Chiều 7/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Công an Nhân dân sửa đổi. Đồng tình với sự cần thiết bỏ mô hình tổng cục, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Tới cho rằng, điều này đáp ứng yêu cầu thực tế khi bỏ cấp trung gian.
Chẳng hạn ở địa phương khi có vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, tỉnh phải báo cáo lên Tổng cục Cảnh sát, hoặc Tổng cục an ninh, rồi mới báo cáo về bộ. Phải qua cấp trung gian như vậy sẽ rất chậm.
Đối với lực lượng công an xã, ông Tới thống nhất với quy định công an xã là lực lượng chính quy. Bởi với tình hình tội phạm, thế lực thù địch, khiếu kiện đông người, hay việc quản lý hộ khẩu, hộ tịch… nên vai trò của lực lượng công an địa phương rất quan trọng.
Tuy nhiên, theo ông Tới, vấn đề khó khăn gặp phải là 8 nghìn công an xã không biết đi về đâu, mặc dù họ đã gắn bó mấy chục năm, giờ bỏ rất chạnh lòng. Bên cạnh đó lại bị vênh nhau giữa lực lượng quân sự với công an cấp xã, rồi công an thì chính quy, còn quân đội lại không chuyên nghiệp, chính quy.
Giải quyết vướng mắc này, ông Tới đề nghị, với người lớn tuổi, có nhu cầu về thì giải quyết chính sách thỏa đáng, còn nếu vẫn trong độ tuổi (dưới 30) thì nên đưa vào chính quy, hoặc chuyển cho các ban ngành cấp xã.
Về cấp hàm, ông Tới đồng tình với quy định Bộ trưởng Công an hàm Đại tướng, Giám đốc Công an Hà Nội, TPHCM hàm trung tướng. Nhưng ông không thống nhất quan điểm 11 tỉnh khác thiếu tướng, các tỉnh còn lại hàm đại tá. Bởi việc xác định các tiêu chí rất khó, mặt khác còn gây bất hơn lý trong công tác luân chuyển cán bộ.
Chẳng hạn các cục trưởng đang hàm tướng, khi luân chuyển thì chỉ có thể về 11 tỉnh được cấp thiếu tướng. Còn luân chuyển về các địa phương chỉ có hàm đại tá lại không được, chẳng lẽ lại…“lột cầu vai xuống”. Từ đó, ông Tới đề nghị tất cả Giám đốc Công an tỉnh còn lại đều được phong thiếu tướng.
Để đảm bảo tương xứng giữa công an với quân đội, ông Tới đề nghị sửa luật sỹ quan cho phù hợp.
Đồng tình với chủ trương chính quy hóa lực lượng công an xã, song ĐB Vương Ngọc Hà (Hà Giang) bày tỏ băn khoăn khi theo báo cáo của Chính phủ thì hiện nay có tới 8.516 xã chưa được bố trí công an chính quy cùng với lực lượng trưởng công an xã, phó trưởng công an xã và công an viên bán chuyên trách tại các xã này.
ĐB tỉnh Hà Giang cho rằng, cần phải có sự đánh giá tác động cụ thể đối với các đối tượng chịu sự ảnh hưởng của chính sách này mà cụ thể là trưởng, phó công an xã và công an viên.
"Cần có lộ trình để Chính phủ tiếp nhận lực lượng này" - bà Hà nói và cho rằng, đây là vấn đề cần phải tính toán. Bên cạnh đó, ĐB cũng băn khoăn: việc đưa 25.000 công an chính quy về cơ sở thì lực lượng công an chính quy tại các phòng, ban chức năng có bị hổng về lực lượng hay không. Chúng ta quyết tâm thực hiện nhưng phải đánh giá kỹ càng.
Về quy định cấp hàm cao nhất của giám đốc công an tỉnh, thành phố thuộc loại đơn vị hành chính loại 1 (điều 26 dự thảo luật) ĐB Hà cho rằng, quy định như vậy là chưa đủ vì nhiều tỉnh không được phân loại là đơn vị hành chính kinh tế loại 1 nhưng lại có vị trí cực kỳ quan trọng về chiến lược an ninh trật tự. Bà Hà đề xuất lấy tiêu chí là các địa bàn chiến lược về an ninh trật tự chứ không nên quy định như dự thảo luật.