Trả lời PV về vụ việc nhân viên rạp chiếu phim CGV tung clip "nhạy cảm" của một cặp đôi khi xem phim trong rạp đang gây nhiều tranh cãi, luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Giám đốc Công ty Luật HTC Việt Nam (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng việc tung clip này lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật nhưng cặp đôi cũng có những hành động phản cảm, không thể chấp nhận được và có thể xử phạt.
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Có thể nói đây là hành vi phản cảm, khó chấp nhận giữa nơi công cộng. Với những cử chỉ như nắm tay hay hôn nhau ở mức vừa phải nơi công cộng thì những điều ấy tôi nghĩ cũng là sự thay đổi của xã hội, không phải vấn đề nghiêm trọng. Còn nếu có cử chỉ quá mức nơi công cộng như đôi bạn kia thì hành động đó cũng vi phạm quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Vì vậy, theo tôi hành vi của nam nữ này có thể có dấu hiệu vi phạm pháp luật và bị xử phạt về hành vi gây mất trật tự nơi công cộng. Bởi quan hệ tình dục là chuyện nhạy cảm, tế nhị thường diễn ra với các cặp vợ chồng hoặc các đôi tình nhân... và chỗ để làm chuyện này thường là nơi kín đáo, riêng tư. Nhưng gần đây trên các mạng xã hội xuất hiện nhiều clip quay cảnh quan hệ tình dục nơi đông người, nơi công cộng, là hành vi phản cảm, lệch lạc với đạo đức, lối sống của xã hội và cần bị xã hội lên án.
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội thì hành vi "Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác" sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Tong trường hợp này, nhân viên rạp chiếu phim đã phát tán tải hình ảnh rõ mặt đôi nam nữ lên mạng có vi phạm pháp luật không?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Về mặt pháp luật dân sự, hành vi phát tán hình ảnh mang tính “nhạy cảm” này đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền nhân thân của cá nhân theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015. Đó là quyền hình ảnh; Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân.
Cụ thể, Điều 32 BLDS năm 2015 quy định như sau: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.
Với hành vi phát tán hình ảnh của cá nhân xâm hại tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó theo Điều 34 BLDS 2015, hình ảnh có tính chất “nhạy cảm” của cặp đôi ở rạp chiếu phim bị đưa lên các trang mạng xã hội không cần biết mục đích của người đưa hình ảnh đó lên để làm gì thì theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi đó phải chịu trách nhiệm gỡ bỏ hình ảnh đó và bồi thường thiệt hại. Bởi vì việc cá nhân bị phát tán những bức hình, cảnh quay riêng tư, nó thuộc đời sống sinh hoạt riêng tư của một người hoặc mặc dù là những hình ảnh bình thường nhưng cá nhân thực hiện vào việc bảo mật những bức ảnh đó thì việc công bố phát tán những bức ảnh đó là xâm phạm tới bí mật cá nhân, đời sống riêng tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”.
Điều 38 BLDS 2015 quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Người nào chịu trách nhiệm quản lý, lưu giữ các hình ảnh của người khác qua camera giám sát tại nơi mình lắp đặt phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nội quy của cơ quan, tổ chức thì có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc vi phạm hoặc thông báo cho cơ quan pháp luật giải quyết nếu sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Như vậy, việc tung hình ảnh cặp đôi thân mật thái quá trong rạp chiếu phim đã vi phạm quy tắc đưa các thông tin trái luật lên mạng xã hội. Tùy theo tính chất, mức độ, động cơ vi phạm, người đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong tình huống này, phía khách hành xem phim cần phải làm gì (nếu không vi phạm pháp luật) để bảo vệ danh dự bản thân.
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Với tình huống xảy ra của đôi nam nữ như vậy, chắc chắn bản thân đôi nam nữ và gia đình hai bên đã phải chịu nhiều áp lực cũng như tai tiếng của xã hội. Vì vậy, đôi nam nữ này có quyền yêu cầu người tung ảnh bồi thường thiệt hại về tinh thần cho mình (nếu có).
Ngoài việc có thể yêu cầu Tòa án buộc người thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân của cặp đôi nam nữ phải chấm dứt hành vi vi phạm quyền về hình ảnh, công khai xin lỗi, họ còn có thể yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi vi phạm phải bồi thường tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Điều 584 Bộ luật Dân sự về "Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại" quy định:
“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.
Về mặt hành chính, theo điểm e, điểm g, Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đối với tình huống đưa ra trên thì ngoài việc cá nhân người tung clip phải chịu trách nhiệm thì CGV cũng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này chứ không thể đổ lỗi cho nhân viên chịu hoàn toàn trách nhiệm về vấn đề này được, nhằm đảm bảo được quyền lợi cho người bị hại cũng như là biện pháp nhắc nhở răn đe cho các nhân viên khác.
Việc rạp chiếu phim đặt máy quay như thế có vi phạm quyền riêng tư hay không?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Hàng loạt các sự kiện pháp lý xảy ra trong đời sống xã hội được ghi lại qua các hệ thống camera giám sát của nhà dân, trụ sở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, bệnh viện,… đã góp phần quan trọng để các cơ quan pháp luật xử lý giải quyết theo quy định. Mặt khác cũng là căn cứ để các cơ quan tổ chức giám sát các hoạt động con người trong nội bộ nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo thực hiện đúng việc thực thi các quy định của cơ quan tổ chức đó.
Pháp luật không cấm việc lắp đặt các camera giám sát trong nội bộ cơ quan tổ chức, hay trong khuôn viên thuộc quyền quản lý của mình. Nhưng việc lắp đặt này phải được sử dụng đúng mục đích hợp pháp để giám sát, phát hiện và ngăn ngừa những hành vi vi phạm nội quy và vi phạm pháp luật.
Tôi cho rằng, khi khách hàng mua vé vào xem phim được coi là việc xác lập hợp đồng dân sự giữa người sử dụng dịch vụ và bên cung cấp dịch vụ là CGV. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, trong quá trình thực hiện hợp đồng, về nguyên tắc, CGV không được tiết lộ thông tin bí mật cá nhân của khách. Trong trường hợp này CGV đã để lộ thông tin của khách hàng nên phải bồi thường cho khách hàng theo quy định tại Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015.
Trong trường hợp này, người nào đưa các thông tin trái luật lên mạng xã hội thì tùy theo tính chất, mức độ, động cơ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo điểm b, khoản 2 điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP (Mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Xin cảm ơn luật sư!