Từ vụ Thanh tra Bộ Xây dựng 'vòi tiền': Vì đâu cán bộ tha hóa?

Vụ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng vòi vĩnh, nhận hối lộ có trách nhiệm người đứng đầu Ảnh: PL
Vụ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng vòi vĩnh, nhận hối lộ có trách nhiệm người đứng đầu Ảnh: PL
TP - “Điều quan trọng là công tác cán bộ, từ bổ nhiệm đến quản lý, giáo dục cán bộ thực thi công vụ. Ở đây có thể do thả lỏng, thiếu trách nhiệm, cũng không loại trừ có sự “định hướng”. Người dân có quyền nghi ngờ và nhà cầm quyền phải giải tỏa, giải quyết nghi ngờ đó của người dân”, đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ với Tiền Phong quanh vụ đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng vòi vĩnh, nhận hối lộ tại Vĩnh Phúc.

Công tác cán bộ chưa tốt

PV: Từng lên tiếng, cảnh tỉnh về công tác cán bộ, ông đánh giá sao trước vụ việc đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng về Vĩnh Phúc làm việc vòi vĩnh, nhận hối lộ?

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Đây là sự việc rất đáng buồn. Nhìn tổng thể, chúng ta thấy cơ quan thanh tra là cơ quan giúp cho Bộ, ngành và cho nhà nước duy trì trật tự, kỷ cương, duy trì pháp chế. Họ đại diện cho cơ quan nhà nước, đại diện cho pháp luật. Thậm chí họ đại diện cho một thiết chế phòng, chống tham nhũng của Bộ Xây dựng mà lại đi vòi vĩnh, tham nhũng như vậy thì không chấp nhận được. Người đi chống tham nhũng mà lại thực hiện hành vi tham nhũng, cơ quan có chức năng phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật mà lại vi phạm pháp luật, rất đáng buồn.

 Từ vụ Thanh tra Bộ Xây dựng 'vòi tiền': Vì đâu cán bộ tha hóa? ảnh 1  

Người ta cũng đặt vấn đề, không phải họ nhận bao nhiêu tiền, mà về bản chất đó là hành vi cưỡng đoạt tài sản đối với đối tượng ở địa phương. Nhìn đơn giản theo cách nhìn của cử tri và nhân dân là ông đã lợi dụng quyền lực mà nhà nước trao cho. Quyền lực ấy, lẽ ra phải được dùng để làm những việc có ích cho nước cho dân thì ông lại sử dụng nó để làm hại nước hại dân, hại đến uy tín của Đảng, hại đến hình ảnh của nhà nước, hại đến hình ảnh của những cơ quan được nhà nước giao cho nắm quyền lực.

Phải chăng ở đây còn có sự thỏa thuận về lợi ích, có sự mặc cả của cán bộ thực thi công vụ, nhằm bỏ qua những vi phạm?

Ở đây có nhiều dạng thức khác nhau và cũng không loại trừ việc đó. Sai phạm trước tiên là hành vi cưỡng đoạt, vì anh dùng quyền lực thì người ta phải sợ, ép buộc người ta phải chung chi. Thứ nữa là có sự móc ngoặc giữa anh nọ với anh kia để trục lợi. Rồi người ta cũng gọi đó là thói thờ ơ, vô trách nhiệm, kể cả của người thực hiện cũng như người giám sát. 

Theo ông, có điều gì bất thường không, khi một cán bộ vừa được bổ nhiệm mới hai tháng mà đã vi phạm công khai như vậy?

Cũng không loại trừ trường hợp người ta che giấu được những hành vi của mình trước đó, và người ta vẫn được coi là con người tốt. Trong trường hợp cụ thể này cần phải rà soát lại. Người đứng ra bổ nhiệm có thể không phải chịu trách nhiệm về vấn đề ấy, nhưng ở khía cạnh nào đó cũng không hoàn toàn như vậy. 

