> Sự thật về tượng Phật "sắc dục" xôn xao dư luận
Trước những dư luận về bức tượng Phật "lạ" mang nhiều màu sắc sắc dục gây tranh cãi trong thời gian qua, phóng viên đã trao đổi qua email với giáo sư nghiên cứu tôn giáo chuyên về Phật giáo Tây Tạng và Ấn Độ thuộc Đại học Marburg (Đức), bà Adelheid Herrmann-Pfandt, về bức tượng này.
Vị nữ giáo sư, tiến sĩ có 35 năm nghiên cứu và có nhiều công trình về Mật tông nhận xét bức tượng trong ảnh là hình tượng “yab-yum” (cha - mẹ) phổ biến trong tông phái Mật tông của Phật giáo song bà cũng chỉ ra những nét khác biệt khó thấy gợi ý tác giả của bức tượng có thể là người phương Tây.
* Xin giáo sư giải thích về hình tượng “yab-yum” trong Mật tông?
- Giáo sư Adelheid Herrmann-Pfandt: Yab-yum là từ Tây Tạng và có nghĩa đơn giản là cha - mẹ. Đây là từ thường dùng miêu tả Đức Phật và các vị Phật khác trong tư thế hợp nhất. Tiếng Phạn của từ yab-yum là yuganaddha nghĩa là “gắn kết”, yuga có liên hệ với yoga, từ tiếng Phạn chỉ “cái ách” và là cách tu tập tinh thần nổi tiếng của Ấn Độ, vốn cũng được đạo Phật sử dụng, với mục đích rèn luyện tâm trí như một cái ách điều khiển bò, ngựa kéo cày hoặc kéo xe.
Do đó, từ yuganaddha làm sáng tỏ thực tế rằng yab-yum biểu tượng cho một cách tu tập tôn giáo KHÔNG hướng đến mục đích phóng đãng tính dục hoặc các kiểu tương tự mà bao gồm một phương pháp hành thiền đặc biệt.
Phương pháp này khác với các hình thức khác của cấp độ yoga bởi nó sử dụng các năng lượng quan trọng vượt ra ngoài bản năng giới tính.
Nghe có vẻ vô lý khi một hình tượng thể hiện tư thế sắc dục đại diện cho một cách tu tập tôn giáo nhằm mục tiêu rèn luyện tâm trí. Tuy nhiên, có hai lý do khiến hình tượng này được chọn:
1. Yab-yum không có nghĩa là tu tập một loại hình đặc biệt của bản năng tính dục của chính bạn như một người thực hành song là tạo ra việc sử dụng có kiểm soát các năng lượng mà - trong cách không kiểm soát - vốn đã có tác dụng với hoạt động tính dục thông thường. Nghĩa là nó giống như lấy nước từ một thác nước và dẫn nó đi qua một ống nước để sử dụng trong nhà hoặc cấp nước cho các cánh đồng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cách thực hành Kim Cang thừa thường được tiến hành với một đối tác, nó chủ yếu là cách tu tập một mình. Ngày nay, hầu hết mọi người trên thế giới tu tập hình thức thiền này là các nhà sư hoặc ni cô, những người được cho là không phá vỡ sắc giới, một số người tu tập là người trong gia đình và ngay cả những người này cũng không tập trung vào bản năng tính dục hơn những người khác.
2. Một trong những lý do quan trọng cho việc sử dụng biểu tượng sắc dục là thiền định Kim Cang thừa, giống mọi hình thức khác tôn giáo bí truyền trên thế giới, hướng đến sự trải nghiệm bí ẩn bên trong của sự hợp nhất, của sự nhất thể. Các tôn giáo hữu thần gọi đây là sự hợp nhất giữa thần thánh và con người, những tôn giáo khác, như Ấn Độ giáo là sự hợp nhất giữa linh hồn cá nhân (atman) với linh hồn vũ trụ (brahman) trong khi Phật giáo Kim Cang thừa nói về sự hợp nhất giữa trí tuệ và hư vô hoặc trí tuệ và từ bi, ví dụ như khía cạnh thụ động và chủ động của việc tu tập tôn giáo. Bởi hoạt động tính dục rõ ràng mang lại hình thức phi tôn giáo mãnh liệt nhất của sự hợp nhất mà con người có thể trải nghiệm, “những người khai sinh” Phật giáo Kim Cang thừa thấy rằng đây là biểu tượng thích hợp nhất về những gì xảy ra trong sự hợp nhất bí ẩn của tinh thần. Đây có lẽ là lý do sâu xa nhất cho việc phát triển ý tưởng và tạo ra hình tượng Đức Phật trong tư thế tính dục.
