Mới đây, UBND tỉnh Long An có chỉ đạo cho phép từ ngày 1/11, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), trường cao đẳng (CĐ) sư phạm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở liên kết đào tạo trình độ trung cấp trở lên trên địa bàn tỉnh Long An tổ chức dạy học trực tiếp trở lại cho học viên, sinh viên từ đủ 18 tuổi trở lên .
UBND tỉnh yêu cầu người tham gia dạy và học phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: Đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID- 19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng; Thực hiện đầy đủ các quy định về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế
Các cơ sở giáo dục phải có kế hoạch và tổ chức thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên định kỳ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Một số trường ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM cũng đã có kế hoạch đón sinh viên trở lại học trực tiếp từ tháng 11 này.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dự kiến thí điểm tổ chức lớp học kết hợp trực tuyến và trực tiếp từ ngày 8/11. Điều kiện để tổ chức lớp học kết hợp là tỷ lệ sinh viên đồng ý học trực tiếp trong một lớp từ 30% trở lên và giảng viên đồng ý giảng dạy theo hình thức này. Sinh viên tham gia học trực tiếp phải tiêm tối thiểu một mũi vắc xin COVID-19 trước ngày 8/11 ít nhất 14 ngày.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng dự kiến cho sinh viên trở lại trường từ ngày 1/11. Giảng viên, người học trực tiếp phải tiêm đủ liều vắc xin. Mỗi lớp học được mở tối đa là 20 sinh viên. Nhà trường ưu tiên cho sinh viên khóa 2018 trở về trước đăng ký học trực tiếp để hoàn thành đồ án, khóa luận.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự định giữa tháng 11 sẽ triển khai cho sinh viên đã tiêm đủ hai mũi vắc xin được đăng ký các học phần thực hành, thí nghiệm, đồ án, nhất là những sinh viên năm cuối để các em có thể hoàn thành đúng tiến độ học tập và tốt nghiệp.
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội đồng trường trường ĐH FPT, cho biết sau khi tiêm vắc xin mũi 2 cho sinh viên, trường dự kiến mở cửa trường cho sinh viên học trực tiếp từ giữa tháng 11. Theo ông Tùng, khoảng 60% sinh viên cơ sở TP.HCM đang sinh sống tại TP.HCM. Trường đã thực hiện khảo sát nhu cầu tiêm vắc xin và đi học trở lại của sinh viên để lên kế hoạch mở trường từng phần. Những sinh viên đã tiêm đủ hai liều vắc xin sẽ được học trực tiếp.
Tuy nhiên, vì các điều kiện phòng chống dịch khắt khe nên dù học trực tiếp, một số môn vẫn được giảng dạy trực tuyến để đảm bảo giãn cách.
Tại khu vực phía Bắc, GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp cho biết dự kiến sẽ mở cửa trường từ 10/11.
GS. TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi cho biết, trường đã chuẩn bị các kế hoạch sẵn sàng về cơ sở vật chất, đội ngũ, trang thiết bị phòng thí nghiệm cho công tác đào tạo trực tiếp. Tuy nhiên, do sinh viên cư trú ở các tỉnh, thành phố trên cả nước cho nên nhà trường cũng đang cân nhắc trên cơ sở quy định phòng, chống dịch của các địa phương. Bởi nếu trường hợp địa phương có dịch bệnh phức tạp chưa cho đi lại bình thường thì sinh viên cũng không thể di chuyển. Mặt khác, sinh viên khi học trực tiếp sẽ ở tập trung rất đông ký túc xá hoặc những khu nhà trọ, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cho nên cần cân nhắc, tính toán tình hình dịch bệnh của từng địa phương và tại Hà Nội để có phương án tốt nhất.
Tại cơ sở chính của trường ĐH Thủy lợi tại Hà Nội, nếu sinh viên học tập trung có quy mô khoảng 10.000 em. Vì vậy, chậm được tiêm vắc xin thì yếu tố nguy cơ là rất lớn. “Khi số lượng sinh viên về trường học tập trung cần có sự rà soát, đánh giá để ưu tiên tiêm tại nơi học tập nhằm bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ dịch bệnh. Đối với sinh viên tiêm mũi 1 ở nơi cư trú sau đó về trường học tập cần được tạo điều kiện thuận lợi để tiêm mũi 2” – GS. TS Trịnh Minh Thụ đề xuất.
PGS.TS Nguyễn Đắc Trung, Trưởng phòng đào tạo ĐH, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho hay kế hoạch mở cửa trường phụ thuộc rất nhiều vào chỉ đạo phòng chống dịch của UBND thành phố Hà Nội. Theo ông Trung, kế hoạch học tập của sinh viên không bị ảnh hưởng khi quay trở lại trường học trực tiếp. Nhưng nếu có một bộ phận sinh viên phải học trực tuyến trong khi trường học trực tiếp, kế hoạch dạy học sẽ bị xáo trộn vì phải đáp ứng cả hai hình thức học tập. Do đó, trường phải linh hoạt giảng dạy khi mở cửa lại trường.