Tại sao một người đang tốt mà lại trở thành xấu? Không phải đùng một cái mà người ta tha hóa như vậy được. Trong công tác cán bộ, anh phải chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối về cán bộ của mình, chứ không thể thoái thác hôm qua họ tốt, hôm nay xấu là việc của họ. Nói như vậy thì sinh ra anh giám sát cán bộ để làm gì? Sinh ra anh đánh giá làm gì? Sinh ra anh quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ làm gì? 

Chúng ta có quá nhiều công đoạn, nhưng đến công đoạn cuối cùng thì lại không ai chịu trách nhiệm, thế thì buồn cười quá. Anh theo dõi, đánh giá cán bộ từng thời điểm, 6 tháng làm sao, cả năm thế nào, khen thưởng kỷ luật ra sao…Vậy mà bây giờ người ta vi phạm lại bảo do cá nhân đó. Nói như thế có nghĩa là công tác cán bộ không có giá trị gì sao?

Có trách nhiệm người đứng đầu

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Xây dựng có nói đây là vi phạm của cá nhân. Vậy còn trách nhiệm của tập thể, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu ra sao?

Nói như thế để cá nhân hóa trách nhiệm của người vi phạm. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là tập thể và cơ quan vô can. Vì sao? Tất nhiên, ở khía cạnh cá nhân thì người nào làm người đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng giả sử, nếu người ta phát hiện ra có sự chỉ đạo của các cấp, thành thói quen của một tập thể đó thì sao? Đương nhiên phải có trách nhiệm của tập thể đó chứ?
Đầu tiên phải xét đến công tác lựa chọn cũng như bổ nhiệm cán bộ. Anh lựa chọn rồi bổ nhiệm cán bộ vào vị trí đó. Cho dù trước đó người ta tốt, nhưng sau này người ta xấu thì anh vẫn phải chịu trách nhiệm. Bởi trong công tác quản lý cán bộ, rất có thể anh giáo dục chính trị, tư tưởng không tốt, dẫn đến để họ dễ rơi vào vi phạm. Thậm chí, ở địa phương đó họ còn nói với tôi, trường hợp cán bộ trắng trợn như thế này ở trên đó đã diễn ra nhiều rồi chứ không phải một lần này. Chính vì vậy, không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan và người đứng đầu được.

Cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu ở đây là những ai, thưa ông?

Trước tiên đó là trách nhiệm của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng và người tham mưu cử đoàn này đi. Thứ hai là trách nhiệm của Bộ trưởng với tư cách người đứng đầu ngành. Họ nhân danh đây là đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng về làm việc, chứ không phải đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng. Cho nên trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về Chánh thanh tra và trách nhiệm cao nhất thuộc về Bộ trưởng.

Theo ông, cần làm gì để có thể bịt được những kẽ hở trong công tác cán bộ, để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vừa qua?

Trước tiên, đối với những trường hợp vi phạm phát hiện ra phải “đánh rắn dập đầu”, trừng trị đến nơi đến chốn, không thể nương tay được. Nếu nương nhẹ với chỗ này, lại nghiêm khắc với chỗ kia, có thể sẽ trở thành một màn kịch, làm người dân mất lòng tin.

Thứ nữa, phải rà lại toàn bộ quy trình đánh giá cán bộ từ trước đến nay. Cần rà soát, đánh giá xem những ai nịnh bợ, chạy chức, chạy quyền, mua bằng mua cấp… Từ đó xem lại chính sách đào tạo bồi dưỡng cán bộ ra làm sao. Và cuối cùng phải hoàn thiện lại thể chế về công tác cán bộ. Cán bộ là cái gốc của mọi vấn đề, bởi vậy chúng ta không thể bỏ trống trận địa này.
Cảm ơn ông !

“Trước tiên đó là trách nhiệm của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng và người tham mưu cử đoàn này đi. Thứ hai là trách nhiệm của Bộ trưởng với tư cách người đứng đầu ngành. Họ nhân danh đây là đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng về làm việc, chứ không phải đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng. Cho nên trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về Chánh thanh tra và trách nhiệm cao nhất thuộc về Bộ trưởng”.

Ông Lưu Bình Nhưỡng

MỚI - NÓNG