Thế nào là vào đời?
Khái niệm vào đời khá rộng, khó có thể hiểu cho thật cụ thể. Mình vào đời khi đã bước qua tuổi 18, không còn bám víu vào sự giúp đỡ của cha mẹ về tài chính, về chỗ ăn, chỗ ở? Hay là mình vẫn nương tựa vào cha mẹ nhưng phải ra ngoài làm việc để kiếm sống? Hay khái niệm vào đời bắt đầu từ khi mình lập gia đình, xây dựng sự nghiệp? Hay mình vào đời lúc bắt đầu vào đại học?
Mình sẽ học ngành nghề gì? Làm nghề gì? Sống bằng cách nào? Mình định hướng lấy vợ, lập gia đình như thế nào? Sinh con như thế nào? Sống ở đâu - miền Nam, miền Bắc hay nước ngoài? Mình cần trang bị kiến thức gì?
Theo tôi, có hai vấn đề nổi bật trong khái niệm vào đời. Đó là sự nghiệp và cuộc sống độc lập. Cứ coi như chúng ta bắt đầu vào đời, bắt đầu tự lực từ tuổi 18 – tự lực đi học, tự lực tìm việc làm, xây dựng sự nghiệp, tự lực lấy vợ, lấy chồng, v.v… Chúng ta bắt đầu xây dựng một cuộc sống độc lập từ tuổi 18, nhưng chưa hẳn là hoàn toàn độc lập, vì mình có thể ở chung nhà với cha mẹ chẳng hạn.
Chúng ta cũng có thể nói vào đời là nghĩ đến chuyện làm sao để tồn tại dễ chịu, an toàn, hiệu quả, có ý trong cuộc đời từ 18 tuổi trở lên.
Ước mơ lớn là chiếc la bàn tốt, bền, định hướng suốt đời cho các bạn
Các bạn trẻ không thể dựa vào tử vi, tướng số, bói bài, niềm tin có thần linh bảo hộ cuộc đời mình để sống một cách vững vàng, an toàn, hiệu quả, có ý nghĩa giữa cuộc đời này được.
Tuổi trẻ nên dựa nhiều vào ước mơ, ấp ủ ước mơ xây dựng cộng đồng, dân tộc, đóng góp vào sự phát triển chung của con người. Ước mơ lớn ấy là bức tranh không cụ thể, chưa hoặc khó thành hiện thực được vẽ ra trong đầu của chúng ta. Nhưng bức tranh không cụ thể này lại là chiếc la bàn tốt, bền dẫn đường cho mình đi. Mình xây dựng một ước mơ đẹp, một ước mơ lớn để có mục đích phấn đấu suốt đời. Nó dẫn đường cho mình nỗ lực học tập, siêng làm việc để đi tới, dẫn đường cho mình cư xử tốt với cha mẹ, anh chị em, bạn bè, dẫn đường cho mình xây dựng nhân cách, v.v…
Xây dựng ước mơ là điều rất cần thiết. Chẳng những tuổi trẻ, mà tất cả mọi người đều nên có ước mơ của riêng mình để kích hoạt cảm xúc, để tạo ra năng lượng cho mình sống, làm việc, học tập, nghiên cứu và vươn lên.
Tuổi trẻ không thể cho phép mình sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến những điều có lợi cho cá nhân mình. Người có ước mơ lớn thì không ích kỷ. Chính ước mơ lớn khẳng định tầm vóc con người và giúp người ấy hình thành lòng tự trọng rất cao. Con người có lòng tự trọng thì không gây phiền hà cho người khác, và có tấm lòng bao dung với người khác.
Khi chọn bạn để chơi và tiến tới việc xây dựng mối quan hệ tình cảm gắn bó, tiến đến tình yêu và hôn nhân, các bạn phải đế ý xem cái đầu và con tim của người bạn ấy lớn bao nhiêu. Dù cho người ấy có giỏi, có hay mà cứ luẩn quẩn trong cái đầu ích kỷ, có suy nghĩ cực đoan thì phải hết sức thận trọng. Bởi vì, người ấy khó có thể tha thứ lỗi lầm hay sơ sót của ai, trong khi là con người, ai cũng có thể có lỗi lầm.
Dựa vào kiến thức, kinh nghiệm hay dựa vào khả năng tự nhận biết của mình?
Các bạn phải hết sức tỉnh táo trước kinh nghiệm của mình và của người khác. Phải hết sức thận trọng khi đọc một cuốn sách học cách thuyết phục lòng người, tìm hiểu về tâm lý hay nghệ thuật ứng xử, v.v… Bởi vì cuộc đời không dễ dàng cho chúng ta một công thức nào để áp dụng cho mọi hoàn cảnh. Bài toán trong cuộc đời rất phức tạp. Càng đi sâu vào thực tế, chúng ta càng thấy những chuyện nhức đầu, dễ bị sốc, dễ bị lúng túng.
Khi mình chuẩn bị đi đến một đất nước mà mình chưa từng đến. Nếu có trình độ về ngoại ngữ, mình có thể lên mạng để tìm tài liệu nghiên cứu, tìm hiểu cách sống và văn hóa của người bản xứ. Khi đến nơi, tự mình ứng dụng sao cho phù hợp với cuộc sống của họ. Còn nếu như bất chợt đến mà không biết một chút gì về đất nước ấy, tức là không thể dựa vào kiến thức, kinh nghiệm, thì mình dựa vào cái gì? Chúng ta dựa vào khả năng tự nhận biết của mình.
Cái quý nhất của con người chính là khả năng tự nhận biết. Kiến thức là cái đã có, nhưng chính khả năng tự nhận biết tạo ra kiến thức phù hợp với hoàn cảnh mới, và khả năng này ở con người là vô tận. Chúng ta cần phải lưu ý tới khả năng này, chứ đừng chôn cuộc đời mình vào những kiến thức đã có.
Kiến thức rất cần thiết nhưng chúng là những giải pháp cụ thể cho những trường hợp cụ thể. Còn khả năng tự nhận biết mới chính là cái thường xuyên cung cấp kiến thức mới cho chúng ta. Nếu tỉnh táo quan sát, lắng nghe, dựa vào ý chí, ước mơ, sức kiên nhẫn chịu đựng, quyết tâm hoàn thiện nhân cách của mình, từng bước mình sẽ phát triển nhiều kiến thức khác nhau, sẽ bản lĩnh mà lại không quá tự cao.
Nói chung, chúng ta cần phải đến trường để học, để lấy bằng cấp nhưng đừng cho rằng kiến thức học được và bằng cấp sẽ quyết định cuộc đời của mình. Hãy nhìn những người đi trước, họ cũng tốt nghiệp các trường đại học lớn trên thế giới, cũng rất giỏi và có nhiều bằng cấp cao, nhưng, khi vào đời thì không đơn giản chút nào.
Chúng ta cần đề cao, cảnh giác với kinh nghiệm, kiến thức của mình, của người khác, chứ không vứt bỏ kinh nghiệm, kiến thức. Và đừng bao giờ lấy kiến thức, kinh nghiệm để định nghĩa giá trị của mình. Làm như vậy là mình tự thu nhỏ cuộc đời của mình lại, thường sống trong sự không hài lòng với chính mình và với những người xung quanh.
Nội dung được biên tập từ Audio “Trả lời một số câu hỏi cho tuổi trẻ”- ngày 08-11-2009, công ty CPĐT Giáo Dục Minh Triết độc quyền phát hàn
Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199) |