Tượng đài Thái Thanh trong lòng đồng nghiệp

Tượng đài Thái Thanh trong lòng đồng nghiệp
TPO - Thái Thanh có một chỗ đứng riêng biệt như một giọng hát đặt nền móng cho lịch sử tân nhạc Việt. Khánh Ly cho rằng duy nhất Thái Thanh mới xứng đáng được xưng tụng là diva của Việt Nam. 

Lệ Thu cũng từng phát biểu: “Chúng tôi không là những giọng hát vượt thời gian được, nếu nói vượt thời gian chỉ duy nhất dành cho danh ca Thái Thanh mà thôi!"

Tượng đài Thái Thanh trong lòng đồng nghiệp ảnh 1 Danh ca Thái Thanh (1934-2020)

Năm 1969 Khánh Ly mở phòng trà QueenBee và mời Thái Thanh làm nòng cốt, cùng lúc đó Thái Thanh cũng là vedette tại phòng trà Đêm Màu Hồng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương- anh ruột của bà. Những bài hit của Thái Thanh lúc bấy giờ là Kỷ vật cho em, Mùa thu chết, Ngậm ngùi, Nửa hồn thương đau

“Đừng nói gì là khán giả, đến chúng tôi còn mê nữa,” Khánh Ly kể. “Lũ chúng tôi lúc đó còn trẻ lắm, nghịch ngợm chẳng ai bằng. Cô Thái Thanh lại rất thương chúng tôi nên chỉ mắng yêu mà thôi. Ở phòng trà tôi, giờ của cô Thái Thanh là giờ đỉnh. Cô rất đúng giờ và đến là hát, xong là đi. Ít khi cô ngồi lại trò chuyện. Tụi tôi chỉ đợi có thế để được nghe những bài mình thích. Thế là không nhường khán giả, tụi tôi mạnh đứa nào nấy hét: ‘Cô ơi Ngậm rồi Đau rồi Chết!’ Tức là Ngậm ngùi, Nửa hồn thương đau, Mùa thu chết. Đêm nào tụi tôi cũng trù tréo lên như thế, mà khán giả cũng rất là hoan hô. Hát xong cô khẽ khàng đi xuống tủm tỉm điểm mặt chúng tôi: ‘Chúng mày quá lắm nhé! Bộ hát cho chúng mày à…” Cô nói xong lại nhẹ nhàng cười hạnh phúc, cầm cái ví nhỏ bước đi. Cho đến bây giờ, chúng tôi mỗi lần gặp nhau lại nhắc kỷ niệm này và những ngày tháng tới sẽ còn nhắc mãi rồi cùng nhau cười và chảy nước mắt. Ngọc Minh ơi, Hồng Vân ơi, Lan Ngọc ơi, cô Thái Thanh đâu rồi?!”

Những lúc loạn lạc khó khăn, đến tháng thiếu tiền Khánh Ly phải xin khất Thái Thanh. “Bà chỉ cười nói, không sao. Bà thương và khen tôi vẫn bình tĩnh cười vui trong hoàn cảnh khó khăn: ‘Mày giỏi lắm con!’”- Khánh Ly nhớ lại.

Tượng đài Thái Thanh trong lòng đồng nghiệp ảnh 2  Đức Tuấn "diện kiến" Thái Thanh tại Mỹ

Đức Tuấn kể trong một lần lưu diễn ở Mỹ đã tới thăm Thái Thanh khi đó sống ở trong căn hộ riêng dành cho người cao tuổi: “Lúc tôi lớn bắt đầu đi hát, cô đã không chịu hát nữa rồi. Tôi hỏi cô sao không xuất hiện lại. Cô trả lời: ‘Xuất hiện lại thì phải đẹp và hay. Một khi không còn đẹp còn hay nữa thì thôi.’”

Thái Thanh là thần tượng số một của Đức Tuấn. Anh khẳng định cách lựa và xử lý bài hát thời kỳ đầu của mình có ảnh hưởng Thái Thanh. Anh nhận thấy tuy cùng luyến láy nhiều, nhưng trong khi giọng Ý Lan rất nữ tính thì Thái Thanh ngược lại. “Trên sân khấu cũng vậy, cô rất chủ động, vẫn nam tính tuy rất đẹp, tướng tá sang trọng, ăn nói rất có duyên. Cái đùa của cô rất tế nhị, không bao giờ kể những chuyện cười thuần túy. Lúc nào cô cũng thể hiện một cái tầm rất khác trên sân khấu. Giống như đã sinh ra trong gia đình quý tộc thì thời cuộc thế nào, cuộc sống khó khăn hay đầy đủ thì kiểu gì cũng vẫn giữ được phong thái quý tộc đó.”

Đồng Lan biết tin Thái Thanh qua đời trong hoàn cảnh đặc biệt: “Lúc này đây, ngồi trong nhà, cách ly với dịch bệnh giữa lòng Paris mà bên tai như văng vẳng câu hát, cách hát không thể lẫn: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời...." Đồng Lan chưa được gặp Thái Thanh nhưng lại có duyên đóng giả Thái Thanh trong một dự án âm nhạc của Đàm Vĩnh Hưng.

“Được anh tin tưởng lựa chọn để thể hiện hình tượng cô Thái Thanh. Quả là một vinh dự nhưng cũng là khó khăn vì ở cô có một thần thái rất khác biệt, người ta hay gọi là thứ hào quang bao trùm chỉ những người có một nội tại đăc biệt mới có,” Đồng Lan chia sẻ.

“Không hiểu sao lúc nghiên cứu hình ảnh về cô, tôi cứ cảm thấy có một mùi thơm nhè nhẹ. Xem hình mà ngửi thấy mùi của hoa bưởi, nước hương nhu, mùi đậm đà đằm thắm của người đàn bà gốc Hà thành, sâu sắc, sang trọng, hào hoa và một chút đáo để. Vì chưa gặp bao giờ nên tất cả cảm giác đó chỉ là cảm nhận rất cảm tính.”

 
Tượng đài Thái Thanh trong lòng đồng nghiệp ảnh 3  Đồng Lan thể hiện hình ảnh Thái Thanh trên bìa album của Đàm Vĩnh Hưng
 Đàm Vĩnh Hưng thì tự mình ra chợ An Đông, mang theo điện thoại với các hình ảnh của Thái Thanh để tìm lùng cho bằng được vải áo dài có hoa văn đó. “Bộ ảnh của anh em tôi được chị Ý Lan khen ngợi nhưng tôi vẫn biết giọng ca huyền thoại Thái Thanh chỉ có một, một ảnh hình đã đi vào lịch sử của âm nhạc Việt Nam, trải qua những biến cố thăng trầm. Tượng đài Thái Thanh mãi sống!”

Thái Thanh từng trả lời trong bài phỏng vấn năm 2002 của tác giả Đỗ Tiến Đức: “Tôi nhớ hình như ca sĩ Khánh Ly, có lần người ta hỏi cô là Thái Thanh ăn kiêng cữ thế nào mà lại hát hay thế. Khánh Ly mới chọc người ta. Cô ấy bảo: ‘Tôi ở gần Thái Thanh, tôi thấy buổi ăn sáng, bà ấy không nhai đâu, bà ấy nuốt. Cơm tẻ hay xôi gì cũng không nhai. Nuốt để cho nó sạch trong cổ họng. Thế là có cô tin lời Khánh Ly, về ăn cũng không nhai, cứ nuốt thôi. Nuốt một ít lâu rồi hỏi: ‘Tôi đã nuốt, không nhai cơm, mà sao giọng tôi chưa hay?’ Khánh Ly trả lời: ‘Cứ nuốt nữa đi…’” Khánh Ly khẳng định mình không phải là nhân vật bày trò đùa trong câu chuyện của Thái Thanh. Nhiều khả năng đây chỉ là giai thoại để nói lên sự quý hiếm khiến nhiều người thèm muốn của giọng hát Thái Thanh.

Tượng đài Thái Thanh trong lòng đồng nghiệp ảnh 4 Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh sinh ra tại Hà Nội, trong gia đình có truyền thống cổ nhạc. Bố bà chơi đàn tranh, bầu, nhị và sáo, trong khi mẹ bà chơi tỳ bà và hát ca trù. Bạn bè của bố bè thường mang các bài thơ của họ đến cho mẹ bà hát. Các anh của bà Phạm Đình Chương, Phạm Duy (anh rể) đưa bà đến với tân nhạc. Thái Thanh từng kể: “Nhạc lý cũng như xướng âm tôi đã phải đặt mua sách từ bên Pháp, theo đó tự học, có gì khó thì hỏi anh Phạm Đình Chương. Anh Chương là thầy dạy tôi. Anh có lần nói: ‘Cô có cái đặc biệt là trước khi tôi dạy thì cô đã biết rồi’.” (theo Đỗ Tăng Bí). Từ hai nền móng đó, Thái Thanh xây dựng cho mình một kỹ thuật hát kết hợp nhuần nhuyễn tinh hoa của hai nền văn hóa Đông-Tây.
MỚI - NÓNG