Tạ Duy Bình cùng vợ và con gái |
Ngày đó, người Việt Nam ra nước ngoài công tác và ở lại vẫn còn là một việc trầm trọng…
Trong đêm mùa đông giá lạnh ở một xứ sở xa xôi ấy, tôi đã nói với anh rằng anh đã ở lại với khát vọng sáng tạo nghệ thuật thì hãy dâng hiến cho nghệ thuật một cách trung thực.
Nếu không làm được điều ấy thì sự ở lại đầy tai tiếng của anh lúc bấy giờ chẳng có ý nghĩa gì và anh sẽ là một người đáng trách.
Dù ai có nghĩ thế nào đi chăng nữa thì cũng phải công nhận nhiều lĩnh vực của đất nước ta thay đổi rất nhanh trong 10 năm trở lại đây. Sự thay đổi ấy làm cho người ta yêu cuộc sống này hơn.
15 năm trước, trong một chuyến đi Úc trở về, tôi đã phải tìm cách giấu 400 đô la của một người quen đang sống ở nước ngoài gửi về cho mẹ. Chỉ khi đặt chân vào ngôi nhà của mình, lấy 400 đô la ra và cất đi, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Trong suốt chuyến bay từ Úc về Việt Nam, lòng tôi mang một nỗi ám ảnh nặng nề. Hải quan Việt Nam có thể khám thấy số đô la đó và giữ lại. Nếu số đô la đó bị giữ lại, tôi tin người gửi không nghĩ khác về tôi, nhưng tôi sẽ dằn vặt không biết đến bao giờ.
Ngày ấy, những người đi nước ngoài về đến sân bay phải khai báo đầy đủ số ngoại tệ mang về. Tôi đã không khai báo. Bởi số tiền đó không phải của tôi. Bởi tôi sợ sẽ bị nghi là chuyển tiền bất hợp pháp cho một công việc bất hợp pháp nào đó.
Và có lẽ điều quan trọng nhất tôi sợ là không mang được 400 đô la của một đứa con tha phương đã cố gắng dành dụm để gửi về cho người mẹ của mình.
Nghĩa là tôi mang theo quá nhiều nỗi sợ hãi với số tiền ấy. Cho đến bây giờ, nghĩ lại chuyện đó, tôi vẫn thấy người mình nặng trĩu và mệt rã rời.
Cuộc sống có những điều phi lý lạ lùng thế mà con người vẫn sống cùng được. Rồi mọi chuyện cuối cùng cũng qua đi. Và lúc nào đó nhìn lại quá khứ, ta có thể phá lên cười khi nghĩ đến có những năm tháng ta đã sống như một kẻ đần độn, hoang tưởng.
Bây giờ, người gửi 400 đô la ấy vẫn thi thoảng về nước. Và có thể anh mang về cho gia đình 4.000 đô la hoặc 40.000 đô la hoặc 4 triệu đô la mà chẳng có chuyện gì và có khi lại được hoan nghênh.
Thời gian như nước chảy dưới chân cầu. Nước chảy qua chân cầu ngày hôm qua không bao giờ là nước của ngày hôm nay nữa. Thế mà lòng vẫn lưu chuyện cũ. Bởi vậy mà ta buồn. Nhưng ta phải nói ra.
Năm 1992, tôi được Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc mời sang dự hội thảo văn học. Trong chuyến đi ấy tôi có đến thủ đô Canbera. Khi tôi vừa nhận phòng khách sạn thì có tiếng gõ cửa.
Một thanh niên người Việt rất trẻ và đẹp trai hiện ra trước mắt tôi. Anh mặc chiếc quần bò bị rách ở đầu gối. Tôi biết quần bò rách một chút và bị mài trắng ở đâu đó là mốt lúc bấy giờ chứ không phải là một cái quần cũ đến mức phải rách.
Anh hỏi tôi bằng tiếng Anh : “Anh là người Việt Nam phải không ?”. Tôi trả lời bằng tiếng Việt : “Tôi là người Việt Nam”. Người thanh niên đó nói : “Em là Tạ Duy Bình”. Rồi Bình hỏi : “Anh có quen nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm không ? Có à. Em là đệ tử của anh Cầm”.
