Từ đâu có tên gọi Tiền Phong?

Họa sĩ Tôn Đức Lượng(trái) và TBT báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn, nhà báo Xuân Ba trong ngày khai mạc triển lãm Ký họa lịch sử của ông Ảnh: Hồng Vĩnh
Họa sĩ Tôn Đức Lượng(trái) và TBT báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn, nhà báo Xuân Ba trong ngày khai mạc triển lãm Ký họa lịch sử của ông Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Tôn Đức Lượng- họa sĩ đầu tiên của báo Tiền Phong, là người chứng kiến những ngày đầu tiên tờ báo khai sinh tại bản Dõn, xã Minh Thanh, Sơn Dương, Tuyên Quang cách đây đúng 59 năm. Những câu chuyện trích từ dòng hồi ức của ông.

> Báo Tiền Phong tròn 59 tuổi (16.11.1953 - 2012): Để 'Tiền Phong' mãi tiên phong
> Xem những tác phẩm của họa sĩ Tôn Đức Lượng

Được Bác Hồ beo tai

Đó là năm 1952 ở An toàn khu. Ở T.Ư Đoàn, ông Lượng hầu như không có việc gì làm (vì chưa ra báo) nên hay được các cơ quan khác đánh công văn “mượn”. Lần ấy ông được giao làm trưởng ban khánh tiết cho ĐH Anh hùng Chiến sĩ Thi đua Toàn quốc.

Ông vẽ chân dung Bác (ở giữa) hai bên là Stalin và Mao Trạch Đông để treo trên lễ đài. Bác đến xem, gật đầu hỏi ai vẽ. Anh Chỉnh, Thường vụ T.Ư Đoàn: “Thưa Bác anh Lượng”.

Bác vẫy Lượng đến bảo: “Được! Nhưng Bác ở ngoài còn đẹp hơn thế này nhiều!”.

Lượng đáp: “Nhưng cháu chỉ tìm được ảnh như thế thôi ạ. Nếu cháu được vẽ trực tiếp Bác thì tất nhiên là phải đẹp rồi”. Ông Lượng miêu tả thái độ của Bác lúc đó: “Như cha nói với con, tình cảm lắm. Ý Cụ nói phải tìm những hình ảnh đẹp mà vẽ”.

Sau đó Bác nói đại ý, giáo dục quốc tế anh hùng chiến sĩ thì không chỉ có “quốc tế xa” mà phải có cả “quốc tế gần”. Bác yêu cầu vẽ thêm đại diện lãnh tụ của Campuchia và Lào.

Ảnh lãnh tụ Campuchia thấy ngay. Còn ông Xuphanuvong của Lào tìm mãi không ra, Lượng phải vẽ lại theo ảnh đăng trên báo Sự Thật (tiền thân của báo Nhân Dân) lúc đó in trên giấy dó nên khá lem nhem.

Lượng phải thức cả đêm để vẽ cho kịp: “ Mình nhớ là đã gặp ông ấy, nhưng dẫu sao cũng không dám vẽ rõ vì ảnh mờ mịt quá. Cứ vẽ thế nào cho có hình ông ấy thôi”.

10h sáng hôm sau Bác đến nghiệm thu, nhìn hình ông Sơn Ngọc Minh (Campuchia), Bác bảo được, xong vẫy Lượng đến.

Bác beo tai Lượng: “Chú vẽ ông Xuphanuvông thế này ông ấy mà biết thì ông ấy giã cho chú chết!” Lượng trình bày hoàn cảnh xong, Bác bảo: “Thôi được, thế là có đủ rồi thì 2h chiều là khai mạc được”.

“Ngay Cụ Hồ cũng nói rất dân dã chứ có bao giờ kiểu cách”, Tôn Đức Lượng kể. Trong thời gian diễn ra Đại hội, Bác thường ngồi ăn cùng anh em chiến sĩ. Bác ngồi vào bàn nào thì các họa sĩ lại đổ xô đến vẽ Bác. Bác cười nói: “Đang ăn mà vẽ thế này thì người ta xấu hổ ai còn ăn được!” Rất tiếc các bức ký họa Bác của Tôn Đức Lượng thời gian này đã bị thất lạc.

Tiền Phong và giải thưởng đầu đời

Tất nhiên là tất cả những bản khắc gỗ Tôn Đức Lượng thực hiện để in báo thì đều không còn vì khắc xong đưa nhà in và in xong thì vứt đi.

Tôn Đức Lượng tốn công nhất (khắc mấy ngày mới xong) cho hình chim hòa bình và hoa lá tràn 2 trang (bằng 2 trang báo Tiền Phong bây giờ) làm nền để in loạt ảnh chụp tại Festival Thanh niên Thế giới. Liên hoan diễn ra tại Bucarets tháng 8-1953 thì tháng 11 có ảnh ra trên báo.

Theo Tôn Đức Lượng nhớ thì thoạt đầu báo Tiền Phong phát không. Đơn giản vì thanh niên cả miền Bắc đã lao động công ích để lấy tiền cho TƯ Đoàn ra báo, cho nên họ được “trả lại bằng báo”.

“Ý tưởng này được các cán bộ Đoàn cơ sở nêu lên trong một hội nghị,” Tôn Đức Lượng cho hay. Tên báo Tiền Phong do Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Lam (kiêm Chủ nhiệm báo) quyết định, lấy cảm hứng từ báo L’Avant-garde của Pháp. Đầu tiên có người định dịch là Tiên Phong, song sợ lẫn với tờ Quân Tiên Phong (của Quân đội) nên thôi.

