Tuyển nữ VN vô địch SEA Games 29: Hy sinh thầm lặng của các cô gái vàng

Những cô gái vàng bóng đá nữ tại buổi giao lưu trực tuyến sáng ngày 31/8. Ảnh: Như Ý.
Những cô gái vàng bóng đá nữ tại buổi giao lưu trực tuyến sáng ngày 31/8. Ảnh: Như Ý.
TP - Ngày 31/8, tại Hà Nội, báo Tiền Phong tổ chức giao lưu trực tuyến với những cô gái vàng của bóng đá Việt vừa giành chức vô địch tại SEA Games 29 diễn ra ở Malaysia. Các nữ tuyển thủ đã có những chia sẻ về cuộc sống đời thường, những hy sinh thầm lặng để giành vinh quang về cho Tổ quốc.

Chân vàng sân cỏ, lấm bùn đồng quê

Gõ từ khóa “tiền vệ Tuyết Dung” tìm kiếm trên Google, chỉ trong tích tắc đã có gần 3 triệu kết quả. Nữ tiền vệ có dáng người mảnh, tóc cắt ngắn phong cách “tom boy” Nguyễn Thị Tuyết Dung (SN 1993, quê Bình Lục, Hà Nam) nổi danh với những pha đi bóng đột phá, dứt điểm kỹ thuật bằng cả hai chân. Dung từng lập kỷ lục thế giới với 2 bàn thắng từ chấm phạt góc ở hai cánh khác nhau trong một trận đấu tại giải Vô địch Đông Nam Á 2015; những pha độc diễn đẹp mắt và ghi bàn thắng quan trọng cho đội tuyển quốc gia…

Dung đến với bóng đá năm 13 tuổi khi trúng tuyển CLB Phong Phú Hà Nam và 5 năm sau liên tiếp tỏa sáng, giành nhiều danh hiệu. Để có thành công với nghiệp sân cỏ, cô đã khổ luyện rất nhiều, nhất là tập sút “hai chân như một” điều khiển trái bóng thuần thục, có uy lực, nhạy bén. Thần tượng của cô là C.Ronaldo. “Tôi có thể dứt điểm tốt cả bằng 2 chân và kỹ năng này tôi tập luyện và học theo thần tượng C.Ronaldo. Tôi rất thích phong cách của Ronaldo và muốn được chơi bóng giống như anh ấy”, Dung chia sẻ.

Sắc bén trên sân cỏ, Tuyết Dung cũng rất thuần thục công việc đồng áng. Sinh ra trong gia đình thuần nông, cô vẫn thường về quê Bình Lục để phụ bố mẹ cấy lúa, trồng rau mỗi khi rảnh rỗi. Cô chia sẻ, nhiều người thấy em ra đồng vẫn hay trêu tuyển thủ quốc gia mà cũng phải đi cấy. “Nhà tôi  có gần 2 mẫu ruộng. Mỗi lần về thấy bố mẹ ra đồng vất vả nên cũng muốn phụ giúp. Giúp được bố mẹ, tôi cũng thấy vui như khi được ra sân thi đấu và ghi bàn”, cô chia sẻ. Sau khi giành chức vô địch bóng đá nữ SEA Games 29, cô muốn dành chiến thắng và một phần tiền thưởng biếu bố mẹ.

Không có đêm tân hôn

Bị đứt dây chằng đầu gối đối diện nguy cơ từ giã sân cỏ khi đang sung sức, độ chín của sự nghiệp như Vũ Thị Nhung là cú sốc lớn. Vừa trở về sau khi giành HCV tại SEA Games 29, Vũ Thị Nhung (SN 1992, quê Hà Nội) kể thời điểm bị chấn thương đầu gối năm 2015 cảm thấy mọi thứ như sụp đổ, khóc nhiều và không muốn nói chuyện với ai. “Khi bị chấn thương, gia đình hai bên đều lo lắng tôi không thể thi đấu được nữa và khuyên giải nghệ để giữ gìn sức khỏe, tập trung chuyện chồng con, nhưng tôi vẫn rất muốn được ra sân. May mắn, tôi được chồng động viên rất nhiều và được hỗ trợ tài chính phẫu thuật”, Nhung nói. Để quay lại thi đấu, 6 tháng ròng Nhung kiên trì một mình thực hiện các bài tập hồi phục chấn thương.