Khi còn ở trong nước, Tạ Duy Bình coi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm như một người anh lớn. Thế là chúng tôi nói chuyện với nhau chẳng cần ý tứ gì nữa.
Trong chương trình của tôi ở Úc có làm việc với đoàn kịch của thủ đô Canbera. Tạ Duy Bình lúc đó đang tham gia đoàn kịch và vì thế anh biết có một nhà thơ Việt Nam từ Hà Nội sang.
Chúng tôi gặp nhau rất vui và thật xúc động. Vì đấy là lần đầu tiên tôi đến Úc và Tạ Duy Bình cũng chỉ mới rời khỏi Hà Nội bốn năm trước đó. Cả hai chúng tôi đều cần có một người đồng hương ở chốn xa xôi này.
Bình nói với tôi nhà anh ở rất gần khách sạn. Anh hỏi tôi có muốn về nhà anh ở để hai anh em nói chuyện cho vui không. Tôi đồng ý ngay lập tức. Mặc dù trước đó lòng tôi cũng vướng vất một lỗi lo khi tiếp xúc với người Việt ở Úc.
Và mặc dù tôi đã được Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc trả tiền khách sạn trước cho toàn bộ chuyến đi của tôi. Trước khi đi Úc, một số người dặn tôi kỹ lưỡng đi đâu thì chỉ nên đi với người Úc da trắng, đừng đi một mình vì tôi có thể bị hành hung bởi một số người Việt sinh sống ở đó.
Thực tế trước đó đã có một số vụ hành hung và một nghiên cứu sinh đã bị đánh đến chết. Nhưng tôi đã nói với những người khuyên tôi nửa đùa nửa thật rằng:
Ngày xưa các cụ nhà ta đi sứ dùng ba tấc lưỡi mà cứu được giang san chẳng lẽ tôi không dùng ba tấc lưỡi để cứu được bản thân mình hay sao.
Tôi nhớ sau khi ở Canbera một tuần, tôi bay đi Sidney, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn đã ra sân bay đón tôi về nhà anh. Trước đó, tôi chưa hề gặp Hoàng Ngọc Tuấn.
Ông Neil Menton, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Văn hóa Quốc tế, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cũng ra sân bay đón tôi. Ông tỏ vẻ lo ngại về quyết định này của tôi.
Tôi biết ý và nói với ông: Dù thế nào thì họ cũng mang trong mình dòng máu Việt và tôi là một người Việt. Có lẽ với niềm tin đó mà tôi đã quyết định rời khách sạn về ở với Tạ Duy Bình cũng như sau đó về ở nhà Hoàng Ngọc Tuấn.
Chúng tôi đi bộ từ khách sạn về nhà anh ở. Tạ Duy Bình dùng xe đạp chở chiếc va-li của tôi. Đó là một ngôi nhà gỗ đã quá cũ, dành để cho những người mới nhập cư thuê với giá rẻ như bèo.
Có hai người thuê ngôi nhà đó : Tạ Duy Bình và một người gốc Ảrập. Lúc đó đang là mùa đông. Cây cối trơ trụi. Tôi nhìn thấy những con quạ đậu im lìm trên một cái cây rụng hết lá như một cái cây đã chết ở trong vườn.
Đêm ấy, hai chúng tôi ngủ trong một căn phòng nhỏ. Mỗi chúng tôi có một chiếc lò sưởi. Nhưng hai chiếc lò sưởi nhỏ đó đã không chống lại được cái lạnh ban đêm ở Canbera.
Chúng tôi không làm sao ngủ được, ngồi dậy hút thuốc và nói chuyện đến sáng. Sau này, mỗi khi gặp lại nhau, Bình vẫn áy náy mãi về cái đêm mùa đông ấy, cái đêm mà cả hai chúng tôi rét run vì lạnh.
Cái lạnh và không khí hoang vu của ngôi nhà trong mùa đông càng làm nỗi cô đơn của một thanh niên trẻ đã quyết định ở lại một xứ sở xa lạ và nỗi cô đơn của một người đàn ông xa gia đình và hay cả nghĩ như tôi càng thêm trống vắng.
Buổi sớm hôm sau, Tạ Duy Bình nấu mỳ cho tôi ăn. Tối hôm đó, anh đưa tôi đến thăm một sòng bạc ở thủ đô Canbera. Ở đó, chúng tôi gặp một thanh niên Hà Nội sang Úc học.
Anh này có quen thân với ngài Đại sứ Úc tại Việt Nam trong thời gian đó. Khi ngài Đại sứ hết nhiệm kỳ về nước đã xin được học bổng cho anh ta sang Úc.
Nhưng anh ta đã không học hành gì mà suốt ngày lang thang và đêm nào cũng đến chơi bời ở sòng bạc. Anh ta sang Úc thật dễ dàng và như là một chuyến đi chân chính, nhưng anh ta đã sống cuộc sống của một kẻ vô công rồi nghề ở đó.
Tôi tin người thanh niên kia sẽ chẳng bao giờ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và sẽ chẳng làm được trò trống gì nếu chỉ suốt đêm lang thang ở các sòng bạc và quán bar.
Còn Tạ Duy Bình đã ở lại Úc với bao điều tiếng và lời đồn đại, có thể có cả sự quy kết chính trị của một số người. Nhưng Tạ Duy Bình đã ở lại với một khát vọng của nghệ thuật và anh đã sống hết mình cho nghệ thuật mà anh theo đuổi.
Trước đó bốn năm, tôi nhớ là như thế, Tạ Duy Bình được Nhà hát Tuổi trẻ cử sang Úc tham dự Đại hội những người viết kịch trẻ thế giới . Lúc đó Bình là diễn viên kịch câm đầy triển vọng của Việt Nam.
Năm đó, hình như anh chỉ mới 20 tuổi. Nhưng anh đã không trở về nước. Ngày đó, người Việt Nam ra nước ngoài công tác và ở lại vẫn còn là một việc trầm trọng…
Lúc đầu chính quyền Úc chưa đồng ý cho anh định cư bởi ý kiến phản đối từ Sứ quán Việt Nam. Tạ Duy Bình đã biểu diễn một đêm kịch múa ngẫu hứng trước khi có thể bị đưa trở lại Việt Nam.
Tôi có nghe một số người kể lại đêm diễn này. Tôi hình dung Tạ Duy Bình vừa múa vừa khóc thầm. Ngày hôm sau, nhiều báo chí Úc đã viết về đêm ngẫu hứng đầy thăng hoa của anh và Chính phủ Úc đã cho anh ở lại.
Có lẽ, họ đã nhìn thấy những phẩm chất nghệ sỹ đích thực trong con người anh. Đúng vậy, anh không ở lại bởi bất cứ lý do gì khác. Anh mơ thấy những vũ khúc, anh mơ thấy những vở diễn và những nhà hát và anh muốn được bay lên như một sự mê sảng vô thức.
Sau này, trong những vở kịch do anh viết và tham gia biểu diễn vẫn luôn luôn mang nỗi buồn và khát vọng ấy.
Một cảnh trong vở vũ kịch “Mười một khúc cảm” | Bruce Keller và Tạ Duy Bình trong một vở diễn |
Trong đêm mùa đông giá lạnh ở một xứ sở xa xôi ấy, tôi đã nói với anh rằng anh đã ở lại với khát vọng sáng tạo nghệ thuật thì hãy dâng hiến cho nghệ thuật một cách trung thực.
Nếu anh không làm được điều ấy thì sự ở lại đầy tai tiếng của anh lúc bấy giờ chẳng có ý nghĩa gì và anh sẽ là một người đáng trách. Trong suốt bốn năm đầu định cư tại Úc, anh phải sống ở những ngôi nhà thiếu tiện nghi nhất.
Anh chịu đựng thiếu thốn để đi học. Khi lấy 400 đô la đưa cho tôi, anh ngượng ngùng nói với tôi anh còn đang đi học nên chẳng có tiền. Anh chỉ có 400 đô la dành dụm gửi về cho mẹ để cho chính anh đỡ tủi thân và để cho mẹ anh biết rằng anh vẫn sống, vẫn lao động và vẫn nghĩ về mẹ.
