Họa sĩ Phan Ngọc Minh:

Từ thung lũng Champa đến Học viện Dòng Tên

Họa sĩ Phan Ngọc Minh - áo trắng - trao đổi với người xem tại triển lãm của ông tại Boston College
Họa sĩ Phan Ngọc Minh - áo trắng - trao đổi với người xem tại triển lãm của ông tại Boston College
TP - Trải tấm bạt mang theo từ Đà Nẵng lên sàn căn phòng nhỏ trong lòng nước Mỹ, Phan Ngọc Minh mải miết vẽ suốt gần 4 tháng trời. Họa sĩ đến từ thung lũng thần linh Champa Mỹ Sơn vẽ những vị Thánh Dòng Tên theo lời mời của Đại học Boston College (bang Massachusetts). 

Seri triển lãm riêng dành cho ông được tổ chức ngay sau khi những nhát cọ cuối cùng kết thúc. Triển lãm mang tên Journey Through Boston College’s Religious Identity: Paintings by Phan Ngoc Minh (Hành trình qua bản sắc tôn giáo của Boston College: Họa phẩm Phan Ngọc Minh) chia làm 3 đợt. Ngày 10/12/2018 tại Thư viện chính O’Neill Library. Ngày 14/12 triển lãm chính thức tại Heights Room thuộc Corcoran Common – nơi tổ chức các sự kiện chính của trường. Sau đó là một cuộc tại Nhà thờ Thánh tổ Dòng Tên St. Ignatius Loyola. Tám trong số 9 họa phẩm cỡ lớn chất liệu acrylic trên vải về thần linh Công giáo Dòng Tên Ignatius Loyola cùng một số tác phẩm mới nhất sáng tác năm 2018 về thần linh Champa của họa sĩ Phan Ngọc Minh được trưng bày bên nhau.

 Phan Ngọc Minh được mời với tư cách là một thành viên thỉnh giảng của Học viện Dòng Tên thuộc Đại học Boston. Về sự kiện này, website của trường nhận định: “Phan Ngọc Minh là một nghệ sĩ độc lập nổi tiếng đến từ Đà Nẵng, Việt Nam. Ông đã dành sự nghiệp của mình để tìm kiếm di sản tôn giáo của nền văn minh Champa cổ đại ở Mỹ Sơn, Việt Nam. Những bức tranh của ông về các biểu tượng tôn giáo của Champa đã đưa trở lại kho báu tôn giáo của một nền văn minh bị lãng quên của Việt Nam. Trong 3 tháng qua, anh đã khám phá nhiều khía cạnh di sản tôn giáo của Đại học Boston và trình bày quan sát và đánh giá cao về bản sắc Công giáo của Đại học Boston qua lăng kính của một nghệ sĩ phi Công giáo từ Việt Nam”.

“Biên giới tôn giáo” (Religious frontiers) đang là khái niệm thu hút không chỉ các nhà nghiên cứu tôn giáo mà còn ảnh hưởng rất lớn đến nghệ thuật hiện đại. Giữa một thế giới đang chất chứa những bất đồng và lầm lẫn về văn hóa, tín ngưỡng của nhau, tạo ra nhiều xung đột. Những hiểu biết, khám phá mới về tôn giáo, cũng như những diễn ngôn mới về kinh nghiệm tôn giáo truyền thống trong nghệ thuật đang mời gọi các nghệ sĩ.

Bản thân Boston College khởi phát đã như là một “trường học của nghệ thuật tự do” (as a liberal arts college). Từ mùa thu hơn gần 200 năm trước (1827), vị tu sĩ Dòng Tên Benedict Joseph Fenwick mở một trường đại học đầu tiên ngay dưới tầng hầm nhà thờ của mình, để có được một thành phố Đại học lừng danh như ngày nay.

Từ thung lũng Champa đến Học viện Dòng Tên ảnh 1

Họa sĩ Phan Ngọc Minh bên tác phẩm mới hoàn thành

Nghệ thuật tự do và cách thức “băng qua” biên giới của tôn giáo trong nghệ thuật, đó là điều khiến họa sĩ Phan Ngọc Minh được lựa chọn. Bởi suốt nhiều chục năm ông đã đi từ tâm linh thuần Việt đến với thế giới thần linh Champa một cách nhuần nhuyễn và tài tình.

Phan Ngọc Minh từng vừa đi vẽ vừa triển lãm tại nhiều nước về chủ đề di sản văn hóa, tâm linh, trong đó nặng lòng nhất với Champa Mỹ Sơn, Hội An. Những chuyến sáng tác/triển lãm nhiều tháng trời ở Pháp là dịp ông lang thang tìm lại những “mảnh vỡ” lưu lạc của văn hóa Champa và “đem trở về” theo cách của mình. Chuyến đến Mỹ sáng tác lần đầu tiên (trong hai tháng 7, 8/2011), cũng chính là phần thưởng cho giải thưởng hạng Nhất của Hiệp hội Họa sĩ châu Á (Freeman Foudation Asian Artist’ Fellowship Winners).

Còn giờ đây, tranh Thánh Công giáo và thần linh Champa dưới tâm niệm tôn giáo-văn hóa của họa sĩ Phan Ngọc Minh cùng được bày biện bên nhau trong không gian học thuật Mỹ. Đối diện và mời gọi sự thưởng ngoạn của những giáo sư, nhà nghiên cứu, phê bình và sinh viên. Cánh đại bang - biểu tượng của Boston College nước Mỹ gợi nhớ chim thần Garuda - vật cưỡi của thần Visnu (họa phẩm “Eagle và thiếu nữ”). Vị Thánh tổ Dòng Tên Ignatius Loyola thấp thoáng dáng dấp nhà hiền triết phương Đông dưới bóng đại thụ. Hiển hiện bên những mặt nạ đất nung ở kinh đô Trà Kiệu (Duy Xuyên, Quảng Nam) xa xưa nhảy múa cùng những vũ nữ Apsara và vị thần thi ca nghệ thuật Saravati, … tất cả cùng chuyển động trong thế giới sinh tồn.

Hướng tới sự va chạm và giao thoa giữa những “đường biên” của thần linh trong nghệ thuật, khám phá những chiều kích bị bỏ quên là hướng sáng tạo đương đại đáng chú ý.

Vào đúng thời khắc thế giới bước sang năm mới 2019, Phan Ngọc Minh còn đang ở trên trời trong chuyến bay trở về Việt Nam. “Cảm xúc rất lạ. Về thời gian và không gian. Đông và Tây. Giới hạn và vô hạn. Và về những cảm thức tâm linh rất đặc biệt mà tôi đã gửi lại và đã nhận về từ thánh đường Boston suốt những tháng ngày không phút giây nghỉ ngơi để vẽ. Tôi sẽ tiếp tục chủ đề mới lạ này qua những chiêm nghiệm mới” – họa sĩ Phan Ngọc Minh.

MỚI - NÓNG