- Thiếu tướng nhận định thế nào về những vụ thảm án gần đây, đặc biệt vụ 4 bà cháu bị vừa bị sát hại ở Quảng Ninh?
- Cũng như một số vụ thảm án trước đây, vụ ở Quảng Ninh có điểm chung là hung thủ quen biết các nạn nhân và sát hại hết cả 4 người trong nhà để che giấu hành vi phạm tội.
Thảm án có 3 dạng chính. Thứ nhất, để giết người, cướp tài sản (thường khi bị lộ sẽ sát hại cả gia đình nạn nhân); thứ hai, giết người do mâu thuẫn; thứ 3 là gây án do bệnh tật, ngáo đá.
Nhiều thảm án xảy ra báo động sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận dân cư, trong đó nghiêm trọng là sự hủy hoại nhân cách của nghi can nghiện ma túy đá. Rõ ràng, chúng biết về các thảm án xảy ra trước đó, biết về việc phải trả giá nếu gây tội nhưng khi bị dồn nén, bị ảo giác vẫn sẵn sàng gây án.
Như Doãn Trung Dũng, kẻ gây thảm án ở Quảng Ninh, khi tôi vào hỏi cung, hắn nhận ra tôi đã trực tiếp làm vụ thảm án ở Bình Phước. Nhưng vì nghiện ma túy đá, hắn trở thành người vô nhân tính, sát hại cả 4 bà cháu. Hắn còn định giết thêm 3 người nữa… nhưng đã bị công an bắt giữ kịp thời.
- Theo thiếu tướng vì sao nhiều hung thủ lại sát hại toàn bộ những người có mặt trong gia đình, kể cả người già, trẻ em?
- Với loại thảm án giết người, cướp tài sản như vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang, khi bị phát hiện hành vi cướp tài sản, hắn đã sát hại lần lượt từng người trong gia đình nạn nhân, kể cả cháu bé 18 tháng tuổi vì sợ cháu khóc sẽ bị lộ. Riêng bé 8 tuổi trốn thoát vì chui vào sâu gầm bàn.
Với thảm án do mâu thuẫn mà sát hại cả gia đình người khác như vụ 6 người ở Bình Phước, vụ 4 người ở Nghệ An, Yên Bái, rồi vụ mới đây ở Lào Cai... là do sự thù hận đã được nâng lên đến đỉnh điểm.
Theo tôi việc sát hại nhiều người một lúc là do tâm lý sợ bị lộ, đã ra tay rồi thì giết hết những người còn lại. Chúng như say máu, không thể nghĩ được gì nữa.
Ở vụ thảm án tại Quảng Ninh, Dũng nghiện ma tuý đá, bị ảo giác nên giết người không ghê tay và thực hiện hành vi phạm tội đến cùng. Tối hôm đấy hắn không dùng ma tuý nhưng do sử dụng thường xuyên nên bị ức chế thần kinh, tâm thần không ổn định.
- Ông có lời khuyên nào cho người dân để phòng ngừa tội phạm dạng này?
- Sẽ rất khó để đưa ra một giải pháp chung cho nhiều vụ việc, nhưng có lẽ chính quyền cần nắm bắt được những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để giải quyết dứt điểm. Chẳng hạn, mâu thuẫn trong hàng xóm láng giềng, mâu thuẫn trong phân chia thừa kế, mâu thuẫn vợ chồng… Bên cạnh đó là tăng cường giáo dục ý thức pháp luật bởi rất nhiều người ngộ nhận, thiếu hiểu biết về pháp luật và việc chấp hành pháp luật.
Ngoài ra, việc quản lý người bị bệnh tật, người tâm thần, người nghiện cần chặt chẽ hơn. Người tâm thần sống trong gia đình có nguy cơ gây hậu hoạ rất lớn, phải có giải pháp cách ly. Người nghiện ma tuý cũng cần phải được cách ly khỏi xã hội, bởi khi họ bị ảo giác thì chẳng khác nào bị tâm thần. Nghiện mà chung sống trong cộng đồng thì khi lên cơn bố mẹ họ cũng giết. Vụ thảm án ở Quảng Ninh là ví dụ, Dũng thường xuyên sử dụng ma tuý đá.
- Theo ông, giải pháp nào để hạn chế người nghiện ma túy gây thảm án?
- Đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện để quản lý chặt chẽ. Với người nghiện ma tuý phạm tội cần xử nghiêm với tình tiết tăng nặng để đảm bảo tính răn đe. Từ chỗ nghiện ma tuý không có tiền sử dụng, họ sẽ tham gia mua bán trái phép chất ma tuý, chơi cờ bạc để có tiền, cùng với đó là đi ăn trộm...
Như vậy, nghiện ma túy là mầm mống tội phạm, cần phải đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc.
-Những người sống trong khu dân cư có người nghiện cần làm gì, thưa thiếu tướng?
- Hiện nay các vụ án phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng chủ yếu đều do người nghiện gây ra. Đặc biệt, hành vi giết, cướp của gần như 100% xảy ra nếu người nghiện ma tuý là thủ phạm.
Người dân sống trong những khu vực có các người nghiện ma tuý, đặc biệt là ma túy đá cần nâng cao ý thức bảo vệ tài sản; giáo dục con cái tránh xa ma tuý và những người này.