Hàng trăm trâu bò chết rét, hàng ngàn hecta hoa màu, thảo quả vùng cao phía Bắc bị mưa tuyết chôn vùi, nhà sập, điện cúp
những bóng người nhỏ nhoi vật lộn sinh tồn giữa núi tuyết, trong khi những bức ảnh tuyết rơi đẹp lộng lẫy tràn trên các trang mạng cá nhân, cùng những nụ cười hớn hở. Hai mặt của đời sống nhiều khi đối chọi thật nghiệt ngã.
Một sinh viên đang học ở Hà Nội đã kêu lên trong lá thư (ngỏ) gửi mẹ đăng trên mạng: “Mẹ ơi chú ý đàn bò, “họ” còn cầu tuyết rơi nữa đấy! Con muốn nói với mẹ rằng: Con không thích tuyết rơi, không bao giờ thích, cho dù một ngày nào đó mẹ của con không còn phải nuôi bò nữa”.
Không biết ở núi cao quê nhà, bà mẹ có đọc được những dòng ấy không, hay đang lập cập giã gạo trên tuyết, đào xúc tuyết để có chỗ đặt chân. Tấm lòng của đứa con xa với mẹ và quê nhà khiến nhiều người ấm lòng. Nhưng có phải cuộc sống bao giờ cũng chỉ một chiều? Biết đâu một ngày nào đó, công cuộc biến đổi khí hậu đang diễn ra khốc liệt, tuyết sẽ tràn xuống cả Hà Nội, thậm chí tận miền Trung, miền Nam? Như ai hình dung được đến lúc người dân đô thị lớn nhất phía Nam đang từng ngày phải “bơi” giữa triều cường.
Các nhà vật lý nghiên cứu về hoa tuyết, đã kết luận rằng dù hình dạng rất phức tạp, nhưng hoa tuyết đối xứng một cách hoàn hảo. Và không bao giờ có hai hoa tuyết nào hoàn toàn giống nhau. Con người và xã hội cũng như hoa tuyết vậy.
Trong hồi ký nổi tiếng thế giới mang tên “Hòn tuyết lăn” của mình, tỷ phú Mỹ Warren Buffett viết: “Cuộc đời như một quả bóng tuyết (snowball), điều quan trọng là bạn phải tìm ra được những bông tuyết có đủ sức kết dính và một sườn đồi đủ dài để nó lăn đi…”. Con người ta không bao giờ có đủ thời gian để than vãn, mà phải đối diện và sống với cuộc sống này, đó là ngụ ý của một trong những người giàu nhất hành tinh, xuất thân nghèo khổ, từng làm nghề giao báo, trộm cắp vặt…
Ít ai ngờ dù ngồi trên núi tiền, nhưng giờ đây Warren Buffett vẫn sống cuộc sống của một “người nghèo”, với căn nhà đơn sơ, chiếc xe bình thường, ăn mặc tuềnh toàng. Gần như toàn bộ khối tài sản khổng lồ ông đã hiến cho một quỹ từ thiện. Hai mặt tương phản của đời sống con người, mà người đàn ông này là một điển hình vĩ đại.
Người họa sĩ già đội mưa tuyết giữa đêm để vẽ một chiếc lá mắc lên trên dây thường xuân già cỗi leo trên bờ tường mùa đông ngoài cửa sổ, trong truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” của O. Henry.
Chiếc lá cuối cùng ấy đã không bao giờ rụng xuống, khiến cô gái trẻ ở chung nhà có thêm niềm ham sống vượt qua phút giây mong manh trước cái chết. Họa sĩ già suốt đời vô danh ấy lặng lẽ qua đời sau đó vì cái lạnh của mưa tuyết, nhưng để lại tác phẩm vĩ đại nhất đời mình. Con người như từng bông hoa tuyết khác biệt, nhưng đức tin, tình yêu - thứ làm nên con người không thể nào dị biệt. Đó mới là con đường vô tận để quả bóng tuyết lăn đi…