TPO - Những đoàn người từ khắp muôn phương đổ về xã Kim Thạch (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh. Họ chậm rãi đi sâu vào địa đạo Vịnh Mốc, tham quan địa điểm từng là nơi ăn ngủ, họp hành, sinh đẻ…. của hàng trăm con người trong lòng đất.
Đoàn người nối tiếp nhau vào thăm địa đạo Vịnh Mốc dịp lễ. Ảnh: Thanh Trần
Địa đạo Vịnh Mốc là công trình quân - dân sự trong chiến tranh. Hệ thống địa đạo nằm ở phía Bắc sông Bến Hải, cầu Hiền Lương.
Công trình được đào từ năm 1965 và hoàn thành vào ngày 18 tháng 2 năm 1966. Theo lời thuyết minh viên, có tới 6.000 khối đất đá được đào và đưa ra ngoài qua hai giếng. 10% trong số đó đổ vào hố bom, bụi cây, còn lại chuyển ra biển.
Bên trong địa đạo càng xuống sâu càng cảm nhận rõ hơi lạnh của đất. Bức tường đất rắn, trơn lì. Đường hầm tối om, nhiều đoạn có bóng đèn, nhiều đoạn du khách phải mở đèn điện thoại để đi cho đỡ... sợ.
Để bảo đảm cho hàng trăm con người ăn ở, bà con đã đào những hầm nhỏ dọc hai bên đường hầm, đủ sức chứa ba, bốn người ở. Người ta ví địa đạo như một ngôi làng dưới lòng đất.
Trong lòng địa đạo còn có giếng nước, hội trường, bệnh xá, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo…. Anh Nguyễn Hữu Sang (Đà Nẵng) cho hay lâu nay đã nghe tới địa đạo Vịnh Mốc và cuộc sống của quân dân dưới địa đạo nhưng khi tới đây, được vào tận nơi, xem tận mắt, anh không khỏi bất ngờ. "Họ đã sống bất chấp khó khăn, thiếu thốn, kiên cường. Khi nhìn cảnh tái hiện sinh con dưới lòng đất tôi đã không kìm được nước mắt", anh trải lòng.
Địa đạo dài hơn 2 km, gồm có 3 tầng, tầng một sâu khoảng 15 m, là nơi chiến đấu và trú ẩn tạm thời. Tầng hai sâu 18 m là nơi sống và sinh hoạt của nhân dân, đóng trụ sở của Đảng ủy, UBND và Bộ Chỉ huy quân sự. Tầng ba sâu 22 m dùng làm kho chứa hậu cần cung cấp cho đảo Cồn Cỏ và phục vụ chiến đấu của quân dân Vịnh Mốc.
Địa đạo có nhiều lối ra, được gắn bảng chỉ dẫn rõ ràng.
Người lớn đi trong địa đạo phải khom lưng. Theo thống kê, có đến 18.000 ngày công được huy động để đào địa đạo Vịnh Mốc trong hai năm. Địa đạo này được đào ở vùng đất đỏ bazan.
Toàn bộ hệ thống địa đạo Vịnh Mốc có 13 cửa thông ra ngoài, trong đó có bảy cửa thông ra biển, sáu cửa thông lên đồi.
Em nhỏ tìm hiểu về sơ đồ địa đạo.
Trong những ngày nghỉ lễ, dòng người đến thăm địa đạo nườm nượp. Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (quê Nghệ An) cùng gia đình đến Vịnh Mốc. "Tôi muốn các con xem địa đạo để biết được lịch sử của đất nước cũng như cuộc sống của hàng trăm người dân dưới lòng đất. Từ đó giáo dục con biết yêu quê hương, vượt qua khó khăn thử thách, có thái độ sống tích cực hơn", chị Anh nói.
Các hướng dẫn viên dẫn đoàn liên tục. Mỗi đoàn khoảng vài chục người sẽ có một hướng dẫn viên. Họ vừa giới thiệu, thuyết minh về địa đạo, vừa trả lời những câu hỏi của du khách.
Một nhóm du khách nước ngoài xem phim tài liệu về địa đạo Vịnh Mốc.
Phòng trưng bày tái hiện lại không khí chiến đấu, cuộc sống của nhân dân Quảng Trị.
Nhiều đồ vật trong cuộc sống hàng ngày của bà con, dụng cụ đào hầm... được trưng bày tại đây.
Phần lớn du khách tới địa đạo đi theo nhóm gia đình.