Trên thực tế, từ khi lên nắm quyền thay HLV Toshiya Miura, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã tạo cơ hội rất lớn cho các cầu thủ “con cưng” của bầu Đức, Chủ tịch HA.GL và cũng là Phó chủ tịch LĐBĐVN (VFF). Trong các đợt tập trung vừa qua của đội tuyển Việt Nam, những gương mặt nổi bật nhất của HA.GL thường xuyên có tên, gần nhất gồm Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường hay Văn Toàn, Vũ Văn Thanh.
Và, càng dễ nhìn ra ý đồ xây dựng tuyến trung tâm của tuyển Việt Nam xoay quanh bộ đôi tiền vệ Tuấn Anh-Xuân Trường của ông Thắng. Ở tất cả các trận đấu của tuyển Việt Nam kể từ khi HLV Nguyễn Hữu Thắng lên nắm quyền, Tuấn Anh cùng Xuân Trường đều nghiễm nhiên chiếm một suất trong đội hình xuất phát. Cả hai được trọng dụng nhiều hơn cả Công Phượng, tiền đạo là cầu thủ “cưng” số 1 của bầu Đức ở HA.GL.
Từ góc độ chuyên môn, chuyện này là hoàn toàn có thể hiểu được. Công Phượng dù nổi bật trong màu áo U19 Việt Nam, nhưng từ khi được “đôn” lên thi đấu ở V.League, tiền đạo gốc Nghệ chưa thể hiện được nhiều. Anh mờ nhạt trong mùa giải 2015 trước khi đầu quân cho Mito Hollyhock, nhưng phần lớn thời gian là ngồi dự bị. Lối chơi của Công Phượng, vốn lạm dụng kỹ thuật cá nhân, không có nhiều thay đổi sau 8 tháng tập luyện trong môi trường bóng đá Nhật Bản.
Ở trận đấu giao hữu với CHDCND Triều Tiên, có thể do thời gian xuất hiện trên sân quá ít, Công Phượng chưa thể hiện được nhiều. Điểm thay đổi tích cực hơn cả, là có vẻ như thể lực của Công Phượng được cải thiện tốt hơn.
Trong khi đó, hàng công tuyển Việt Nam đang có khá nhiều cầu thủ mà xét cả về kinh nghiệm lẫn trình độ, đều ở mức trên với Công Phượng, như Văn Quyết hay Công Vinh. Ở một giải đấu mang tính cạnh tranh quyết liệt như AFF cup, kinh nghiệm của Công Vinh là thứ các HLV đều rất muốn tận dụng.
Trái lại, Tuấn Anh và Xuân Trường lại cho thấy sự tiến bộ nhanh chóng trong tư duy chơi bóng ở khu vực trung tuyến. Cả hai đã thực hiện nhiệm vụ cầm nhịp, phân phối bóng đặc biệt tốt trong trận đấu của tuyển Việt Nam với CHDCND Triều Tiên.
Nếu nhìn vào lối chơi của Việt Nam ở trận đấu này với trận gặp đội tuyển Indonesia hôm 9/10, dễ nhận thấy khi có Tuấn Anh-Xuân Trường, đội bóng của ông Thắng chơi mạch lạc và mượt mà hơn. Các pha lên bóng cũng sắc nét, tạo được đột biến.
Ở tuyển Việt Nam hiện nay, HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng có ít sự lựa chọn để thay thế cho Tuấn Anh-Xuân Trường trên hàng tiền vệ. Thành Lương và Văn Quyết khi cần có thể lùi xuống, đều là những cầu thủ xuất sắc, nhưng có thiên hướng chơi ở biên.
Trọng Hoàng và Vũ Minh Tuấn trong khi đó cũng có xu hướng nhô cao, ít hỗ trợ phòng ngự cũng như thực hiện nhiệm vụ phân phối bóng. Tiền vệ Hoàng Thịnh được đánh giá cao hơn ở nhiệm vụ đánh chặn, hỗ trợ phòng ngự.
Từ nay đến AFF cup 2016, thời gian chỉ còn hơn 1 tháng. Rất khó để HLV Hữu Thắng có thể điều chỉnh sang một phương án mới. Chính vì vậy, có lý do để tin bộ đôi xuất thân từ Học viện HA.GL-Arsenal-JMG gần như chắc suất trong đội hình chính.
Dĩ nhiên, việc sử dụng các cầu thủ HA.GL như thế nào, gồm cả các gương mặt khác như Công Phượng, Vũ Văn Thanh hay Văn Toàn là vấn đề ông Thắng cần cân nhắc. Cả 2 trận đấu với Triều Tiên và Indonesia đều chỉ mang tính chất giao hữu. Chỉ dựa vào đấy để đánh giá năng lực của cầu thủ là có phần vội vàng. Hãy nhìn các trận đấu của đội tuyển Việt Nam ở Vòng loại World cup 2018 làm ví dụ.
Cùng với Tuấn Anh-Xuân Trường ở trung tâm, Việt Nam đã thắng tưng bừng Đài Loan (Trung Quốc) đã không còn mục tiêu 4-1 trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Nhưng không lâu sau đó, với gần nguyên đội hình cũ, thầy trò ông Thắng chơi bế tắc, thua 0-1 trong thế trận bị ép hoàn toàn trước Iraq. Ở trận sau, không chỉ Tuấn Anh và Xuân Trường, mà cả hàng tiền vệ Việt Nam đều trở nên vô hại.