Sau chuyến đi Úc ấy, mấy năm sau tôi cũng chẳng có tin tức gì của anh. Nhiều lúc tôi tự hỏi không biết anh có còn đủ đắm mê với nghệ thuật nữa không.
Hay anh trở thành một người đi làm suốt ngày suốt đêm chỉ để kiếm tiền. Nhưng sáu năm sau, tôi lại có dịp trở lại nước Úc. Tôi vội hỏi thăm những người quen về anh.
Tôi thực sự phấn khích bởi anh đã không ngưng nghỉ làm việc cho sân khấu. Lúc đó, lòng tôi thanh thản vô cùng. Tôi lại nhớ đến căn phòng bé nhỏ và giá lạnh của sáu năm về trước và bát mỳ ăn liền anh nấu cho tôi cùng với những khát vọng hiến dâng cho nghệ thuật mà anh tâm sự với tôi trong đêm mùa đông ấy.
Cho đến bây giờ, anh đã trở thành một nghệ sỹ sân khấu có tên tuổi ở Úc. Anh đã viết, đạo diễn và công diễn hai mươi vở kịch. Năm 1995, anh thành lập đoàn kịch Việt – Úc : City Moon. Năm 1996, anh đã dịch vở kịch Away của Michael Gow và được Nhà xuất bản Thế giới xuất bản.
Năm 2001, anh nhận bằng Thạc sỹ đạo diễn sân khấu hiện đại của trường Đại học Wollongong, Úc. Sau đó anh quay lại giảng dạy về đạo diễn sân khấu ở đại học này và Đại học phía Tây Sidney.
Năm 2004, anh nhận giải thưởng của bang New South Wales dành cho nghệ sỹ xuất sắc nhất trong năm.
Bảy năm sau anh trở về Việt Nam giống như mọi người Việt Nam đi công tác hoặc đi du lịch nước ngoài về. Anh bây giờ cũng giống như nhiều người Việt Nam, kể cả một số là cán bộ nhà nước ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh rồi ở lại làm việc và sinh sống.
Chẳng có chuyện gì cả. Có rất nhiều thạc sỹ và tiến sỹ ở lại các nước Đông Âu làm ăn đã hai, ba chục năm nay rồi. Chẳng ai hỏi han hay gây phiền cho anh.
Thời gian giữa hai sự việc: Ra đi, ở lại và trở về chỉ có từng ấy năm. Vậy mà quan niệm và sự đánh giá của xã hội đối với cùng một sự việc lại thay đổi.
Tôi là người hay suy ngẫm những việc nho nhỏ như thế và tôi luôn luôn có niềm tin rằng: Thời gian luôn luôn đưa mọi việc trở về đúng chân lý của nó dù sớm hay muộn.
Tạ Duy Bình đã trở về và anh không phải giấu 400 đô la như tôi đã loay hoay tìm cách giấu suốt cả một buổi tối 15 năm về trước. Lúc ấy thật lạ là, dù giấu ở đâu tôi cũng nghĩ người ta nhìn thấy. Bởi tôi có thể giấu thiên hạ chứ không làm sao giấu được chính mình.
Tạ Duy Bình đã trở về nhà hát cũ của anh, Nhà hát Tuổi trẻ, và tự do trao đổi với những đồng nghiệp cũ về nghệ thuật sân khấu hiện đại mà anh đã theo đuổi.
Chính nhà hát này đã đón đạo diễn và nghệ sỹ danh tiếng Bruce Keller của Úc sang làm việc. Bruce Keller vừa là người thầy vừa là đồng nghiệp của anh.
Tôi đã gặp Bruce Keller hơn mười năm trước khi ông đến Việt Nam làm việc. Tôi đến thăm Bruce Keller lúc đó đang thuê phòng trong một nhà nghỉ xuềnh xoàng trên phố Điện Biên Phủ và thấy ông đang ăn cơm rang với dưa muối.
Sau này tôi hay dẫn ông đến các quán bia ở Hà Nội. Một lần tôi hỏi ông có biết Tạ Duy Bình không và kể với ông tôi đã có một đêm không ngủ với anh trong căn phòng giá lạnh như thế nào.
