Tuyên bố chung Việt - Nga có ý nghĩa lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TTXVN
TP - Chuyên gia Nga nhận định, Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga vừa được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua đã nêu ra những thông số thực chất về hợp tác song phương trong tương lai, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ hai nước.

Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh trực thuộc Trường Đại học tổng hợp quốc gia Saint Petersburg,GS Vladimir Kolotov, đánh giá ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng của Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga đến năm 2030 được hai nhà lãnh đạo thông qua tối 30/11 (giờ Nga). Chuyên gia Nga nhấn mạnh, Tuyên bố chung với 7 điểm quan trọng xác định những lĩnh vực công việc chung của hai nước trong thời gian tới.

Theo chuyên gia Kolotov, các phương hướng chính của hợp tác chiến lược Việt-Nga trong thời gian tới bao gồm: an ninh-quốc phòng, năng lượng, giáo dục-đào tạo, phát triển kinh tế và hợp tác trong các lĩnh vực nhân văn. Ông đánh giá cao tầm nhìn của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước về an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, đề cao thượng tôn luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.Ông khẳng định, việc duy trì môi trường hòa bình ở Biển Đông là vô cùng quan trọng, có hòa bình mới có phát triển ổn định.

Chuyên gia Kolotov nói: “Chúng ta đã có thời kỳ phục hưng quan hệ song phương vào những năm 2000, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lên nắm quyền. Trải qua 20 năm, tôi hoàn toàn tin tưởng vào thời kỳ phục hưng 2.0 đang bắt đầu. Chúng ta có mọi điều kiện để thực hiện các nội dung quan trọng của Tuyên bố chung này và từ đó củng cố sức mạnh của mỗi nước, nâng cao đời sống và hạnh phúc cho người dân hai nước”. Ông đánh giá cao nỗ lực của các nhà ngoại giao hai nước và các cơ quan chuyên môn trong việc hình thành một văn kiện có tính lịch sử trong quan hệ song phương Việt-Nga.

Trích dẫn câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đã hứa thì phải làm, làm thì nhất định phải được”, GS Kolotov tin tưởng hai nước sẽ sớm bắt tay triển khai toàn diện và hiệu quả Tuyên bố chung, góp phần đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

Đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột quan trọng

Tại buổi hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao đổi, thống nhất nhiều phương hướng và biện pháp quan trọng nhằm mở ra giai đoạn hợp tác mới, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga với tầm nhìn đến năm 2030.Tổng thống Putin khẳng định, Nga luôn coi Việt Nam là đối tác chiến lược hàng đầu tại khu vực.

Ngày 1/12, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin. Ông Volodin nhất trí với những đề xuất của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm lập pháp và giám sát giữa hai Quốc hội, và Ủy ban liên nghị viện cũng là cơ chế hợp tác song phương đặc biệt tại Duma Quốc gia Nga với Quốc hội Việt Nam…

Hai nguyên thủ đánh giá cao hợp tác quốc phòng-an ninh và khẳng định quyết tâm đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam-Nga. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, cũng như tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư song phương nhằm tạo đột phá mạnh mẽ trên các lĩnh vực hợp tác quan trọng này.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định, năng lượng, dầu khí tiếp tục là một trong những trụ cột chính của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước; nhất trí tiếp tục duy trì, mở rộng hoạt động của doanh nghiệp dầu khí Việt Nam tại Nga và doanh nghiệp dầu khí Nga tại thềm lục địa Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Hai bên hoan nghênh và tạo thuận lợi cho hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực cung cấp khí hóa lỏng, nhiệt điện-khí, năng lượng tái tạo...; đẩy nhanh dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, coi đây là một trong những dự án trọng điểm giữa hai nước thời gian tới.Hai bên đánh giá cao hợp tác tin cậy, thực chất, hiệu quả và toàn diện giữa Việt Nam và Nga trên các lĩnh vực truyền thống và tiềm năng như giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa, du lịch, thông tin-truyền thông...

Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về tình hình thế giới và khu vực. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ và đánh giá cao vai trò cường quốc và uy tín quốc tế ngày càng cao của Nga tại khu vực; khẳng định Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối hợp tác giữa Nga với ASEAN và các nước châu Á-Thái Bình Dương…

MỚI - NÓNG