'Tử thần' rình rập dưới chân cầu

'Tử thần' rình rập dưới chân cầu
TP - Nhiều cây cầu tại TPHCM có đường băng ngang phía dưới chân cầu hoặc họp chợ lấn chiếm lòng lề đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa rốt ráo khắc phục.

Những chân cầu “tử thần”

Đó là cầu Chánh Hưng (quận 8), cầu Nguyễn Tri Phương (quận 5), cầu Thị Nghè (quận 1), cầu Trường Đai (quận Gò Vấp), cầu Phú Xuân (huyện Nhà Bè),…khi mỗi ngày có hàng trăm xe bồn, xe ben lưu thông qua đây.

Vụ tai nạn mới đây nhất vào ngày 17/2 dưới chân cầu Trường Đai (đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp) đã khiến 2 người tử vong, 5 người bị thương khi chiếc xe ben lao dốc cầu Trường Đai về quận Gò Vấp lạc lái, đâm thẳng vào những người đi chợ ở dưới chân cầu. Anh Nguyễn Minh Học (chủ tiệm bán rau tại chợ dưới chân cầu Trường Đai) cho biết, vụ  tai nạn xảy ra vào buổi trưa khi khá đông người dân đi chợ mua đồ.

Trưa 24/2, phóng viên trở lại hiện trường vụ tai nạn dưới chân cầu Trường Đai, nhiều người dân cho biết, dưới chân cầu la một “điểm đen” khi thường xảy ra các vụ tai nạn giao thông. Khu vực dưới chân cầu Phú Xuân (huyện Nhà Bè) cũng tương tự khi dưới chân cầu là chợ dân sinh, có nhiều người buôn bán, trong khi mỗi ngày có nhiều xe cộ lưu thông khiến nguy cơ tai nạn luôn rình rập.

Một chân cầu “tử thần” khác cũng khiến không ít người đi đường lo lắng là cầu Chánh Hưng (quận 8) nối với cầu Nguyễn Tri Phương (quận 5). Tại khu vực giao nhau giữa hai chân cầu này là một con đường cắt ngang, phía dưới chân cầu là trụ đèn xanh đèn đỏ, trong khi độ dốc của cây cầu Chánh Hưng và Nguyễn Tri Phương cao, lượng xe qua lại  luôn trong mật độ dày đặc.

 Anh Trần Đình Thảo (ngụ quận 8) cho biết, gần đây là vụ tai nạn vào ngày 9/10/2014, khi một chiếc xe chở rác đổ dốc cầu Chánh Hưng về cầu Nguyễn Tri Phương thì mất lái, đâm vào 4 chiếc xe máy dưới chân cầu. Rất may không có ai chết nhưng vụ việc khiến nhiều người đi đường  hú vía.

Nhiều người dân sống gần các chân cầu trên cho biết, không an tâm khi sống, buôn bán ở hai bên chân cầu. Biết nguy hiểm nhưng tất cả cũng vì mưu sinh nên đành phó mặc sinh mệnh cho may rủi.

Xem thường tính mạng người đi đường

Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, bài toán quản lý đô thị tại TPHCM đang rối bời nên những cái chết tức tưởi do tai nạn giao thông dưới chân cầu dường như quá nhỏ, ít được quan tâm xem xét cụ thể nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai. “Khi xảy ra tai nạn chết người thì các cơ quan chức năng vẫn chưa làm hết trách nhiệm như chưa làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn một cách nghiêm túc nhất. Phần lớn lại kết luận xe mất thắng, tài xế ngủ gật,…mà không xem xét trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng, cơ sở hạ tầng,…”, ông Sanh nói.

Ông Sanh cũng chỉ ra, ngoài nguyên nhân do yếu tố con người, xe cộ gặp trục trặc thì yếu tố cơ sở hạ tầng, quản lý giao thông đô thị cũng là một nguyên nhân khiến TPHCM có nhiều vụ tai nạn ở dưới chân cầu. Cụ thể như việc bố trí đèn đỏ dừng dưới chân cầu, chợ búa mọc lên lấn chiếm lòng lề đường… là đang vi phạm luật giao thông nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban An toàn giao thông TPHCM thừa nhận, hiện ơ nhiều chân cầu có tình trạng lấn chiếm lòng lề đường. Các chợ mọc lên ngay dưới chân cầu thuộc trách nhiệm của địa phương quản lý. Do các địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình, chưa có giải pháp rốt ráo nên để xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban An toàn giao thông TPHCM thừa nhận, do thiếu kinh phí nên việc thiết kế lại giao thông, mở rộng giao lộ, tạo hầm chui ở một số chân cầu đang gặp nhiều khó khăn, chưa thực hiện được một cách rốt ráo.

MỚI - NÓNG