Tôi cũng nói với ông về những gì tôi mong muốn từ Tạ Duy Bình. Bruce Keller đã reo lên khi nghe câu chuyện của tôi. Ông nói Tạ Duy Bình là một nghệ sỹ Úc gốc Việt xuất sắc.
Sau này, Bruce và Tạ Duy Bình thường xuyên làm việc với nhau. Hơn ba năm trước đây, khi Bruce đang đạo diễn vở vũ kịch Mười một khúc cảm thì ông mắc căn bệnh hiểm nghèo và ra đi.
Mười một khúc cảm là vở vũ kịch chuyển thể từ bài thơ dài cùng tên của tôi trong tập Sự mất ngủ của lửa. Sau khi tiễn Bruce Keller về chốn vĩnh hằng, Tạ Duy Bình đã thay ông đạo diễn vở vũ kịch đó.
Nó đã được công diễn ở Sidney và nhiều nhà hát ở Úc và được đón chào nồng nhiệt. Vợ chồng Tạ Duy Bình cứ tiếc mãi là tôi không có điều kiện đến Úc trong đêm khai trương vở vũ kịch đầy ấn tượng đó.
Hai năm trước, Tạ Duy Bình đưa vợ con về thăm đất nước. Chúng tôi gặp nhau và lại nói về cái đêm mùa đông giá lạnh ở Canbera 15 năm về trước. Và anh lại áy náy về căn phòng quá lạnh, về cái lò sưởi quá nhỏ nhưng chúng tôi không nhắc lại việc chuyển “bí mật” 400 đô la về cho mẹ anh.
Khi Tạ Duy Bình lấy vợ, tôi không ngờ vợ anh lại là con gái của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, một cựu lãnh đạo của Cục Điện ảnh Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát sang Úc làm việc và gặp Tạ Duy Bình.
Khi về nước, Tạ Duy Bình đến thăm chị và đã gặp con gái chị. Những vẻ đẹp thanh tú của người mẹ hiện ra rực rỡ trên gương mặt cô con gái đã quyến rũ Bình.
Có một lần nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát tâm sự rằng con gái và con rể chị mang danh sống ở Úc bao nhiêu năm nay thế mà mua xe hơi thiếu tiền còn viết thư vay mẹ.
Tôi đã cười sung sướng khi nghe câu chuyện này dù đó có thể là chuyện đùa. Bởi tôi hiểu Bình. Bởi tôi hiểu đời sống của những nghệ sỹ chân chính cho dù họ sống ở bất cứ nước nào.
Bởi Tạ Duy Bình vẫn say đắm với nghệ thuật vũ kịch. Và trong mọi vở mà anh viết hay đạo diễn thì ký ức về tổ quốc, quê hương anh lúc nào cũng hiện lên trong mọi hình thức có thể.
Cho dù ký ức đó có những khoảng buồn bã và nhói đau nhưng bao trùm lên vẫn là một vẻ đẹp u huyền và một tình yêu da diết.
Trong chuyến đi Úc lần thứ hai vào mùa hè năm 1999 trong chương trình khách của Ngoại trưởng Úc, tôi đã đến thăm Tạ Duy Bình. Anh sống cùng vợ con trong một căn hộ nhỏ nhưng ấm cúng.
Và không ai bảo ai, chúng tôi cùng nói về căn phòng nhỏ trong ngôi nhà gỗ hoang vu mà anh đã thuê ở đó những năm tháng đầu khi định cư ở Úc.
Ngày đó, có lúc tôi thoáng mang cảm giác rằng anh giống một kẻ chạy trốn một điều gì đó, chạy trốn một ai đó đến sống ẩn náu trong ngôi nhà giá lạnh với những cái cây như đã chết phủ đầy những con quạ.
Từ buổi chiều đầu tiên tôi gặp anh đến nay đã 15 năm. Có bao nhiêu chuyện đau lòng và những nỗi sợ hãi tưởng mãi mãi sẽ nhấn chìm con người đã bị thời gian hóa giải và cuốn đi.
Và tôi lại muốn nói như một nhà triết học ấu trĩ nhưng chân thực rằng: Thời gian luôn luôn công bằng và nó sẽ xóa đi tất cả những gì đi ngược lại tính nhân văn và vẻ đẹp của đời sống này.