Turkmenistan xây biển hồ trên sa mạc

Turkmenistan xây biển hồ trên sa mạc
TP - Tổng thống Turkmenistan Berdymukhamedov vừa cắt băng khánh thành một phần hệ thống đường ống dẫn nước vào biển hồ nhân tạo trên sa mạc Karakum - một trong những dự án được coi là tham vọng và lớn nhất thế giới.
Turkmenistan xây biển hồ trên sa mạc ảnh 1

Một đoạn kênh dẫn nước vào biển hồ nhân tạo trên sa mạc Karakum  
Ảnh: BBC

Ở Turkmenistan, sa mạc chiếm hơn 80 phần trăm tổng diện tích lãnh thổ. Để làm sống lại miền đất sa mạc, Turkmenistan chi 20 tỷ USD cho việc xây dựng một biển hồ ở giữa sa mạc giúp cải tạo môi trường và tăng diện tích canh tác.

Dự án này gồm một biển hồ nhân tạo rộng lớn mang tên Hồ Thời đại Vàng và một hệ thống nhiều đường ống và kênh dẫn nước cách xa biển hồ hàng ngàn kilômét đổ vào biển hồ.

Nước dẫn vào biển hồ được lấy từ nguồn nước thủy lợi thừa của các cánh đồng trồng bông, nước từ các con sông suối và nước mưa.

Tổng thống Berdymukhamedov tin rằng, khi có nước ngọt dẫn được vào biển hồ, cây cối sẽ mọc lên tại vùng đất sa mạc và động vật hoang dã sẽ sinh sôi nảy nở ở vùng đất ven hồ.

Chính phủ Turkmenistan nói trên website của mình rằng, dự án này sẽ đi vào lịch sử như những trang chói lọi nhất.

Dự án xây dựng Hồ Thời đại Vàng được khởi công từ năm 2000, xây dựng hai đường kênh dẫn nước chính chạy ngang lãnh thổ Turkmenistan. Nhiều đường ống khác sẽ lấy nước từ các nguồn khác nhau đổ về biển hồ trên sa mạc. Trong hồ nước sẽ gây giống những thực vật giúp xử lý nguồn nước trở nên sạch hơn.

Các nhà môi trường học cho rằng, cần phải mất nhiều năm mới có thể đổ đầy nước vào biển hồ có diện tích bề mặt 2.000 km2 này. Các chuyên gia thổ nhưỡng lo ngại, nước sẽ bị thấm hết xuống đất sa mạc vì vùng đất này bị khô từ lâu nên có sức thẩm thấu kinh khủng.

Khi nước bay hơi, đất còn lại trở nên mặn hơn nên không loại trừ khả năng biển Hồ Thời đại Vàng sớm trở thành một biển chết thứ hai trên thế giới.

Hơn nữa, trong quá trình nước được dẫn từ xa tới, lượng nước bị bay hơi là rất lớn vì nhiệt độ môi trường ở sa mạc luôn rất cao.

Việc xây dựng biển hồ nhân tạo ở sa mạc Karakum là một quyết định táo bạo nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn.

Việc Turkmenistan lấy nước ngọt từ sông Amu Darya gần biên giới với Uzbekistan để dẫn vào biển hồ này có thể dẫn đến xung đột lợi ích với Uzbekistan, vì người Uzbek phụ thuộc nhiều vào nguồn nước của sông Amu Darya để làm nông nghiệp.

Nước ngọt là nguồn tài nguyên quí hiếm ở Trung Á. Hạn hán và việc khai thác cạn kiệt nguồn nước trong nhiều thập kỷ qua khiến lượng nước trong biển hồ tự nhiên Aral Sea ở phía bắc Trung Á đã bị giảm khoảng 90 phần trăm so với trước đây.

Dưới thời cố Tổng thống Niyazov, Turkmenistan nổi tiếng vì có những công trình xây dựng khổng lồ và kỳ lạ. Chính Tổng thống Niyazov đưa ra sáng kiến xây dựng Hồ Thời đại Vàng ở sa mạc Karakum.

Tổng thống Niyazov qua đời năm 2006, ông Berdymukhamedov lên cầm quyền cam kết không đi lại vết xe của người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, chính Tổng thống Berdymukhamedov cũng đích thân phê duyệt các dự án trị giá một tỷ USD xây dựng ở thủ đô Askhkhabad gồm một khách sạn năm sao, nhiều tòa nhà chính phủ đồ sộ, một sân vận động mới và một lâu đài hạnh phúc cho các đôi lứa tổ chức đám cưới. 

Đ.P
Theo BBC

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.