Ngay từ khi HLV Hữu Thắng mới được bổ nhiệm làm HLV trưởng ĐT Việt Nam hồi tháng 3 năm nay, người ta đã mường tượng được cảnh các cầu thủ gốc Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ tràn ngập trong danh sách ĐT Việt Nam tham dự AFF Suzuki Cup 2016, và cuối cùng sự thực đã diễn ra đúng như vậy.
Trong số 9 cầu thủ bị HLV Hữu Thắng loại khỏi danh sách chính thức tham dự AFF Suzuki Cup 2016, không có bất cứ cái tên nào tới từ Nghệ An hay Hà Tĩnh, và rất nhiều người trong số đó từng là trụ cột của ĐT Việt Nam và ĐT U23 Việt Nam dưới thời HLV Toshiya Miura như tiền vệ Huy Toàn, Huy Hùng, hay trung vệ Minh Tùng.
Và đáng nói hơn khi những vị trí này đều là tử huyệt của ĐT Việt Nam ở AFF Suzuki Cup 2016, khi một số học trò ruột của HLV Hữu Thắng hoặc không thể ra sân vì chấn thương, hoặc không đủ trình độ nhưng vẫn được ra sân, khiến cho ĐT Việt Nam ôm hận trước ĐT Indonesia ở vòng bán kết.
Có những cầu thủ tuy được HLV Hữu Thắng gọi vào ĐT Việt Nam dự AFF Suzuki Cup 2016 nhưng họ chẳng thi đấu phút nào (hậu vệ cánh Ngọc Đức), hoặc thi đấu rất ít và rất tệ (tiền vệ cánh Phi Sơn), song họ vẫn có suất vì là đồng hương của HLV trưởng, còn một số khác dù được gọi nhưng số thời gian xuất hiện trên sân chẳng được bao nhiêu, song vẫn kịp ghi được bàn thắng cực kỳ quan trọng, như tiền vệ Minh Tuấn.
Phi Sơn (bìa trái) được HLV Hữu Thắng gọi vào ĐT Việt Nam nhưng không có bất cứ đóng góp nào đáng kể và không hề được sử dụng ở những trận đấu quan trọng.
Điều đó cho thấy công tác bố trí và sắp xếp nhân sự của HLV Hữu Thắng ở AFF Suzuki Cup 2016 là rất có vấn đề, và đáng buồn thay, đây không phải là lần đầu tiên chuyện này xảy ra với bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.
Cách đây 4 năm, HLV nội đầu tiên của ĐT Việt Nam trong vòng 20 năm qua là ông Phan Thanh Hùng từng gọi tới 6 học trò ruột ở CLB Hà Nội T&T vào ĐT Việt Nam tham dự AFF Suzuki Cup 2012, nhưng cuối cùng ĐT Việt Nam dưới quyền ông Hùng đã bị loại ngay từ vòng bảng, còn số cầu thủ đông đảo từ Hà Nội T&T cũng chẳng giúp ích được gì cho ông thầy của mình.
Đấy là với bóng đá, còn một số môn khác như bóng bàn thì cũng có chuyện tương tự xảy ra. Cũng trong năm 2012, ĐT bóng bàn Việt Nam khi thi đấu tại giải bóng bàn vô địch Đông Nam Á tại Lào đã xảy ra tình trạng mâu thuẫn nội bộ nghiêm trọng vì lý do “quân anh quân tôi”.
HLV trưởng ĐT bóng bàn Việt Nam khi đó là ông Lê Xuân Phong bị tố cáo đã ưu ái một cách vô lối đối với những học trò ruột từ đoàn Quân đội, cho dù có tuyển thủ bị cho là không đủ khả năng khoác áo ĐTQG, khiến cho ĐT bóng bàn Việt Nam để thua ĐT Indonesia ở nội dung bóng bàn đồng đội nam.
Cách xử sự không hợp lý của HLV Lê Xuân Phong khiến VĐV Đào Duy Hoàng uất ức đến bật khóc ngay giữa nhà thi đấu vì không được ra sân, còn Lê Tiến Đạt kém hơn nhưng được vào thi đấu vì là học trò ruột của HLV trưởng. Tất nhiên với trình độ chuyên môn hạn chế, Tiến Đạt đã góp phần quan trọng vào thất bại của ĐT Việt Nam.
Không chỉ có thể, Tiến Đạt còn liên quan tới vụ xô xát cùng Tô Đức Hoàng, tuyển thủ từ CLB Tập đoàn Dầu khí QG. Đức Hoàng lẽ ra không được lên ĐTQG nhưng vì CLB Tập đoàn Dầu khí QG phản ứng quyết liệt, còn dọa gửi công văn lên lãnh đạo Tổng cục TDTT và Bộ VH, TT&DL nên cuối cùng mới được đưa vào danh sách dự giải.
Vốn đã không ưa nhau vì chuyện quân anh quân tôi nên khi xảy ra va chạm ở nhà ăn, Đức Hoàng và Tiến Đạt đã đánh nhau chảy máu ngay trước sự chứng kiến của bè bạn quốc tế. Sau khi xảy ra sự việc này, Đức Hoàng và Tiến Đạt đã bị loại khỏi ĐTQG, còn HLV trưởng Lê Xuân Phong thì bị cách chức.