Báo Tiền Phong lúc đó là một ban của T.Ư Đoàn. Đến bữa, tất cả xuống nhà ăn tập thể. Năm 1952, lương trả theo gạo, bắt đầu có tiết mục hằng tháng đi gánh gạo về bếp ăn.

Thường suất ai người nấy gánh- trừ lãnh đạo và người ốm được gánh hộ. Riêng ông Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) trong thời gian ở T.Ư Đoàn để nghiên cứu chính sách TNXP vẫn phải tự đi gánh gạo.

Tôn Đức Lượng cười, nhớ lại: “Ông Vũ Kỳ thì ngang tầm ông Nguyễn Lam nhưng chi đoàn cứ đúng nguyên tắc bắt đi gánh gạo, thì ông cũng vui vẻ đi”.

Trước khi về Hà Nội, vào tháng 9-1954, có một buổi tổng kết công tác báo chí. Báo Tiền Phong được Bác khen: “Mới ra mà đã có nhiều bài tốt và tranh ảnh, trình bày đẹp, nên cho thưởng,” ông Lượng kể.

“Chính ông Thanh Dương đi họp về nói rõ cho bọn này nghe. Bọn này tấp tửng lắm. Rồi tất cả mọi người đều xoay quanh việc về Hà Nội, quên béng. Về Hà Nội cũng không biết ai phụ trách việc đấy để mà hỏi”. Thế là báo Tiền Phong lỡ mất giải thưởng đầu đời.

Tại nhà chật

Tôn Đức Lượng có lẽ là người duy nhất ở Tiền Phong từ xưa đến nay có chế độ năm nghỉ 3 tháng từ 1957 đến khi về hưu (1982). “Cái này cũng phải đấu tranh gay go, thời gian đầu không phải đơn giản người ta chấp nhận ngay,” ông Lượng nhớ lại.

Năm 1956, Hội Mỹ thuật ra thông báo, hội viên trong biên chế Nhà nước được hưởng chế độ nghỉ 3 tháng/năm để đi sáng tác mà vẫn ăn lương cơ quan.

Tôn Đức Lượng trình bày trước cuộc họp cơ quan: “Nếu muốn có một họa sĩ cho ra họa sĩ, các anh phải chấp nhận đề nghị này. Vì tôi có đi sáng tác thì tay nghề của tôi mới lên, tôi trình bày báo, vẽ minh họa tốt hơn thì đẹp cho tờ báo. Hai nữa nếu tôi đi sáng tác mà chẳng hạn có tác phẩm triển lãm toàn quốc, tên tuổi cũng được nhiều người biết. Một ông họa sĩ của báo mà có tên tuổi chắc là hay hơn ông họa sĩ lúi dúi không ai biết! Thì các anh nghĩ thế nào?”

Sau đó, báo Tiền Phong giao Tôn Đức Lượng tuyển thêm họa sĩ để ông có thời gian đi sáng tác. Từ đó thành thông lệ cứ đầu năm TBT Thanh Dương lại hỏi ông Lượng định đi vào thời gian nào để cơ quan bố trí.

Tôn Đức Lượng đi khắp nơi từ Yên Bái, Lào Cai đến Hà Tĩnh, Quảng Bình bằng xe đạp. Ông thường chọn các điểm nóng về phong trào thanh niên để vẽ. Riêng khu Kinh tế Thanh niên Phú Thọ được ông quan tâm đặc biệt.

Ông chứng kiến sự ra đời của khu kinh tế từ một chủ trương của T.Ư Đoàn và theo sát trong vài năm. Những bức ký họa còn nóng hổi của Tôn Đức Lượng được lồng khung bằng thân cây cọ và triển lãm tại chỗ.

“Thanh niên thấy mình được vẽ, được treo lên, thì khoái lắm càng hăng hái,” ông Lượng kể. Khi chia tay, khu kinh tế đề nghị họa sĩ để lại một số ký họa để hàng năm triển lãm động viên tinh thần anh em nhân ngày thành lập.

Năm 1980, Tôn Đức Lượng quay trở lại hỏi tranh của mình, mới biết chỉ triển lãm được 3 lần, sau đó thành thức ăn cho mối.

“Tiếc lắm, vì hơn 100 bức mình giữ lại là do chưa được vừa ý mình lắm. Còn những bức kia đông thanh niên hoạt động, mà sôi nổi lắm cơ. Mình để cho họ những cái tinh túy. Đau thế chứ!” - họa sĩ nói.

Lý do Tôn Đức Lượng vẽ rất nhiều ký họa nhưng không dựng được nhiều tác phẩm lớn cũng đơn giản vì nhà chật: “Cậu thử tưởng tượng nhà có thế này, mỗi khi vẽ phải bày ra. Vẽ xong lại phải cất gọn chứ không thể bày hết ngày này sang ngày khác. Muốn vẽ tốt phải có xưởng họa”.

Bức sơn dầu Mở đường ông vẽ mất 5 năm (1970-1975) là vì cứ phải bày ra cất vào như thế. Hiện họa sĩ cùng gia đình con trai cả vẫn ở trong căn hộ một phòng đó, chỉ cất thêm cái gác xép.

Căn phòng dù ở ngay Bờ Hồ song không ánh sáng trời lọt vào, nên khi vẽ họa sĩ cứ có cảm giác tranh mình hơi lạnh: “Đến lúc mang ra ánh sáng ban ngày mới thấy tranh của mình ấm quá, tinh màu vàng”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG