Hơn một lần NSƯT Thu Hà nói rằng, Tùng Điên là một trong những người thân thiết nhất của cô. Về người nghệ sĩ cá tính này, đạo diễn Lê Hoàng từng khẳng định: là người điên nhất Thủ đô, và rằng “Ra Hà Nội gặp cụ Rùa mà không gặp “Tùng điên” thì coi như là phí tiền vé.”
Hai người là bạn thân
Mối duyên của Tùng Điên với Thu Hà băt đầu từ sân khấu. Hoàng Hà Tùng làm thiết kế mỹ thuật cho nhiều vở diễn sân khấu. Hai người hợp cạ, rồi thân nhau. Có diễn viên ở Nhà hát Kịch Hà Nội còn nhận xét: muốn gặp Tùng Điên với Hà cứ lên phở Bát Đàn!
Hai người này đều thích phở. Tùng Điên lúc nào cũng ga lăng đóng vai xếp hàng và bưng bê. Rảnh, anh sẽ cưỡi con “bọ rùa” (ô tô volkswagen cũ) đi thăm Thu Hà. Chị kể: không biết lão ấy mua xe, lúc mở cửa ra mới cười ngất. Cái xe công chúa bé tí rì rì chở một lão già lòe loẹt. Ấy thế mà lão tâm đắc lắm, gặp ai cũng khoe! Bạn bè thấy Tùng Điên mua được ô tô cũng mừng bởi vì người ta thường có cảm giác thót tim khi trông thấy họa sĩ đánh võng trên con phân khối lớn “không biết sẽ ngã lúc nào”.
Đối với NSƯT Thu Hà, Tùng Điên chỉ có tình chiến hữu. Còn tình yêu thật sự của anh là dành cho nghệ sĩ Lê Vân. Mối tình si này đình đám đến mức, ngay cả người vợ kém họa sĩ 17 tuổi cũng biết. Bạn Tùng Điên kể: đấy là mối tình xuyên thế kỉ, mối tình của một kẻ si tình nhất thời đại, đến lúc già rồi mà vẫn si mê và yêu điên cuồng một người.
Tùng Điên yêu mê mệt Lê Vân. Vợ của họa sĩ bảo: “Trong lúc ốm đau vì tật bệnh, vậy mà mỗi khi anh ấy mở mắt ra là lại ngơ ngác như muốn tìm, muốn hỏi: “Lê Vân đâu rồi?”, “Lê Vân đến chưa?”…
Tùng Điên yêu Lê Vân từ khi chị là thiếu nữ. Trong số những bức tranh nổi tiếng của Tùng Điên có “Nàng Mê và hoa trạng nguyên” lấy Lê Vân làm mẫu gây rất nhiều tranh cãi. Giải thích về lý do nhân vật “như mù”, họa sĩ cho biết: “Khi vẽ chân dung, tôi cố đạt tới thần thái nhân vật. Và không thêm thắt gì nữa khi bức chân dung đã hoàn thiện.
Lê Vân có đôi mắt rất đẹp. Và tôi bất lực, không thể vẽ đôi mắt trong tranh đẹp bằng đôi mắt ngoài đời. Tôi đã vẽ và xóa đôi mắt đó. Bức tranh đó được một nhà sưu tập Việt mua, rồi bán lại cho nhà sưu tập Singapore rồi đến tay nhà sưu tập Anh... và số phận của nó rất trôi nổi dù nó được tôn vinh. Tôi theo dõi bức tranh đó như một đứa con đặc biệt trong đàn con của mình”.