Từ thất bại của đội tuyển VN nói về nền bóng đá đang xuống cấp thê thảm

Từ thất bại của đội tuyển VN nói về nền bóng đá đang xuống cấp thê thảm
TP - Đặt mục tiêu vào chung kết nhưng đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) gây thất vọng khi bị loại ngay từ vòng đấu bảng. Bóng đá Việt Nam đang rơi vào thoái trào và quá nhiều sự bất an bủa vây làng bóng đá nước nhà.

> Đáng trách lắm, tuyển Việt Nam!
> Việt Nam - Thái Lan (1-3): Thất vọng não nề
> Trắng tay rời AFF Cup 2012

Không chỉ là thất bại của đội tuyển (trắng) mà là thất bại của cả nền bóng đá Việt Nam
Không chỉ là thất bại của đội tuyển (trắng) mà là thất bại của cả nền bóng đá Việt Nam.

Một trận hòa và hai trận thua. ĐTVN chính thức chia tay cuộc chơi AFF trong nỗi thất vọng tràn trề của người hâm mộ quê nhà. Nhưng thẳng thắn mà nhìn nhận, ĐTVN bị loại từ vòng bảng là hoàn toàn xứng đáng.

Đây là giải đấu mà ĐTVN thất bại toàn diện trên mọi khía cạnh từ lối chơi đến tinh thần và cả danh dự, cũng là giải đấu mà bóng đá Việt Nam ra về với sự tủi hổ cay đắng và nỗi thất vọng ê chề nhất trong lịch sử.

Trong 4 năm gần đây, sau chức vô địch AFF Cup 2008, các ĐTVN liên tiếp tụt dốc: từ vào tới chung kết SEA Games 2009 đến vào bán kết AFF Cup 2010, SEA Games 2011 và giờ đây, bị loại ngay sau vòng bảng AFF Cup 2012.

Ngoài vấn đề thay người, như thay Công Vinh bằng Quang Hải, dùng Phan Thanh Hưng ở vị trí tiền vệ trụ mà vị trí này có thể thay bằng Sỹ Cường, dùng Hồng Tiến bên cánh trái, ĐTVN phạm những sai lầm chết người. Chơi tương đối linh hoạt với sơ đồ không hoặc chỉ một tiền đạo, tuy nhiên điều mà ĐTVN thiếu trong các trận đấu là một người có khả năng xâm nhập vòng cấm và gây náo động khu 16m50 của đối thủ.

Tất cả những yếu tố đó nói lên rằng ĐTVN chưa đủ sức, chưa đủ người để chơi tấn công, mà chỉ chơi hay khi trở về bài tủ: phòng thủ phản công như chức vô địch hồi năm 2008.

Thất bại từ sau năm 2008 đến nay đã để lại một dấu hỏi về bản sắc bóng đá của ĐTVN. Đội tuyển 2 lần thay HLV ngoại sau chức vô địch, và khi trở lại với HLV nội thì lần đầu tiên bị loại từ vòng bảng AFF Cup kể từ năm 2004.

Giải V-League giờ vẫn chưa định xong đội nào sẽ tham dự, vì hơn một nửa số đó thiếu tiền, thậm chí bị giải tán. VFF bị chỉ trích thậm tệ mà phong cách làm việc vẫn không thay đổi được gì.

Việc tuyển chọn HLV trưởng cho đội tuyển quốc gia vừa qua cũng cho thấy sự lúng túng kéo dài. Cuối cùng phải chấp nhận phương án HLV kiêm nhiệm mà ai cũng thấy ái ngại, nhưng chẳng ai đưa ra được giải pháp gì hay hơn.

Với cá nhân HLV Phan Thanh Hùng lúc này, dù VFF không yêu cầu ông phải từ chức sau thất bại của đội bóng tại AFF Cup 2012, nhưng ông Hùng còn đủ lòng tự trọng.

Vấn đề là giờ đây, khi HLV Phan Thanh Hùng quyết định từ chức, thì ai sẽ làm, và người đó có thể thay đổi diện mạo của các ĐTVN không? Rất khó! Vì yếu kém của bóng đá VN còn do bộ máy của VFF không có những con người thực sự có tầm chiến lược, hoạch định ra những kế hoạch dài hơi.

Ông Hùng có lỗi vì ông không thể hiện được cá tính trong lối chơi của đội tuyển. Nhưng lỗi lớn hơn chính là VFF khi đã không kiên quyết tìm HLV nội không kiêm nhiệm.

Một ĐTVN mà sau AFF Cup 2012 sẽ phải đối mặt cuộc khủng hoảng lực lượng đỉnh cao khi những ngôi sao một thời như Công Vinh, Tấn Tài, Hồng Sơn... mà chưa có gương mặt đủ sức thay thế.

Rồi cả nền bóng đá, sau hơn thập kỷ khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp đang lung lay dữ dội.

Dòng tiền tỷ từ doanh nghiệp đổ vào đang cạn, nhưng vẫn chưa biết cách nào để tự kiếm ra tiền nuôi sống chính mình, khiến số phận của không ít CLB lao đao. Với nền tảng như thế, thử hỏi làm sao ĐTVN có thể vươn cao.

Đội tuyển quốc gia là tấm gương phản ảnh rõ nhất nội lực của một nền bóng đá. Và sự thật là thất bại của ĐTVN chỉ là phần ngọn của một nền bóng đá VN đang xuống cấp thê thảm từ chất lượng chuyên môn đến con người.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG