> Người hùng U19 Việt Nam từng ngủ ở vỉa hè
> Trận chiến cuối cùng
Pha tranh bóng giữa U19 Việt Nam và U19 Indonesia. Ảnh: Getty Images. |
Dưới sức nóng của hàng chục nghìn CĐV Indonesia trên sân Gelora Delta Sidoarjo, U19 VN vẫn nhập cuộc đầy tự tin. Các học trò của HLV Guillaume Graechen đã triển khai lối đá tốc độ, kỹ thuật và phối hợp rất nhuần nhuyễn.
Để hạn chế sức tấn công của U19 VN, chủ nhà U19 Indonesia không ngại chơi rắn, sẵn sàng phạm lỗi trong các tình huống tranh chấp. Chiến thuật này đã giúp U19 Indonesia, dưới sự trợ lực của trọng tài chính người Thái Lan, đã khiến nhiều cầu thủ U19 VN bị chấn thương.
Ngay đầu hiệp 1, Trùm Tỉnh đã phải rời sân. Về cuối trận, nhiều cầu thủ U19 VN đã phải cắn răng chịu đau để thi đấu.
Dù vậy, trong suốt 90 phút chính thức và 30 phút hiệp phụ, U19 VN mới là đội kiểm soát thế trận, và tạo được nhiều cơ hội nguy hiểm hơn. Đáng tiếc khi ở những pha bóng cuối, các chân sút VN đều thiếu một chút chính xác.
Tuy nhiên, lên đến cấp độ ĐTQG lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Chức vô địch AFF cup 2008 cho đến thời điểm hiện tại vẫn là chiến tích cao nhất, và chỉ một lần, của bóng đá VN. |
Kết thúc 120 phút thi đấu mà không bên nào ghi được bàn thắng, hai đội buộc phải phân định thắng thua bằng loạt sút luân lưu.
Trên chấm 11m, hai đội tiếp tục cống hiến cho khán giả màn rượt đuổi ngoạn mục. Sau 8 lượt sút đầu tiên, đôi bên hoà 6-6. Ở lượt sút thứ 9, Công Huy đã thực hiện không thành công, trong khi pha sút bóng sau đó của cầu thủ Indonesia đưa bóng đúng cột dọc nẩy vào lưới, làm bó tay thủ môn Văn Trường.
Kết quả này đã giúp Indonesia đăng quang chức vô địch U19 ĐNA. Dù giành HCB, nhưng những gì U19 VN thể hiện ở giải đấu lần này rất đáng nhận được sự khích lệ. Tuy vậy, như “bầu” Đức mới lên tiếng, ông đề nghị giới truyền thông đừng đưa các cầu thủ lên mây mà hãy để các em phát triển tự nhiên theo đúng định hướng mới mong có được một thế hệ cầu thủ tốt cho bóng đá Việt Nam.
Đây không phải là bài học đầu tiên với các cầu thủ trẻ. Còn nhớ, tại SEA Games 2009, U23 VN được đánh giá là một trong những ứng viên nặng ký cho chiếc HCV khi đi một lèo vào trận chung kết.
Thời điểm trên, truyền thông, quan chức ngành thể thao và VFF cùng giới mộ điệu tự tin lớn như thế nào vào cơ hội giành chiến thắng của U23 VN. Không thiếu mỹ từ nào được dùng để ca tụng các cầu thủ và HLV Calisto. Kết quả chúng ta thua 0-2, tan vỡ giấc mộng SEA Games đeo đuổi hàng chục năm trời.
Thực ra, lo chuyện thắng thua trước mắt của U19 VN một, thì lo cho tương lai của bóng đá VN mười. U19 VN thực tế chỉ đang tham dự giải trẻ trong khu vực ĐNA, vùng trũng của bóng đá thế giới. Việc thầy trò ông Graechen nhận được sự tán dương chỉ phản ánh một thực tế, bóng đá VN đang ở giai đoạn ảm đạm đến nỗi hy vọng của người hâm mộ ngày một mòn mỏi. Màn trình diễn của U19 VN như một luồng gió mát thổi vào bức tranh xám xịt.
Trong quá khứ, bóng đá trẻ VN từng gặt hái được nhiều thành tích rất đáng tưởng thưởng, thậm chí tạo được tiếng vang lớn. U16 VN năm 2000 từng gây chấn động khi đánh bại U16 Trung Quốc. Năm 2003, thêm một lần nữa bóng đá VN được nhắc tên với chiến tích đánh bại U23 Hàn Quốc của đội U23. Trong vài năm trở lại đây, các đội U16, U19 hay U20 dưới sự dẫn dắt của những HLV nội như Triệu Quang Hà, Hoàng Văn Phúc cũng thi đấu rất thành công.
Lứa cầu thủ tài năng Văn Quyến, Minh Đức, Lâm Tấn, Như Thuật…của U16 VN năm 2000 nay có thể nói, đã trở thành nỗi thất vọng lớn với người hâm mộ. Văn Quyến là trường hợp điển hình khi “dính chàm” ở SEA Games 2003, bỏ lỡ tương lai rộng mở trước mắt. Không thể không cho rằng, truyền thông đã góp một phần vào bi kịch của một trong những tiền đạo xuất sắc nhất của bóng đá VN khi ca tụng, đưa các cầu thủ lên tận mây xanh.
Chẳng phải tự nhiên bầu Đức dù “sướng”, nhưng vẫn nhắc khéo truyền thông và dư luận không tâng bốc quá mức, rồi “cấm” luôn các cầu thủ nhận thưởng của VFF vì lo ngại cầu thủ sinh hư.