Theo ông Dũng, trường ông là trường thuộc khối sư phạm đầu tiên tự chủ đại học và nếu không xé rào thì không thể nào có được những kết quả tốt như hiện nay.
“Tự chủ hiện nay rất nửa vời, làm gì mà lát cái sàn cũng phải xin phép bộ chủ quản, chẳng khác gì người dân xây cái chuồng heo cũng phải ra chính quyền xin phép"- ông nói và cho biết, cái thành công nhất của tự chủ đại học hiện nay là tự chủ về mặt học thuật còn những vấn đề khác thì đang rất chồng chéo”.
Trước thực tế này, ông Dũng đề xuất phải nhanh chóng xóa bỏ bộ chủ quản bởi người quản thì làm việc theo tư duy muốn quản, còn người lao động thì làm việc theo kiểu tư duy không phải của người làm chủ nên không có hiệu quả.
Là người phát biểu thứ 2 tại hội thảo, GS Mai Hồng Quỳ khẳng định tự chủ về tổ chức nhân sự và tự chủ về tài chính là hai nội dung có ý nghĩa quan trọng nhất. Trong khi đó các văn bản pháp luật hiện hành chưa thật sự giải quyết được hai vấn đề nêu trên. Bà Quỳ đưa ví dụ nếu thực sự được tự chủ trong vấn đề nhân sự, trường sẽ không tuyển chuyên viên vào viên chức mà chỉ tuyển giáo viên theo hợp đồng làm việc.
Trong khi đó, TS Phạm Duy Nghĩa, Trưởng khoa Luật, trường ĐH Kinh tế TPHCM đặt câu hỏi: “Mục đích của sửa đổi luật giáo dục đại học để làm gì? Nếu sửa luật để phổ cập đại học thì không cần thiết vì theo cơ chế thị trường, vài năm nữa là người dân học, còn nếu sửa luật cho đúng thì phải bắt được bệnh chỗ nào rồi mới sửa”.