Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ thi sẽ diễn ra trong 2 ngày từ 10-11/6 với 3 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Trong đó, bài thi môn Toán và Ngữ văn sẽ theo hình thức tự luận, bài thi Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Có nhiều mã đề thi trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề.
Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3. Trong đó, NV1 và NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; NV3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Học sinh không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký. Học sinh trúng tuyển NV1 thì không được xét tuyển NV2, NV3.
Học sinh không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1 điểm.
Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2 điểm.
Học sinh cần lựa chọn đúng nguyện vọng tránh trượt oan |
Các trường đang tăng tốc dạy và ôn tập kiến thức cho học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi, đồng thời tư vấn, định hướng để các em lựa chọn NV.
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), nói, trước khi học sinh đăng ký NV, hằng tuần trường đón tiếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến để giới thiệu về nghề cho học sinh hiểu, hình dung và lựa chọn.
“Đến nay, phụ huynh, học sinh đã có lựa chọn hướng đi cho mình. Một số phụ huynh quyết định rất sớm, ngay từ khi con đang học lớp 8”, bà Hồng nói.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay thành phố có 129.210 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp THCS. Hà Nội dự kiến tuyển vào trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh (55,7%).
Theo bà Hồng, về việc lựa chọn NV 1, 2, 3 vào các trường THPT công lập hằng năm thông qua kết quả các bài kiểm tra tháng, học kỳ, thi thử và điểm tuyển sinh đầu vào của các trường THPT, giáo viên tư vấn rất sát năng lực học sinh để phụ huynh quyết định các NV.
Một số phụ huynh tin tưởng nhưng cũng có không ít phụ huynh đặt kỳ vọng cao hơn, đăng ký NV cao hơn năng lực thực tế của con em mình rất nhiều. Điều này vừa khiến học sinh vừa bị áp lực vừa có nguy cơ trượt mất cơ hội.
Sớm tư vấn lựa chọn tổ hợp
Năm ngoái nhiều học sinh lớp 10 lựa chọn sai tổ hợp, sau một học kỳ có NV đổi môn học nhưng các trường THPT không thể cho đổi vì vướng quy định.
Bà Đặng Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội), chia sẻ, đối với học sinh lớp 9, áp lực của kỳ thi rất lớn. Các em rất cần sự đồng hành, hỗ trợ về mặt kiến thức, tư duy, đồng thời cần cả sự tư vấn của giáo viên, nhà trường trong lựa chọn trường học, tổ hợp môn học.
Tuy nhiên, tư vấn lựa chọn NV thế nào để không bị áp lực, học sinh không bị ảnh hưởng tâm lý. Hiện nay, số lượng học sinh dự thi rất đông, tỉ lệ các em đỗ chỉ có 55,7% nên những em có năng lực yếu, kém rất khó có thể đạt mục tiêu. Thế nhưng, khi tư vấn, định hướng nghề nghiệp, phụ huynh thường không nghe và cho rằng, nhà trường đặt nặng thành tích.
Theo bà Hà, bên cạnh ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh lớp 9, một nội dung vô cùng quan trọng hiện nay nữa là giới thiệu cho các em chương trình lớp 10. Từ năm ngoái, học sinh lớp 10 học chương trình, sách giáo khoa mới, trong đó các em học 4 môn bắt buộc và một số môn tự chọn. Để không chọn sai, nhà trường phải giới thiệu chương trình để học sinh hình dung và có sự định hướng của mình, tránh việc lên THPT lại bỡ ngỡ dẫn đến chọn sai.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nói rằng, năm ngoái là năm đầu tiên học sinh lớp 10 thực hiện chương trình mới và đã có em lựa chọn sai tổ hợp. Sau đó, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cho phép học sinh đổi môn tự chọn, nhưng phải học hết lớp 10 mới được đổi. Ngoài ra, học sinh phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức.
Về việc tư vấn học sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Thường Tín, ông Lê Trung Hiệp, nói rằng, nhà trường sẽ triển khai vào đợt tuyển sinh mới. Khi đó, căn cứ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trường sẽ xây dựng các tổ hợp, chuyên đề dạy học và giới thiệu đến học sinh.
“Xác định việc giới thiệu chương trình, sách giáo khoa mới cho học sinh THCS là rất cần thiết, nhưng cơ sở giáo dục không có nhân sự để đi đến các trường làm việc đó”, ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, học sinh lớp 9 cần tìm hiểu trước chương trình lớp 10, bởi vì khi đã lựa chọn tổ hợp, rất khó để thay đổi. Ví dụ ở trường chỉ có 3 tổ hợp để học sinh lựa chọn, trong quá trình học, các em nhận ra không phù hợp cũng rất khó để chuyển lớp.