Vũ Thị Nhung chia sẻ, từ ngày cưới đến nay, cả hai vợ chồng chưa một lần đi chơi riêng vì ngày thường cô phải tập luyện, đấu giải, cuối tuần lại lên lớp học chuyên ngành thể dục thể thao. “Tôi may mắn khi được sự thông cảm, động viên của chồng. Ngay cả đám cưới của chúng tôi cũng chẳng có đêm tân hôn. Khi đang đấu giải, tôi phải về quê để tổ chức đám cưới sớm hơn dự định vì gia đình bên chồng có việc. 4 giờ sáng từ TPHCM bay về nhà để làm lễ ăn hỏi, đến trưa nhà trai rước dâu, chiều tôi bay trở lại TPHCM để ngày hôm sau thi đấu nên chẳng có đêm tân hôn, hay đi trăng mật. Vợ chồng động viên nhau, sau giải nghệ thì đi trăng mật bù”, Nhung tâm sự.

Sau hai năm cưới, giờ đây vợ chồng cô vẫn kế hoạch chưa sinh em bé dù ông bà nội ngoại đều thúc giục. “Vợ chồng tính ít nhất phải hết năm sau khi tôi hoàn thành 4 năm học và tham gia đại hội thể thao của quốc gia 4 năm diễn ra một lần để cống hiến cho câu lạc bộ, cũng như ghi dấu mốc kết thúc sự nghiệp thi sân cỏ, việc học”, Nhung nói.

Tuyển nữ VN vô địch SEA Games 29: Hy sinh thầm lặng của các cô gái vàng ảnh 1 Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong trao thưởng cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam số tiền 600 triệu đồng từ Tập đoàn Tuần Châu. Ảnh: Như Ý.

Luôn nỗ lực hết mình

Tiền vệ Nguyễn Thị Liễu (SN 1992, quê Lý Nhân, Hà Nam), năm 14 tuổi, dù mẹ ngăn cản nhưng cô vẫn quyết tâm đăng ký dự thi, rồi trúng tuyển vào CLB Bóng đá nữ Hà Nam. 16 tuổi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Thời điểm Liễu được triệu tập vào đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam chuẩn bị vòng loại Asian Cup 2015 là lúc mẹ Liễu qua đời vì bệnh ung thư. Liễu chia sẻ: “Tôi biết tin mẹ mắc bệnh ung thư, không thể cứu chữa từ trước đó cả năm. Đau đớn và chán nản lắm nhưng rồi hai chị em động viên nhau phải cố gắng đứng lên để làm chỗ dựa cho mẹ. Mẹ mất, tôi cũng muốn ở nhà thật lâu để được thắp hương, lo bữa cơm cúng hằng ngày. Nhưng nhớ lời mẹ dặn phải cứng rắn sống, cố gắng tập luyện và thi đấu tốt, tôi chỉ xin ở nhà 3 ngày rồi lại lên đường”.

Những cô gái vàng của bóng đá Việt đã nén những niềm riêng để thi đấu và giành chiến thắng mang vinh quang về cho Tổ quốc, không phụ lòng mong đợi của người hâm mộ, người thân. Vũ Thị Nhung không quên giây phút cả đội chạnh lòng khi giành chiến thắng trong trận đầu ra quân gặp Philippines tại SEA Games 29. “Hôm đó, trận đấu của nữ trùng với tuyển nam. Sau khi giành chiến thắng trước Philippines nhìn lên khán đài chỉ có thành viên ban huấn luyện, tôi và đồng đội cảm thấy buồn một chút. Nhưng huấn luyện viên và các thành viên trong đội đều động viên nhau gái có công chồng không phụ và mỗi lần ra sân thi đấu lại nỗ lực hết mình giành chiến thắng”, Nhung nói.

Trao phần thưởng 600 triệu đồng

Phát biểu mở đầu buổi giao lưu trực tuyến với những “cô gái vàng” bóng đá Việt, nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong bày tỏ: Báo Tiền Phong rất vui mừng tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với các thành viên của đội tuyển bóng đá nữ vừa giành HCV tại SEA Games 29, đồng thời trao phần thưởng 600 triệu đồng của Tập đoàn Tuần Châu cho đội tuyển. Xin chúc mừng tập thể ban huấn luyện và tập thể các nữ cầu thủ đã giành được vinh quang tại kỳ SEA Games vừa qua.

“Hôm nay, chúng tôi mời các bạn đến giao lưu với bạn đọc để chia sẻ những khó khăn, vinh quang, những điều các bạn đã vượt qua trong hành trình để đi đến vinh quang. Bóng đá không dừng lại và luôn tiến lên. Chúc cho đội tuyển bóng đá nữ của chúng ta sẽ đạt được những thắng lợi mới, vinh quang mới, nhiều niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Chúc các cầu thủ tích cực phấn đấu, giành vinh quang ở nhiều cấp độ câu lạc bộ, cấp quốc gia”, nhà báo Lê Xuân Sơn nói.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.