Từ các hiện tượng được phản ánh trong tuyến bài"Cho thuê vỉa hè tự phát tại Hà Nội: Tiền vào túi ai?", các chuyên gia đã chỉ ra nhiều bất cập về chính sách.
Bày cây cảnh tràn lan trên vỉa hè |
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang thiếu chính quyền đô thị đúng nghĩa. Thể hiện rõ nhất là việc các phường, quận khác nhau có cách quản lý vỉa hè khác nhau, thiếu đồng bộ. Có khi, cùng một tuyến phố, nơi giáp ranh giữa hai quận, hai bên vỉa hè lại có cách quản lý khác nhau.
“Hầu hết các vỉa hè ở Hà Nội bị biến thành nơi kinh doanh, buôn bán, không có quy hoạch cụ thể. Ví dụ, như những điểm đỗ, bắt xe buýt, nhiều đoạn vỉa hè bị lấn chiếm khiến nhiều người phải xuống dưới lòng đường, vừa gây ách tắc, lại nguy hiểm. Nếu muốn khai thác vỉa hè, tôi nghĩ cần có sự thống nhất cơ chế quản lý từ những cơ quan có thẩm quyền cao nhất, thậm chí là từ chính phủ”, luật sư Đức cho biết.
Xung quanh những vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu giao thông đô thị cho rằng, hiện nay, có tình trạng mạo danh danh nghĩa cơ quan nhà nước cho thuê vỉa hè để trục lợi và không biết số tiền đó sẽ đi vào đâu. Vì vậy, cần có một chính sách, chủ trương rõ ràng để phân loại vỉa hè nào đủ tiêu chuẩn để cho thuê.
Theo TS Thủy, những vỉa hè mà nơi chật chội, đông người đi, phương tiện giao thông qua lại nhiều thì dứt khoát không được cho thuê. Những người giữ chức vụ cao nhất của địa phương cần phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Đặc biệt, bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần có trách nhiệm đưa ra thông tư, hướng dẫn, quy định rõ ràng và báo cáo cho Thủ tướng.
“Bộ GTVT chịu trách nhiệm quản lý ngành GTVT, vỉa hè cũng nằm trong lĩnh vực đó. Vì thế, lĩnh vực quản lý vỉa hè phải thuộc trách nhiệm của bộ GTVT, không thể để các thành phố tùy tiện làm được. Nếu bộ GTVT không quản lý vấn đề này, tức là buông lỏng quản lý”, TS Thủy nói.
“Từng có đại biểu Quốc hội đã nói, vỉa hè cho thuê để thêm tiền cho ngân sách nhà nước. Vậy số tiền đó được bao nhiêu rồi. Và hiện nay, Hà Nội và TP.HCM thu được bao nhiêu tiền, phải báo cáo cho người dân biết”, TS Thủy nêu câu hỏi.
Phân tích cụ thể về tình trạng báo Tiền Phong nêu, TS Thủy cho rằng, chính quyền cần kiểm tra được những nơi đó là ai cho thuê và số tiền đó đi đâu. “Lâu nay, vỉa hè bị lũng đoạn, không ai chịu trách nhiệm cả. Vì thế, cần xem lại, kể cả, nếu những người đứng đầu thành phố, nếu để những hiện tượng này xảy ra, cần xem xét xem liệu có đủ năng lực quản trị hay không?”, TS Thủy nói.
Người cho thuê vỉa hè xưng tên là Hưng ở Hà Đông, Hà Nội |
“Cùng với đó, nếu mà giải tỏa vỉa hè thì cũng cần chính sách cho người dân. Ví dụ như TP. Hồ Chí Minh, đã có những vỉa hè làm những điểm bán hàng, tạo điều kiện cho họ ổn định để kinh doanh, buôn bán”, TS Thủy cho hay.
Theo luật sư Phạm Văn Phất – Công ty Luật An Phát Phạm, việc trục lợi vỉa hè như báo đã nêu, chưa cần biết đến việc chợ hoa Xuân có thu tiền hay không, nhưng các hộ kinh doanh thuê cũng cần phải có chứng từ. Nhất là, việc thu phí của một số đối tượng không có biên lai, chứng từ hợp pháp có dấu hiệu của việc cưỡng đoạt tài sản. Tiền đấy sẽ xử lý thế nào?.
Đồng quan điểm đó, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Cty Luật Hưng Nguyên, Hà Nội, cho rằng, hiện tượng Tiền phong nêu có thể phân tích ra 2 trường hợp cụ thể. Đối tượng thu phí không có chức năng mà đứng ra thu là cưỡng đoạt tài sản. Trường hợp nếu đối tượng là người trong cuộc, liên quan đến Ban quản lý chợ Xuân, nhưng lại thu tiền ngoài ngân sách để trục lợi cá nhân, không có chứng từ, giấy phép đầy đủ mà vẫn cho thuê, thu phí là hành vi mang tính chất lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.