* Liệu bức tượng có thể được chấp nhận trong Phật giáo?
- Giáo sư Adelheid Herrmann-Pfandt: Điều này phụ thuộc vào việc bạn theo tông phái Phật giáo nào. Khi Phật giáo Kim Cang thừa bắt đầu sử dụng biểu tượng sắc dục ở Ấn Độ, nhiều phật tử cũng phản ứng giống với cách những người ở nước bạn dường như đã phản ứng với bức tượng đó.
Tuy nhiên, hãy nhìn vào người Tây Tạng, những người đã trở thành người thừa kế chủ đạo của Phật giáo Kim Cang thừa Ấn Độ và của những cách tu tập đặc biệt đó, sau khi Phật giáo suy tàn ở Ấn Độ vào khoảng năm 1.200 sau Công nguyên: thực tế rằng Tây Tạng là khu vực bị đàn án duy nhất trên thế giới không thành lập một tổ chức khủng bố, theo ý kiến của tôi, có một lý do và đó là đạo đức Phật giáo, vốn dạy họ cách thể hiện lòng trắc ẩn ngay cả với những kẻ làm việc ác và ngăn cản họ giết người khác bừa bãi... Xét đến việc này, bạn có thể thấy hình thức Phật giáo hướng đến những hình ảnh sắc dục của Đức Phật không nhất thiết là hình thức suy đồi.
Có ba điều khác lạ về bức tượng đồng này: 1) Người nữ có vẻ như lớn hơn so với các hình ảnh Tây Tạng mà tôi sử dụng trong các nghiên cứu của mình. 2) Hình dạng ngực trái của người nữ khá khác thường, thông thường bạn sẽ thấy nó nhỏ hơn và ít nhọn hơn. 3) Tư thế kiết già của vị Phật cũng khá bất thường, thông thường các ngón cái của nhân vật này chụm lại trong các hình ảnh kiết già của Phật giáo Tây Tạng. Ba chi tiết đó có thể gợi ý rằng nhân vật không phải được tạc bởi một nghệ sĩ Tây Tạng hoặc Nepal, những người vốn quen thuộc với hình thức này, mà là một người phương Tây, người có lẽ có xu hướng bình đẳng nam nữ và không muốn miêu tả một người nữ nhỏ hơn nhiều so với vị Phật. | ||
Giáo sư Adelheid Herrmann-Pfandt | ||
Có một giai đoạn ngắn trong Phật giáo Tây Tạng vào thế kỷ thứ 10 và 11, khi một số người ở Tây Tạng tin rằng việc tu tập với hình tượng sắc dục sẽ cho phép họ nuông chiều bản năng tính dục một cách bừa bãi và tham gia vào mọi hình thức truy hoan suy đồi. Tuy nhiên, một vị quốc vương mộ đạo cai trị phía tây Tây Tạng vào lúc đó đã mời đại sư Atisha (A Đề Sa, 982 - 1.054), một đại sư Phật học nổi tiếng người Ấn Độ, giúp ông giải quyết vấn đề này. Atisha đến và dạy các phật tử Tây Tạng cách hiểu những hình ảnh đó như là biểu tượng của những gì xảy ra trong việc hành thiền Kim Cang thừa của bản thân và biểu tượng này không xúi giục các nhà sư hoặc ni cô phá vỡ sắc giới mà mang lại phương pháp sử dụng năng lượng khổng lồ ẩn giấu trong năng lượng tính dục (theo tự nhiên vốn cũng mạnh mẽ ở các nhà sư và ni cô như bất kỳ ai) để đạt đến mục đích giác ngộ nhanh hơn.
Từ đó trở đi, Phật giáo Kim Cang thừa ở Tây Tạng chủ yếu tu tập trong các ngôi chùa và am, và thậm chí những người tu tập yoga ở Tây Tạng, vốn không bị cấm đoán sắc dục, cũng thường sống ẩn dật tại những ngọn núi.
Dĩ nhiên, trong lịch sử Phật giáo Kim Cang thừa, có một số người tu tập nghiêm túc đã trải nghiệm cách tu tập với một đối tác thật sự, ở Ấn Độ và Nepal cũng như tại Tây Tạng hay bất kỳ nơi đâu. Chỉ cần bạn không phải là người tuân theo sắc giới, Phật giáo Kim Cang thừa xem điều này là có thể, ít nhất về lý thuyết, để đạt được kết quả tinh thần cùng mức độ hoặc thậm chí tốt hơn bằng cách tập chung một cặp.
