, đơn vị đã họp bàn và quyết định giao cho các cán bộ, chiến sỹ Đội vận động quần chúng phối hợp với Trung tâm GDTX huyện Minh Hóa lập danh sách và mở 2 lớp học ở hai bản nói trên để thực hiện việc xóa mù chữ cho bà con. Lớp học được tổ chức vào các buổi tối hàng tuần.

Chị Hồ Thị Páy (42 tuổi), một học viên, phấn khởi: “Đi học vui lắm cán bộ ơi! Ngày trước bà con ở đây không ai biết đọc, biết viết nhưng vừa rồi được bộ đội biên phòng dạy cho cái chữ Bác Hồ nên bây giờ tụi miềng (mình) đã biết đọc chữ cái, có thể viết được tên mình lên bảng.

Các thầy cũng nhiệt tình lắm, chữ nào bà con chưa hiểu, chưa đọc được là thầy chỉ bảo ngay, thầy còn nắn nót tập bà con viết từng chữ, cách đánh vần. Trên lớp biết rồi, về nhà miềng nói con bày thêm nữa là hiểu ngay thôi”.

Còn chị Cao Thị Xinh (43 tuổi), người lớn tuổi nhất lớp học, hồ hởi nói: “Biết được chữ Bác Hồ, mình có thể hiểu thêm nhiều thứ khác nữa, biết tính tiền, biết cộng, trừ, nhân, chia.

Ngày trước khi chưa biết chữ, mình không biết tính tiền, cán bộ nói gì cũng không hiểu, không biết ký tên khi đi nhận gạo, ai bán chi mình cũng luống cuống… Bây giờ thì mình đã biết đọc chữ cái, viết thành thạo rồi”.

Thiếu tá Bùi Đức Sử đang dạy từng phép tính, con số cho các học viên.
Thiếu tá Bùi Đức Sử đang dạy từng phép tính, con số cho các học viên..

Tâm huyết của những người thầy mang quân hàm xanh 

Để vận động được người dân ở đồng bào Rục cho trẻ em đến trường học chữ đã khó. Nay lại vận động phụ huynh học cái chữ càng khó hơn bội phần, bởi phần nhiều họ tỏ ra e thẹn, ngượng ngùng do tuổi đã cao. Hơn nữa do ban ngày đi rừng về mệt nên còn sức đâu mà lên lớp nghe giảng. Tuy nhiên, qua nhiều đợt vận động thuyết phục của các chiến sỹ biênphòng, người dân mới chịu đến lớp học chữ.

 Bà con mình cũng muốn học chữ lắm nhưng do cuộc sống khó khăn, lại ở vùng miền núi xa xôi, trong khi cái ăn còn lo chưa đủ thì làm sao có thể nghĩ đến chuyện học chữ được. Nhưng nhờ được sự quan tâm của các chiến sỹ Đồn Biên phòng Cà Xèng dạy cái chữ Bác Hồ nên đến nay cơ bản người dân đồng bào Rục ở bản Ón và bản Mò O Ồ Ồ đã biết đọc, biết viết, thậm chí làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia phức tạp. Mình và bà con thấy ưng cái bụng lắm  - Trưởng bản Ón, ông Trần Xuân Tư

Thiếu tá Bùi Đức Sử tâm sự về kỷ niệm những năm đứng lớp: “Nhiều trường hợp học viên đã đi học nhưng sau đó không biết vì lý do gì lại bỏ lớp. Ngay sau đó, mình cùng mấy anh em trong đồn phải đến từng nhà để vận động họ tiếp tục đi học. Như trường hợp chị Hồ Thị Páy, chị Cao Thị Xinh… mình phải giải thích rất nhiều về tầm quan trọng của việc học chữ, biết chữ họ mới chịu quay lại lớp học”.

Còn Trung úy Nguyễn Ngọc Thanh cũng không thể quên được cái ngày mà cả lớp đang say sưa học, bỗng có một người đàn ông luống tuổi đứng ngoài cửa sổ gằn giọng nồng nặc mùi rượu gọi vợ về. Thấy vậy, Trung úy Thanh buộc phải đồng ý cho học viên đó ra về vì sợ về nhà hắn đánh vợ.

Với Đồn Biên phòng Cà Xèng, việc mở lớp xóa mù chữ ở đồng bào Rục tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất gian nan, bởi các học viên sau một ngày lao động vất vả, muốn nghỉ ngơi để lấy sức bắt đầu cuộc sống mưu sinh vào ngày hôm sau. Đó là chưa kể đến chuyện nhiều người tuổi cao nên mặc cảm, ngại đến lớp.

“Để bà con hiểu được những gì cần truyền đạt thì giáo án dạy phải phù hợp với trình độ người dân, bám sát phong tục, tâm lý của người dân. Chương trình dạy lớp xóa mù cũng khác rất nhiều so với chương trình phổ cập. Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn nhất hiện nay là thiếu sách giáo khoa phục vụ việc dạy học cho bà con. Ngoài ra, điều kiện học tập cũng đang rất khó khăn, phải mượn trường để dạy vào ban đêm”, Thiếu tá Sử băn khoăn.

Theo Đăng Đức - Đặng Tài
Dân trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.