Tuyển sinh đại học từ 2025: Hướng tới nền giáo dục học thật, thi thật

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ GD&ĐT vừa công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 với 4 môn thi gồm 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn. Trước bối cảnh đó, những vấn đề đặt ra đối với tuyển sinh ĐH thời gian tới sẽ như thế nào? Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - về nội dung này.

Từ năm 2025, thi cử, tuyển sinh sẽ được đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó là tự chủ giáo dục ĐH ngày càng được nâng cao. Vậy theo bà, kì thi tốt nghiệp này sẽ đóng vai trò như thế nào trong công tác tuyển sinh của các trường ĐH bắt đầu từ năm 2025?

- Tôi cho rằng trước hết cần tiếp cận từ việc xác định đúng mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT theo quy định của Luật Giáo dục (năm 2019), đó là để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Còn Luật Giáo dục ĐH quy định các cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh; quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT những năm qua cũng đã sửa đổi theo hướng tăng cường tự chủ ĐH. Theo đó, việc xác định phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh cũng tuỳ vào kế hoạch tuyển sinh của mỗi trường trong từng năm.

Tuyển sinh đại học từ 2025: Hướng tới nền giáo dục học thật, thi thật ảnh 1

Thí sinh tham gia ngày hội tuyển sinh 2023. Ảnh: Nghiêm Huê.

Thực tiễn mấy năm qua cho thấy, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ đóng vai trò cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, cao đẳng. Do đó, năng lực tự chủ càng cao thì sự ảnh hưởng này càng thu hẹp lại.

“Bộ GD&ĐT cần có cơ chế kiểm soát, điều tiết để bảo đảm chất lượng tuyển sinh và quyền lợi tốt nhất cho thí sinh; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để giữ được kỷ luật kỷ cương, hướng tới một nền giáo dục “học thật, thi thật”, góp phần tạo ra nguồn nhân lực “chất lượng thật” phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới”.

bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội

Thống kê tuyển sinh năm 2022 cho thấy tỉ lệ thí sinh nhập học theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm cao nhất với 47,98%, kế đến là học bạ với 37,18%. Nhưng nếu soi chiếu cụ thể thì chỉ tiêu này đã giảm đáng kể ở nhiều trường so với những năm trước.

Quay trở lại câu chuyện đổi mới thi tốt nghiệp THPT với phương án thi 4 môn từ năm 2025 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, tôi cho rằng sự ảnh hưởng tới công tác tuyển sinh ĐH chắc chắn sẽ có, nhưng không nhiều, nhất là khi các trường đang đẩy mạnh tự chủ, đồng thời chủ động xây dựng chiến lược tuyển sinh với nhiều phương thức. Vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với tuyển sinh ĐH sẽ có xu hướng giảm dần.

Minh bạch thông tin để đảm bảo công bằng

Đã có nhiều kì thi riêng của các trường ĐH, nhưng chưa thể vươn được tới vùng sâu vùng xa để thí sinh ở đó có thể tham gia. Công bằng trong tuyển sinh sẽ phải như thế nào khi các trường ngày càng hạn chế lấy kết quả của kì thi tốt nghiệp THPT, theo bà?

- Tôi đồng ý là khó có sự công bằng về cơ hội giữa thí sinh. Tuy nhiên, tôi lại không cho rằng việc giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT là nguyên nhân dẫn tới thiếu công bằng trong công tác tuyển sinh. Thậm chí, khi thay đổi cách tiếp cận, chúng ta sẽ thấy đây là xu hướng phát triển.

Thứ nhất, phương án tuyển sinh mà nhiều trường ĐH đang triển khai thực hiện chính là xu hướng mở rộng hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo. Đây là xu hướng tích cực, khả thi, đúng tinh thần tự chủ ĐH trong công tác tuyển sinh.

Thứ hai, việc tổ chức nhiều kì thi riêng, thi nhiều lần trong năm chính là để tạo thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh.

Tất nhiên, bên cạnh tăng cường tự chủ ĐH, việc đổi mới trong tuyển sinh của các trường cần phải bảo đảm đúng nguyên tắc theo quy định của Bộ GD&ĐT: công bằng đối với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo, minh bạch với xã hội. Để công bằng trong tuyển sinh đối với thí sinh khu vực nông thôn, miền núi vốn quen phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thì việc giảm dần phương thức xét tuyển này cần được xác định theo lộ trình hợp lý; minh bạch thông tin và ổn định phương án tuyển sinh đã công bố. Việc cộng điểm ưu tiên khu vực đối với thí sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số cũng là giải pháp để bù đắp những bất lợi trong tiếp cận cơ hội tuyển sinh cho các em. Điều quan trọng nữa là theo phương thức nào thì vẫn phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông mới là phẩm chất, năng lực, chứ không phải kiến thức, kỹ năng như trước.

Năm 2023, Bộ GD&ĐT nhìn nhận có khoảng 20 phương thức xét tuyển với hàng trăm tổ hợp. Theo bà, thời gian tới, để gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh, Bộ GD&ĐT cũng như các trường sẽ phải có những điều chỉnh như thế nào trong tuyển sinh?

- Đối với các trường ĐH, cần thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh, tuân thủ các quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng, ưu tiên thuận lợi cho thí sinh. Việc sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét cần đi cùng với yêu cầu phân bổ chỉ tiêu hợp lý, giữ ổn định chỉ tiêu, tuyển sinh đúng với chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức xét tuyển; cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung; việc tăng hoặc giảm chỉ tiêu cho từng phương thức cần có lộ trình hợp lý, không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh. Quá trình tăng cường tự chủ của các trường phải gắn với trách nhiệm giải trình, bảo đảm nguyên tắc công bằng đối với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo, và minh bạch với xã hội.

Về phía Bộ GD&ĐT, cần thường xuyên rà soát, đánh giá tác động của các quy định về tuyển sinh để kịp thời điều chỉnh nếu thực tiễn yêu cầu; cải tiến, nâng cấp phần mềm để việc thực hiện tuyển sinh của các trường ngày càng thuận lợi hơn; thúc đẩy các trường đầu tư vào các điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tuyển sinh.

Cảm ơn bà!

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.