Đó không phải là trải nghiệm một mối quan hệ nhất định về sự tương đồng giữa tình yêu lãng mạn và tôn giáo, giữa sự bí ẩn và hợp nhất tính dục mà theo một cách nào đó bao gồm trong kiến thức thiêng liêng của mọi tôn giáo. Song theo các đại sư Phật giáo Tây Tạng nói, sự nguy hiểm của việc ngã từ cảm hứng tôn giáo của một người tu tập Kim Cang thừa xuống bản năng khao khát thỏa mãn sắc dục bẩm sinh của mọi người trong chúng ta là quá lớn với hầu hết mọi người. Khi tôi bắt đầu nghiên cứu Phật giáo Kim Cang thừa hơn 35 năm trước, khi còn là một sinh viên trẻ, tôi sớm có cảm giác rằng vì sự khó khăn đặc biệt của việc phát triển định tính để tránh cú ngã này, việc tu tập Kim Cang thừa theo cặp thực tế có lẽ trở thành hình thức cao nhất có thể hình dung về sự khổ hạnh. Do đó, ngay cả khi thời nay có một số ít người tu tập Kim Cang thừa có theo đuổi việc tu tập hai người, đây là thói quen không được khuyến khích bởi các đại sư Phật giáo Tây Tạng hàng đầu.
Cách đây vài năm, khi Đạt Lai Lạt Ma hiện thời (người, với tư cách là phật tử Tây Tạng, tu tập hàng ngày với các hình ảnh giống như hình ảnh bạn gửi cho tôi) được hỏi liệu có đại sư Tây Tạng nào đủ tiêu chuẩn để giảng dạy về cách tu tập Kim Cang thừa hai người, ông chỉ đơn giản nói: "Không!”.
* Vậy các hình ảnh đó xuất xứ từ đâu, thưa giáo sư?
- Giáo sư Adelheid Herrmann-Pfandt: Xuất xứ của những hình ảnh đó là Phật Giáo Kim Cang thừa Ấn Độ. Những hình ảnh loại này ở Ấn Độ có từ khoảng thế kỷ thứ 11 song ý tưởng về nó ít nhất có từ thế kỷ thứ 7 hoặc thứ 8. Khi Phật giáo Kim Cang thừa du nhập vào Tây Tạng từ Ấn Độ vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9 và một lần nữa vào thế kỷ thứ 10 và 12, hình tượng này đã được mang theo. Nó được phát triển hoàn hảo trong nhiều thế kỷ ở Tây Tạng và gần như có mặt tại khắp nơi trên các bích họa và tượng tại các đền chùa Tây Tạng.
Bức ảnh bạn gửi cho tôi dứt khoát là Phật giáo Tây Tạng và có lẽ được tạc ở một nước châu Á có sự ảnh hưởng văn hóa Phật giáo Tây Tạng (Nepal, Bhutan, vùng Himalaya ở Ấn Độ) hoặc ở phương Tây. Ngày nay, bạn có thể tìm thấy một số phật tử phương Tây học cách vẽ và tạc những bức tượng nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng kinh điển.
Tuy nhiên, có ba điều khác lạ về bức tượng đồng này: 1) Người nữ có vẻ như lớn hơn so với các hình ảnh Tây Tạng mà tôi sử dụng trong các nghiên cứu của mình. 2) Hình dạng ngực trái của người nữ khá khác thường, thông thường bạn sẽ thấy nó nhỏ hơn và ít nhọn hơn. 3) Tư thế kiết già của vị Phật cũng khá bất thường, thông thường các ngón cái của nhân vật này chụm lại trong các hình ảnh kiết già của Phật giáo Tây Tạng.
Ba chi tiết đó có thể gợi ý rằng nhân vật không phải được tạc bởi một nghệ sĩ Tây Tạng hoặc Nepal, những người vốn quen thuộc với hình thức này, mà là một người phương Tây, người có lẽ có xu hướng bình đẳng nam nữ và có thể không muốn miêu tả một người nữ nhỏ hơn nhiều so với vị Phật. Song đây chỉ là ý kiến riêng của tôi và có thể không đúng, bởi tôi không chuyên về các phong cách nghệ thuật mà chỉ về hình tượng.
* Đây đơn giản là một loại hình nghệ thuật hay là một trường phái Phật giáo?
