Từ Hoàng thành tới bảo tàng: Những điểm vui trung thu hấp dẫn

Trẻ em Thủ đô vui Tết Trung thu năm 2018. Ảnh: Ngọc Châu
Trẻ em Thủ đô vui Tết Trung thu năm 2018. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Xu hướng đưa con trẻ quay lại với không khí trung thu truyền thống thịnh hành vài năm gần đây. Những địa điểm như Hoàng thành Thăng Long, bảo tàng giờ trở thành nơi mở hội dịp lễ, tết trung thu đầy hứng khởi, vui nhộn.

Hoàng thành mở hội trung thu từ 6/9 đến hết 8/9. Vui tết trung thu 2019 “Trống hội trăng thu” nằm trong chuỗi hoạt động phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội mong muốn, chuỗi hoạt động này không những giúp các em có nơi vui chơi mà còn gợi lại hồi ức về những mùa trung thu xưa kia.

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (19 Hoàng Diệu) khá lý tưởng để tổ chức không gian hội hè rộn rã. Những trống múa lân múa sư tử, nhạc cụ nghệ thuật hát trống quân, đồ chơi trung thu, trò chơi đốt pháo hạt bưởi xuất hiện trong không gian trưng bày chủ đề Trống hội trăng thu.

Trẻ đến chơi nhiều trò quen thuộc như bập bênh, đánh đu, cầu trượt, leo núi tam giác, rồi tham gia khu tương tác làm bánh trung thu, làm đồ chơi truyền thống như tô vẽ mặt nạ giấy bồi, làm diều, tô tranh, nặn tò he. Học sinh các trường tham gia chương trình giáo dục di sản có thêm phần kể chuyện các vị vua hiền.

Chợ tết trung thu tập hợp nhiều sản phẩm thủ công, đặc biệt có nghệ nhân trình diễn và giao lưu: Gia đình nghệ nhân bồi và vẽ mặt nạ Hoàng Bá Nhất (Thuận Thành, Bắc Ninh), gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến làm tiến sĩ giấy (Vân Canh, Hà Nội), nghệ nhân Mạnh Hùng làm tàu thủy sắt tây (Khương Hạ, Hà Nội), nghệ nhân tò he Đặng Văn Khang (Phú Xuyên, Hà Nội). Nghệ nhân hát trống quân ở Thuận Thành Bắc Ninh, đội múa sư tử Triều Khúc biểu diễn phục vụ khách tham quan.

Trung thu sắc màu Gia Lai do Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học tổ chức. Hai ngày cuối tuần này 7, 8/9 trẻ em có dịp khám phá nét văn hóa đặc trưng của mảnh đất Gia Lai như trình diễn cồng chiêng, múa hát dân gian, chơi nhạc cụ truyền thống, đan gùi, dệt thổ cẩm của người Bana, Giarai và không thể thiếu ẩm thực núi rừng Tây Nguyên. Bảo tàng cũng không thiếu những góc sôi động của đội múa lân.

Vui trung thu truyền thống vốn là đặc sản của Bảo tàng Dân tộc học từ nhiều năm nay. PGS.TS Bùi Nhật Quang, Giám đốc Bảo tàng nêu điểm mới ngày hội năm nay là cuộc giao lưu với nghệ nhân về ý nghĩa mâm cỗ trong dịp tết trông trăng. Mâm cỗ trung thu không đơn thuần cho trẻ em vui, nhiều gia đình dành cúng trăng, đồng thời gửi gắm ước nguyện con cái học hành đỗ đạt vinh hiển. Nghệ nhân làng nghề truyền thống và đội tình nguyện viên hướng dẫn trẻ làm đồ chơi dân gian đặc trưng như tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao, đèn kéo quân.

Từ Hoàng thành tới bảo tàng: Những điểm vui trung thu hấp dẫn ảnh 1

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có trải nghiệm Trung thu cho bé 2019. Hoạt động ở đây mang đặc trưng của không gian thấm đẫm mỹ thuật. Những người tổ chức mong muốn với màu, cọ vẽ và vật liệu in ấn, các em nhỏ vui chơi cùng nghệ thuật vui vẻ và bổ ích: Vẽ trang trí mặt nạ giấy bồi, tự làm túi đựng quà với kỹ thuật in độc bản. Trò chơi dân gian đi kèm là bịt mắt đánh trống.

Mở hội bên Hồ Văn: Năm nay Trung tâm Hoạt động Văn hoa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám không tổ chức đêm hội linh đình, chủ yếu dành không gian bên Hồ Văn cho trẻ tương tác làm đồ chơi dân gian, làm bánh trung thu.

Trung thu phố cổ Hà Nội: Trẻ em Hà Nội có thêm không gian công cộng vui trung thu vào tối từ 30/8 hết 13/9 tại nhiều tuyến phố cổ Hà Nội. Thành phố cấm đường và phân luồng loạt tuyến như Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Rươi, Hàng Chai, Hàng Khoai, một đoạn phố Phùng Hưng để tổ chức chuỗi chương trình trung thu cho thiếu nhi.

UBND quận Hoàn Kiếm thông tin một loạt hoạt động: Liên hoan múa lân-sư tử của 18 phường trên địa bàn. Đêm hội rằm Trung thu phố cổ có thi bày cỗ, rước đèn và vui phá cỗ của thiếu nhi. Tuyến phố đi bộ mở rộng là nơi diễn ra chương trình ca nhạc cho thiếu nhi. Dịp này các địa chỉ văn hóa của Hà Nội như đình Kim Ngân, Trung tâm Thông tin di sản phố cổ Hà Nội, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, không gian bích họa Phùng Hưng, phố đi bộ Hồ Gươm... có nhiều hoạt động từ hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống, trò chơi dân gian, biểu diễn văn hóa văn nghệ.

Kịch, xiếc phục vụ thiếu nhi. Nhà hát Tuổi trẻ diễn Con chim xanh tối 8/9. Vở kịch thần thoại dàn dựng từ tác phẩm của nhà văn Bỉ Maurice Maeterlink, kể lại hành trình của hai bạn nhỏ đi tìm con chim xanh với niềm tin chữa bệnh cho một em bé hàng xóm. Tác phẩm do đạo diễn người Bỉ dàn dựng, nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn. Nhà hát Kịch Việt Nam diễn Anh hùng Sờn Zách tại Nhà hát Star Galaxy từ 6, 8, 9, 10 và 13/9, tại Nhà hát Kịch Việt Nam sáng 14/9. Nhà hát cũng đem Ăn quả trả vàng phục vụ thiếu nhi Hải Phòng.

Liên đoàn xiếc Việt Nam tung ra chương trình Phù thủy đại chiến 2019, từ 7-13/9 trong đó nhiều tiết mục xiếc kết hợp ảo thuật trong chương trình có nội dung kịch bản xuyên suốt hơn 80 phút. Một tiết mục hứa hẹn chưa từng có là nữ diễn viên xiếc trình diễn trong bể kính nước với con trăn.

UBND quận Hoàn Kiếm thông tin: Liên hoan múa lân-sư tử của 18 phường trên địa bàn. Đêm hội rằm Trung thu phố cổ có thi bày cỗ, rước đèn và vui phá cỗ của thiếu nhi. Tuyến phố đi bộ mở rộng là nơi diễn ra chương trình ca nhạc cho thiếu nhi.

MỚI - NÓNG