“Tú tài và đao phủ” - Ít chất thử nghiệm, vẫn xôn xao

“Tú tài và đao phủ” - Ít chất thử nghiệm, vẫn xôn xao
TP - "Tú tài và đao phủ" là vở diễn gây ngẩn ngơ nhất cho giới sân khấu VN tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm. Người bảo đỉnh cao, kẻ lại nói không thấy yếu tố thử nghiệm đâu...

Tại cuộc hội thảo về vở này sáng qua, TS Nguyễn Thị Minh Thái không tiếc lời khen:

Đạo diễn hết sức tinh quái, kỹ thuật cao cường, sử dụng mặt nạ rất tài tình. Vở diễn tác động tới tôi ở mọi phương diện, và là vở thử nghiệm thành công. Kịch bản mang tính thử nghiệm cao vì viết trên một tình huống giả định- điều hơn hẳn những vở khác. Diễn viên diễn kỹ lưỡng những chi tiết tả thực, diễn ước lệ những chỗ ước lệ...

Dường như đoàn kịch của Trung tâm nghệ thuật Thượng Hải đã quá quen với lời khen (cũng phải thôi, họ tự hào là chỉ đứng sau Trung tâm nghệ thuật Bắc Kinh) nên có vẻ không thấy họ “xúc động” gì cả.

Ông Dương Hiểu Lâm-Trưởng đoàn kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm - cho biết: Tháng 10 vừa rồi, Tú tài và đao phủ mới ra mắt khán giả Thượng Hải. Người xem rất thích.

“Tú tài và đao phủ” - Ít chất thử nghiệm, vẫn xôn xao ảnh 1

"Tú tài và đao phủ" ít chất thử nghiệm, vẫn xôn xao - Ảnh: N.Đ.T

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành cho rằng: Nếu thử nghiệm là đi tìm cái mới thì tôi thấy hình như các bạn đang quay về cổ điển. Các bạn tìm chính những yếu tố của sân khấu và làm đậm nó lên, chứ không tìm những yếu tố của các ngành nghệ thuật khác. Yếu tố tân kỳ rất ít trong vở. Các bạn nên thay đổi để cái chết của nhân vật đao phủ thú vị hơn với khán giả.

Nhà sản xuất Lý Thắng Anh tiếp thu ngay: “Đã nhận thấy vấn đề đó. Nếu muốn làm sâu sắc hơn cái chết của đao phủ thì phải thêm nửa tiếng nữa vào thời lượng vở. Như thế quá dài, có lẽ chúng tôi sẽ tìm một biện pháp dung hoà”. Được lời, ông Nguyễn Văn Thành nói sẽ xin gặp đoàn Trung Quốc sau để tư vấn về việc sửa đổi vở diễn.

Sân khấu thử nghiệm Trung Quốc bắt đầu từ năm 1980 với những vở dựng theo trường phái tiên phong của phương Tây. Bấy giờ, sân khấu Trung Quốc cũng nghĩ đó là trường phái mới, nhưng thực ra nó đã xuất hiện ở phương Tây từ 1950.

Nhà sản xuất Lý Thắng Anh khẳng định: Những trường phái đó lại đang trở về với truyền thống, nhưng không phải là truyền thống nguyên gốc. Chúng rất cần thiết cho sân khấu Trung Quốc. Chúng tôi tiếp thu tinh hoa của sân khấu thử nghiệm và làm nó hòa hợp với sân khấu truyền thống ở mức cao hơn.

NSND Đình Quang so sánh: Hành động sân khấu của vở hơi giống hý khúc. Nó làm cho vở kịch nói đậm màu Trung Quốc, khác với Đứng gác dưới ngọn đèn neon mà khán giả Việt Nam từng xem. Đây không phải kịch tâm lý xã hội, nhưng gợi cho ta nhiều suy nghĩ sâu xa. Tình huống thì bi kịch nhưng xử lý theo lối hài kịch, hơi giống B. Brecht.

Bởi thế, xem thấy hứng thú, xem xong thì suy nghĩ: những người có quyền hành ra quyết định hãy nghĩ tới những người chịu tác động của quyết định ấy. 

Trả lời thắc mắc của một số khán giả sinh viên, ông Lý Thắng Anh giải thích: 3 nhân vật chính không đeo mặt nạ để người xem cảm giác họ có thật trong xã hội.

Không chỉ khán giả phương Đông tìm thấy đồng điệu ở Tú tài và đao phủ, diễn viên Pháp cũng bày tỏ: Các bạn có những hành động kịch tương đồng với chúng tôi, khiến tôi cảm giác chúng ta đang sống trong một gia đình. Cảm ơn sáng tạo của các bạn Trung Quốc.

Ê-kip vở diễn nói giản dị: “Vở này sống được là nhờ khán giả đã thừa nhận tính giả định của nó”. Tú tài và đao phủ là vở duy nhất được biểu diễn 2 đêm, trong khuôn khổ Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế năm nay.

MỚI - NÓNG