- Giáo sư Adelheid Herrmann-Pfandt: Phật giáo Kim Cang thừa hoặc Mật tông, như đôi khi thường được gọi, được xem là một phái thuộc Phật giáo Đại thừa bởi những người khai sinh Ấn Độ cũng như những người thừa kế Tây Tạng. Phật học phương Đông và phương Tây thường biết về ba giai đoạn trong lịch sử Phật giáo: Phật giáo nguyên thủy (từ Tiểu thừa - Hinayana, thường tránh dùng vì nó mang tính chê bai), Đại thừa - Mahayana, và Mật tông. Phật tử Tây Tạng tu tập Đại thừa và Mật tông. Nhiều nhà sư Phật giáo Tây Tạng và ni cô dành nhiều năm học chuyên sâu về kinh văn và luận thuyết Đại thừa trước khi bắt đầu học Kim Cang thừa
Các đại sư Kim Cang thừa Tây Tạng khuyên bạn không nên tu tập Kim Cang thừa trước khi có đủ định tính dành cho nó. Việc gia tăng các năng lượng tính dục trong cơ thể không chỉ để họ không hành động ra ngoài khuôn khổ như những người luyến ái thông thường mà để chuyển hóa, kiểm soát và “tinh thần hóa” chúng là chuyện hết sức nhạy cảm, một số người thậm chí xem nó nguy hiểm, giống như thác nước trong ví dụ mà tôi đã nói trên. Nên việc thực hành rèn luyện tinh thần, phát triển lòng trắc ẩn dưới mọi tình huống có thể và ổn định tâm trí là điều quan trọng để bắt đầu con đường này.
Với tên gọi “Shington” và “Tendai”, Kim Cang thừa hoặc Mật tông cũng được tu tập ở Nhật, dù người Nhật chưa bao giờ chấp nhận hoàn toàn biểu tượng sắc dục và do đó không giới thiệu nó trong hình thức nghệ thuật Phật giáo bí truyền. Dó đó, quả thực bạn có thể nói thuật miêu tả yab-yum là một loại hình nghệ thuật, loại hình đặc biệt mô tả các ý tưởng tôn giáo trong hình thức nghệ thuật.
* Loại hình này có phổ biến ở các nơi khác trên thế giới?
- Giáo sư Adelheid Herrmann-Pfandt: Các hình ảnh yab-yum được sử dụng bất kỳ nơi đâu có người theo Phật giáo Tây Tạng, ở Tây Tạng và khu vực xung quanh (Nepal, Bhutan, Bắc Ấn Độ, Trung Quốc, Mông Cổ…) hoặc ở phương Tây. Đặc biệt, khi người Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng và khoảng 100.000 người Tây Tạng, gồm cả Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi nơi đây như những người tị nạn và mang trường phái Phật giáo của họ đến bất kỳ nơi đâu họ đặt chân đến. Các cộng đồng Phật giáo Tây Tạng lớn nhỏ được thành lập hầu như ở mọi nước phương Tây dưới sự ảnh hưởng của các đại sư Phật giáo Tây Tạng lưu vong, thậm chí ở những nơi như Brazil hoặc Chile.
Tôi đoán tổng cộng phải có ít nhất vài triệu người phương Tây cải sang Phật giáo Tây Tạng. Lý do chủ yếu của họ không phải là hy vọng có các cuộc phiêu lưu tính dục trong hình thức đặc biệt này mà là, một mặt vì tư tưởng tự do tôn giáo mà nhiều đại sư Tây Tạng đấu tranh, và mặt khác, là cơ hội có được cách tập luyện bài bản một trong những con đường tinh thần tiến bộ nhất trong lịch sử tôn giáo. Tôi nói với tư cách một người không theo đạo Phật, tuy nhiên là người nhận thức được thực tế rằng cả hai điều này đã dần biến mất khỏi các giáo hội Thiên Chúa giáo ở phương Tây trong một thời gian dài.
Tôi không nên tránh né thực tế rằng cũng có một phong trào nhất định của những người ở phương Tây, những người, theo ý kiến của tôi, hiểu nhầm mục đích tôn giáo của Kim Cang thừa và sử dụng nó như cách thực hành tính dục dưới mọi hình thức mà họ khoác lác là “thuộc về tôn giáo”. Song sự liên hệ giữa chuyện này (mạo danh tôn giáo) với tôn giáo cũng chẳng nhiều nhặn gì hơn sự liên hệ giữa một tiệm mát xa ở khu đèn đỏ tại Đức hoặc Thái Lan hoặc có thể thậm chí là ở cả nước bạn với việc chăm sóc sức khỏe.