Tỷ phú Soros : Sai lầm trong cấu trúc xây dựng đồng euro !

Tỷ phú Soros : Sai lầm trong cấu trúc xây dựng đồng euro !
TPO - Tỷ phú người Hungary George Soros cho rằng cấu trúc xây dựng cơ bản của đồng EURO là sai lầm, chính sách tài chính của Đức đang cản trở khả năng phục hồi sức cạnh tranh của các nước thành viên.
Tỷ phú G.Soros
Tỷ phú G.Soros.

Đồng EURO đã được tạo ra một cách không đồng nhất. Hiệp định Maastricht chỉ tạo ra một liên minh tiền tệ mà bỏ qua việc thành lập liên minh chính trị. „Cấu trúc của đồng EURO sai lầm từ cội rễ” –George Soros nói trong cuộc phỏng vấn của tuần báo Die Zeit.

Nhà tài phiệt nổi tiếng thế giới gốc Hungary chỉ trích mạnh mẽ nước Đức đang đi ngược lại quyền lợi chung của các nước EU „Cùng với chính sách ủng hộ chu kì –pro cyclical policy –nước Đức đang đẩy EU vào nguy hiểm. Đây là lời buộc tội nghiêm trọng, nhưng rất tiếc lại hoàn toàn có cơ sở „. Ông cũng không loại trừ khả năng sụp đổ của đồng EURO.

Chính sách ủng hộ chu kì nói một cách đơn giản : trong thời gian kinh tế thịnh vượng , nhà nước tăng chi tiêu và giảm thuế. Khi môi trường kinh tế bất lợi nhà nước sẽ hạn chế chi tiêu và cắt giảm ngân sách.

Nước Đức trong tâm điểm

G.Soros cho rằng nước Đức góp phần làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng „Vì những lí do lịch sử nước Đức sợ lạm phát hơn suy thoái kinh tế. Các nơi khác trên thế giới thì ngược lại”. Theo ông cùng với việc giảm thâm hụt ngân sách, cản trở bù trừ cho sự giảm sức mua của đồng lương trong khu vực EURO, nước Đức đang gây khó khăn cho việc phục hồi khả năng cạnh tranh của các nước thành viên.

Ông kêu gọi các nước châu Âu hãy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để ra khỏi khủng hoảng, sau đó cần xem xét và củng cố cấu trúc tài chính của đồng EURO. Tuy nhiên việc này không thể thực hiện được nếu thiếu vai trò lãnh đạo của Đức.

Khủng hoảng tiền tệ khu vực EURO gồm hai phần : tài chính và ngân hàng. Vấn đề ngân hàng bây giờ mới bắt đầu tiếp cận „thoái trào”.

Thuế nhà băng nên được chấp thuận

G.Soros cho rằng với một số điều kiện và trong thời gian nhất định nên áp dụng một khoản thuế đặc biệt đối với ngân hàng và đánh thuế các giao dịch tài chính. Các ngân hàng đã gây ra những thiệt hại lớn, vì sao người khác phải trả tiền thay họ?

Theo ông khả năng đánh thuế các giao dịch tài chính là cần thiết, vì đây là khoản bù thêm cho nhà nước trong lúc thanh khoản suy giảm. Thực tế điều này tương đương thuế giá trị thặng dư trong lưu thông hàng hóa. Nhưng việc này từng quốc gia không thể làm riêng lẻ vì các giao dịch sẽ chuyển sang thị trường khác .Lách luật sẽ như một thứ virus lây lan từ nước này sang nước khác. Muốn thắt chặt kiểm soát, các quốc gia phải cùng nhau làm. Điều này thực hiện không đơn giản vì mỗi quốc gia đều có lợi ích riêng của mình.

Cần chú trọng đầu tư nhiều hơn nữa cho tăng trưởng

Theo ý kiến của G.Soros, các chủ nợ lớn của thế giới, đặc biệt là Đức và Trung quốc cần hành động tích cực hơn để vượt qua khủng hoảng. Cụ thể là: cần chi nhiều hơn nữa cho tăng trưởng.

Vấn đề lớn nhất của kinh tế thế giới hiện nay là cầu thấp, nạn thất nghiệp cao. „ Nếu không ai chống lại điều này thì chúng ta sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn”. Hiểm họa lớn nhất hiện nay theo ông không nằm ở thâm hụt ngân sách mà nằm trong sổ sách của các ngân hàng thương mại.

„Thực tế ở châu Âu không phải chúng ta đang đối mặt với khủng hoảng tiền tệ và chi phí nhà nước như nhiều người nghĩ, mà chính là khủng hoảng của hệ thống ngân hàng”.

Ông cho rằng nếu có thể củng cố và bơm vốn cho hệ thống ngân hàng thì sẽ không có khủng hoảng tại Tây Ban Nha. Nợ chính phủ của Tây Ban Nha về cơ bản thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia khác ở châu Âu. Chính phủ không nhận được tiền vì trong các ngân hàng cũng không có tiền. Nếu không có một cuộc „tổng vệ sinh” lớn thì không thể cải thiện được tình trạng của hệ thống ngân hàng. Cho đến nay chưa một ngân hàng nào bị bắt buộc trình bày sổ sách dù rằng theo ông đây là điều không tránh khỏi.

Các ngân hàng Pháp và Đức nắm trong tay phần lớn trái phiếu chính phủ của Tây Ban Nha –nay đã mất giá rất nhiều so với giá trị ban đầu. „Thực tế các ngân hàng mất khả năng chi trả hay chí ít cũng đã thiếu hụt tư bản nghiêm trọng, cần có thêm vốn mới „. Ông nói thêm nguồn vốn mới này cần được lấy ra từ gói cứu trợ khủng hoảng của châu Âu –quĩ được lập ra để cứu trợ các chính phủ. Nếu là người quyết định G.Soros sẽ điều vốn cho các ngân hàng thương mại „ Bằng việc bơm vốn cho ngân hàng, các chính phủ cũng được trợ giúp, vì trái phiếu chính phủ cũng dễ bán được hơn”.

Thùy An
Theo MTI,Origo

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.