'Tút' lại bánh trung thu từ đồ thừa... năm ngoái

'Tút' lại bánh trung thu từ đồ thừa... năm ngoái
TP - Ít ai biết được những chiếc bánh trung thu của cơ sở Hồng Hoa Đồng Khánh ở địa chỉ A 9/16, Võ Văn Vân, Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM ra lò đều được làm từ nguyên liệu tồn dư từ trung thu năm ngoái.

> Bánh trung thu cháy hàng

Bánh trung thu của cơ sở này được “tút” lại từ nguyên liệu rằm trung thu năm ngoái. Ảnh Cắt từ video do công an cung cấp - L.N
Bánh trung thu của cơ sở này được “tút” lại từ nguyên liệu rằm trung thu năm ngoái. Ảnh Cắt từ video do công an cung cấp - L.N.

10 ngày khi mùa trung thu 2012 bắt đầu, lực lượng chức năng phát hiện nguồn nguyên liệu như lạp xưởng, mứt bí, trái tắc, bột dẻo làm bánh trung thu đều được cất giữ lại từ năm trước.

Tại cơ sở này có 120kg lạp xưởng đã biến chất và rỉ nước do ẩm thấp, 60kg mứt bí, tắc không nhãn mác được “bảo quản” trong nhà gần 1 năm qua.

Chủ của cơ sở cho biết, năm ngoái còn tồn dư 2 tạ bánh trung thu do không bán được, sau đó đã cho vào kho chứa đông lạnh để cất giữ cho đến trung thu năm 2012.

Để tân trang loại bánh này, cơ sở Hồng Hoa Đồng Khánh lột bỏ phần vỏ bánh cũ, sau đó lấy nhân bên trong ra trộn với nguyên liệu và làm thành bánh mới xuất bán.

Không chỉ cơ sở ở Vĩnh Lộc B, hàng chục cơ sở làm bánh trung thu khác ở TPHCM sau mỗi mùa trung thu thường đẩy hàng tồn về các vùng nông thôn bán với giá rẻ hoặc “ủ” lại để “tái chế” cho mùa bánh năm sau.

Một nhân viên của tiệm bán bánh trung thu “dã chiến” trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 cho biết, ngày mai (17 tháng 8 Âm lịch) sẽ dỡ điểm bán bánh này và mang bánh về lại cho công ty.

Khi được hỏi bánh này lấy ở đâu, người bán hàng cho biết lấy của Kinh Đô, Đồng Khánh, Như Lan… “Chúng tôi bán ăn theo số lượng, bán bao nhiêu hưởng chế độ bấy nhiêu, thừa thì trả lại cho công ty. Tôi không biết sau đó họ làm gì với số dư này”- người này nói.

Đại diện thương hiệu bánh Kinh Đô cho biết năm nào cũng có kế hoạch và dự trù nguồn hàng nên bánh làm ra là tiêu thụ hết chứ không dư.

Nhiều đơn vị sản xuất bánh trung thu có thương hiệu khác cũng cho rằng “công ty đã bán hết bánh”. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, bánh tồn sau khi trung thu kết thúc vẫn còn với số lượng lớn.

Từ một tuần qua, một số đại lý bán bánh trung thu đã bán tháo bánh với giá chỉ 10-15.000 đồng/cái. Các cơ sở bán trung thu không có uy tín, nhỏ lẻ, làm bánh thủ công đưa ra các chợ bán sỉ với giá bèo. Không ít cơ sở gom hàng để chế biến cho mùa sau.

Tại cơ sở làm bánh trung thu Phổ Thiên D.K ở Hương lộ 2, Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, khi cơ quan chức năng đi kiểm tra, ngoài nguyên liệu còn lại từ năm ngoái, đoàn kiểm tra còn phát hiện nơi đây nhập 1,2 tấn mứt bí thu gom từ các nơi không nguồn gốc và đã sử dụng 800kg vào sản xuất bánh.

Thu hồi bánh ế

Theo khảo sát của phóng viên báo Tiền Phong, dịp Tết trung thu 2012, tại Hà Nội hầu hết các hãng bánh đều bán hết số lượng sản xuất.

Theo ông Đặng Văn Long (83 tuổi), chủ cửa hàng Long Vân. thường thì bánh trung thu các hãng đều sản xuất có hạn qua rằm sau 3-5 ngày.

“Nếu đến ngày rằm vẫn không bán hết thì chúng tôi sẽ thông báo cho phía công ty để họ đưa ra cách giải quyết. Nếu họ chịu lỗ thì mình bán, không thì họ sẽ chuyển đến địa điểm khác. Trường hợp, bánh tồn đọng quá nhiều, các công ty thường mang về bán rẻ hoặc phân phát cho công nhân của nhà máy” - ông Long cho biết thêm.

Chị Trịnh Thị Yến (35 tuổi), chủ cửa hàng tạp hóa Yến Trang (36 Kim Giang, Thanh Xuân) cho biết, mùa trung thu năm nay, cửa hàng nhập bánh trung thu với tổng số tiền lên tới hơn 100 triệu đồng.

Cũng theo chị Yến, thường thì các công ty sản xuất bánh trung thu có thời hạn sử dụng từ 15-20 ngày tính từ ngày sản xuất. Do vậy, khi nhập hàng, cửa hàng luôn phải tính toán, ước lượng và khảo sát thị hiếu tiêu dùng của khách hàng để nhập hàng về bán.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.